Những ngày này, tin đồn "Phật ngự tọa" ở gần chùa Phước Sơn tại ấp Mỹ Phú 1, xã Tường Lộc (huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) vẫn là chủ đề bàn tán hấp dẫn đối với những người dân hiếu kì.
Hình tượng kỳ dị xuất hiện trên ngọn cây sao cũng chính là lí do thu hút khách thập phương "hành hương" đổ về đây để được tận mắt chứng kiến. "Phật Di lặc ngồi đưa cái bụng phệ ra của ngài trên ngọn cây sao, và cười nhe răng đó". Người phụ nữ vừa nói, tay chỉ về hướng hai cây sao mọc cạnh ngôi chùa Phước Sơn (xã Tường Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) và mô tả rất sinh động hình Phật di lặc "ngự" trên ngọn cây.
Ngôi chùa Phước Sơn. Ảnh T.G |
"Phật ngự tọa" trên ngọn cây sao 90 tuổi
Sự việc diễn ra vào ngày 13/12 khi nhà chùa cho phép bật hơn 200 ngọn đèn, nhiều người dân đã phát hiện ra trên ngọn cây có hình giống tượng Phật. Mọi việc có lẽ chỉ dừng lại ở đó, thế nhưng đến ngày 15/12 có một số Phật tử sau khi hành lễ ở trong chùa xong đã kéo nhau ra đứng ven đường lộ rồi cúi rạp người quỳ lạy. Nhiều người dân hiếu kì đi qua đã dừng lại và từ đó bắt đầu truyền tai nhau câu chuyện Phật hiển linh.
Câu chuyện trở nên ly kì hơn vào tối ngày 17/12, để chào mừng ngày Khánh đản đức Phật A Di Đà, tại chùa Phước Sơn có tổ chức một đêm nhạc. Chính vì vậy, tất cả các đèn lồng và đèn cao áp đã được bật lên, làm sáng rực cả một vùng trời. Và hai ngọn cây sao ở gần chùa cũng được "phủ" lên màn ánh sáng huyền ảo lung linh. Tuy nhiên, trước đó đã có lời đồn Phật giáng thế trên hai ngọn cây này, nên mọi người đã đổ xô chạy ra xem và tin rằng Phật đã độ thế xuống trần, cứu độ chúng sinh. "Tiếng lành đồn xa" nên không chỉ có người dân địa phương mà còn có cả khách từ Cà Mau, Trà Vinh, Tiền Giang, TP.HCM cũng kéo đến để chiêm ngưỡng.
Từ ngày xuất hiện tin đồn Phật hiển linh, ngôi chùa vốn tĩnh lặng bấy lâu nay đêm nào cũng xuất hiện nhiều người chẳng khác nào trẩy hội. Mọi người cùng nhau bàn tán xung quanh câu chuyện Phật giáng thế, người này rỉ tai người kia. Cách cổng chùa khoảng 200 mét, người dân vây kín xung quanh một người đàn ông đang "thao thao bất tuyệt" làm "hướng dẫn viên" kể chuyện "Phật độ thế" trên ngọn cây sao cho khách thập phương. Tìm hiểu chúng tôi được biết, người đàn ông này độ khoảng 30 tuổi, là dân địa phương.
Theo lời người này, trước đêm nhà chùa tổ chức lễ Khánh đản, có một đám thanh niên trong làng đi câu đêm ngay con lạch nhỏ bên tỉnh lộ 904. Bỗng có một người trong đám kêu lên: "Ông Phật kìa bay ơi" và tay chỉ về phía hai cây sao cạnh ngôi chùa. Nhìn theo hướng tay của người thanh niên, những người còn lại sửng sốt, khi trông thấy một khối màu trắng trông rất giống Phật Di lặc đang ngồi chễm chễ trên ngọn cây sao. Như không tin vào mắt mình, người nọ "nhéo" người kia xem có phải cả đám hoa mắt. Vì quá ngạc nhiên, ngay đêm đó những người này đã về nhà báo tin cho mọi người được biết.
Từ ngày tin đồn Phật giáng thế, hàng ngàn người lũ lượt kéo nhau đổ về đây. Trao đổi với chúng tôi, một công an viên xã Tường Lộc cho biết, ngày đầu tiên chỉ có 200 người, ngày thứ hai lên đến hơn 1000 người, sang ngày sau con số tăng lên là 4000 người. Chính vì vậy câu chuyện Phật hiển linh ngày càng được thêu dệt, có người lặn lội từ cực nam Cà Mau lên đây khi tận mắt nhìn thấy ngọn cây sao đã vội chắp tay vái lạy
Phật chỉ "hiện hình" khi có ánh đèn
Theo như chúng tôi tìm hiểu, để chuẩn bị cho lễ Khánh đản diễn ra vào hai ngày 17 và 18/12, Ban trị sự của chùa Phước Sơn đã có chủ trương lắp 220 bóng đèn chiếu sáng. Tại sân chùa, có 100 đèn lồng màu đỏ, 50 đèn lồng vàng, 48 đèn đỏ - vàng, và 10 bóng đèn cao áp. Phía trước cổng chùa có 2 bóng đèn cao áp, riêng cạnh bức tường rào gần hai cây sao có 70 chiếc đèn màu trắng-đỏ-vàng chiếu sáng vào chòm cây. Vào ban đêm, khi bóng đèn hắt lên tán cây, đứng nhìn từ xa trông giống như một khối màu trắng tựa Phật đang ngồi.
Người dân đang tụ tập xem "Phật ngự tọa" trên ngọn cây sao. Ảnh T.G |
Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của người dân và tín ngưỡng thờ cúng nhiều kẻ xấu đã tung tin đồn thất thiệt với những câu chuyện không đúng thực tế làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự của địa phương. Trước tình hình trên, chính quyền địa phương đã vận động chùa Phước Sơn tắt đèn cao áp trong sân chùa để người dân không còn ngộ nhận. Kể từ ngày chùa tắt đèn cao áp người xem đã giảm dần, tuy nhiên nhiều người dân vẫn phủ nhận đó là do ánh đèn cao áp và một mực tin rằng Phật "ngự" trên ngọn cây sao 90 tuổi.
Đặc biệt, mọi người còn rỉ tai nhau những câu chuyện li kì xung quanh cây sao có Phật giáng xuống rằng: Chủ nhân của hai cây sao là bà Trần Thạch Gồng, có người chồng chết bất đắc kì tử đã hai năm nay, có nhà kề sát bên chùa. Trước ngày diễn ra lễ Khánh Đản, người chồng đã khuất về báo điềm trong giấc mơ sẽ có Phật hiển linh trên hai ngọn cây sao nơi góc vườn. Điều lạ là, đã có lần bà Gồng muốn bán hai cây sao và có người đồng ý mua. Vài ngày sau, người này cầm cưa ra đốn cây đem về, nhưng không hiểu tại sao lại bỏ giữa chừng đi về và đòi bà Gồng trả lại tiền.
Mặc dù câu chuyện Phật độ thế đã được làm sáng tỏ là do ánh đèn phản chiếu, nhưng vẫn có hàng trăm người cứ đêm đến là tới chùa xem Phật Di lặc hiện ra. Thậm chí, có người vượt hàng trăm cây số trong đêm chỉ tới xem… "ông Phật" Di Lặc độ thế hình dáng ra sao. Bà Vân (50 tuổi, ngụ thị trấn Tam Bình) còn mô tả rất sinh động "ông Phật" trên ngọn cây sao: "Phật Di lặc ngồi đưa cái bụng phệ ra của ngài trên ngọn cây sao, và cười… nhe răng đó".
Trao đổi với PV, ông Huỳnh Văn Ba, trưởng ấp Mỹ Phú 1 (xã Tường Lộc) cho biết: Khi chùa tắt hết đèn trong sân thì không hề có hiện tượng gì khác lạ, chỉ khi bật lên do bị ánh đèn cao áp "quát" lên nên không còn màu xanh lá cây mà thay vào đó là màu trắng nhìn từ xa giống như một đám mây. Chị Phan Thị Thủy Chung (SN 1966) là người ở bên cạnh chùa không ngần ngại chia sẻ: "Đó chỉ là bóng của cây sao do bóng đèn hắt lên cây thôi. Phật hiển linh đâu tôi chẳng thấy, ấy vậy mà mọi người cứ thần thánh hóa kéo đến đây làm xôn xao ảnh hưởng đến an ninh".
Để "mục sở thị" hai cây sao được cho là Phật hiển linh với điềm báo trước như lời đồn, chúng tôi đã tìm gặp bà Trần Thạch Gồng. Bà Gồng cho biết: "Mọi người cứ thổi phồng lên vậy thôi, không có chuyện tôi được chồng báo mộng có Phật hiển trên ngọn cây sao. Thực tế, cây sao này từ trước giờ chẳng có điều gì khác lạ, có chăng nó hơn 90 tuổi thôi. Đêm nào cũng có đông người qua nhà xin phép tôi xem cây sao, tôi cũng đã giải thích nhưng không hiểu sao mọi người vẫn cứ kéo đến xem".
Đại diện chùa Phước sơn, một vị chư tăng cho hay: Trước đó nhà chùa không hề hay biết có chuyện Phật Di Lặc hiển linh trên cây sao như lời đồn của người dân. Đây chỉ là trò mê tín dị đoan, chứ hoàn toàn không có thật. Bên phía nhà chùa cũng đã yêu cầu các ni sư giáo dục phật tử không nên tin vào câu chuyện được thêu dệt hoang đường "Phật độ thế" gây mất an ninh trên địa phương.
Vậy là đã rõ, câu chuyện "Phật hiển linh" trên ngọn cây sao chỉ là sản phẩm của một số người giàu trí tượng tượng. "Phật hiển hình" đâu không thấy, chỉ biết từ ngày có hàng ngàn người đổ về chùa Phước Sơn, nhiều cánh hàng rong bủa vây quanh chùa để buôn bán và dọc tỉnh lộ 904 xuất hiện nhiều bãi giữ xe "tự phát" phục vụ nhu cầu của khách vãng lai.