Năm 2004, tôi quyết định kết hôn với anh, 1 người làm việc trong cơ quan nhà nước, có mức lương chỉ thấp bằng 1/3 mức lương của tôi. Gia đình tôi không vui vì anh là người ngoại tỉnh, không có xe máy, không có nhà ở Hà Nội, bố mẹ ở quê cũng không có điều kiện giúp gì.Kết hôn xong, chúng tôi phải đi thuê nhà ở. Một ngôi nhà lụp xụp, với gạo đong từng bữa, đầu tháng người đến đòi tiền nhà…
1 năm sau, tôi sinh con và mất việc làm. Lúc này, cuộc sống của chúng tôi vô cùng khó khăn vì toàn bộ tiền để dành của tôi đã lấy ra để lo chạy việc cho anh.
Không có tiền, chúng tôi thường xuyên mâu thuẫn, anh đánh tôi chảy cả máu mũi, rách mí mắt. Rồi, anh lại hay uống say. Mỗi lần uống say, chúng tôi lại cãi vã vì thiếu thốn mà anh lại đểnh đoảng và hoang phí. Đã không có tiền nhưng đi làm hay đi đâu đó, anh không chịu đi xe đạp hay đi xe buýt mà toàn đi xe ôm nên chúng tôi càng nghèo.
Ảnh minh họa
Không ít lần, tôi định ra đi với giấy biên nhận tiền anh nợ tôi kèm theo đơn xin ly hôn. Nhưng sau khi nghĩ lại, tôi lại ở lại để chung sống với anh.
Tôi muốn anh thay đổi, vì thế tôi đã khóc rất nhiều lần và mong muốn mẹ chồng ra Hà Nội giúp anh giảm rượu bia, sống như bao gia đình bình thường, trông cháu cho tôi đi làm, nhưng mẹ chồng tôi nói ráo hoảnh. Bà bảo, “Mẹ còn đi chơi, đi lễ hội, không ra ở Hà Nội được”, trong khi mẹ tôi mới có 49 tuồi.
Tôi sinh con được 1 năm thì đi làm. Đến năm 2009, tức là sau 5 năm kết hôn, tôi xin mẹ đẻ 1 phần tiền và mua nhà. Mẹ chồng tôi biết tôi sắp mua nhà thì ra Hà Nội liên tục. Bà còn bảo tôi thuê giúp bà 1 căn nhà gần nhà tôi để bà mang đậu xanh, lạc rẻ ở quê ra bán. Tuy nhiên sau đó, bà lại rời quê lên Hà Nội để ở cùng con gái, chăm sóc cháu ngoại.
Vài tháng sau, bà lại nói, “Mẹ định đi bán xôi đỗ xanh, xôi lạc. Mẹ thấy dễ dàng, bán 1 tí buổi sáng về nhà vẫn trông được cháu ngoại”. Nhưng chưa thấy bà làm thì mấy tháng sau, bà lại nói, “mẹ định đi nấu cơm cho công trường xây dựng, chỉ nấu khoảng 4 tiếng là xong mà lương 2,5 triệu”. Nhưng rốt cục thì 5 năm lên Hà Nội rồi, mẹ chồng tôi vẫn chưa làm gì.
Chồng tôi thì đã dần dần thay đổi, giảm say rượu, không đánh vợ, biết chăm lo gia đình nhiều hơn, công việc thuận lợi và suy nghĩ kỹ càng hơn khi chi tiêu. Anh cũng biết đối nhân xử thế hơn trước. Thế nhưng, đến năm 2010, tôi vay tiền của chị ruột và mẹ đẻ để xây nhà to hơn thì vợ chồng tôi lại mâu thuẫn cãi nhau. Có lần, sau khi cãi nhau với tôi, anh ngủ ở cơ quan 15 ngày liền, không gọi điện hỏi thăm tôi lấy 1 câu. Tôi vừa bụng mang dạ chửa, vừa trông nom việc xây nhà, ban ngày đi làm bình thường.
Khi tôi xây xong nhà 4 tầng, chúng tôi cũng không còn mâu thuẫn nữa, chồng tôi học lên đại học, hệ đại học tại chức 5 năm và tôi sinh được đứa con trai. Bố mẹ đẻ của tôi cũng tuyên bố cho chúng tôi tiền thuê cửa hàng, 40tr/năm. Tuy nhiên, lúc này, con gái của mẹ chồng tôi lại mất việc ở công ty lớn, rồi phải ra tòa ly dị chồng do chơi chứng khoán bị trắng tay và bị gia đình chồng đuổi ra ngoài.
Thấy thế, mẹ chồng tôi lại bảo, tất cả đen đủi của con gái là do nhà mình có cháu trai tuổi mèo ra đời (tức là con trai tôi vừa mới sinh). Bao nhiêu tài lộc của gia đình bà thì tôi được, còn con gái bà phải chịu thiệt thòi.
Bà đã nói 3 lần như vậy khi có mặt em chồng và tôi.Tôi rất giận nhưng đành bỏ ngoài tai. Sau đó, vì không muốn chung đụng nên tôi cho tiền em chồng suốt năm 2011 (khoảng vài chục triệu). Sang năm 2012, tôi nói tôi sẽ tập trung lo việc của vợ chồng tôi nên tôi không viện trợ nữa.
Nhưng khi tôi đi vắng cùng gia đình bên ngoại 10 ngày, mặc dù trước khi đi tôi đã nói 5 lần 7 lượt là tôi đã nhờ bác bên ngoại trông nom nhà cửa rồi, mẹ không phải sang giúp đâu. Nhưng tôi vừa đi thì mẹ tôi cùng con gái, cháu ngoại đã đến ở ngay.
Đến ngày cuối cùng, biết buổi tối tôi bay về Hà Nội thì buổi chiều 3 bà cháu vội vàng dọn về nhà trọ luôn. Và kết quả của việc bà đến ở 6 ngày trong nhà tôi là quyết định xây nhà ở quê. Chồng tôi phải đưa tiền cho bà xây nhưng bà giấu tôi, bảo bác X- chị ruột của bố chồng tôi cho tiền xây nhà.
Mẹ chồng tôi quyết xây nhà 2 tầng nhưng tôi chỉ đưa được 14 triệu vì tôi vừa xây nhà, nghỉ việc, chưa trả hết nợ làm nhà nên không có nhiều. Vì thế, vợ chồng chúng tôi lại mâu thuẫn. Tuy nhiên, lý do quan trọng dẫn đến mâu thuẫn giữa chúng tôi là do anh và nhà chồng tức giận khi tôi không muốn mẹ chồng và 2 em chồng ở nhà tôi mua.
Hóa ra người ta kỳ vọng ở tôi: con trai lấy vợ Hà Nội thì cả nhà chồng cùng ở nhà Hà Nội.
Không giải quyết được nên những mâu thuẫn ấy cứ kéo dài dai dẳng. Cho đến năm 2013, anh say rượu hoặc có thể là giả vờ say nên anh đánh tôi 3 lần. Nhưng đau nhất vẫn là lần tháng 7. Anh ra sức đấm, đá tôi mặc cho tôi và mẹ vợ van xin. Không thể xin được, tôi lấy 2 tay che đầu, tránh né một cách yếu ớt, hơn nữa, chồng tôi lại học võ nên phải 20 phút bị đấm đá vào đầu, người ... tôi mới thoát được ra ngoài.
Sau khi đánh tôi, chồng tôi bị đau ở tay phải và chân trái đi tập tễnh. Nhà chồng tôi gửi các loại thuốc đắp, thuốc uống, thuốc bôi cho chồng tôi, nhưng không ai hỏi xem tôi sống hay chết sau trận đòn của chồng. Anh cũng chẳng quan tâm đến tôi. Bố đẻ tôi phải nằm viện 2 đợt (7 ngày/đợt), nhưng chồng tôi không hề ghé thăm 1 phút dù bệnh viện chỉ cách nhà tôi 700m.
Dần dần, chúng tôi ít cãi nhau hơn vì tôi chỉ im lặng, không bao giờ đề cập về nhà chồng, nhẫn nhịn lúc chồng say rượu. Tôi cũng biết cách chăm chút và yêu quý bản thân hơn, tôi đi du lịch 2 đợt, hết 14 ngày nên tôi thấy khỏe hơn, vui hơn, kiểm soát tốt hơn. Tuy nhiên, trong lòng tôi vẫn buồn rất nhiều.
Chẳng lẽ lấy chồng là trai quê, gánh nặng lại quá sức đến vậy !
Hải Nguyễn
(Hà Nội)