Tin mới

Lễ hội đầu Xuân bị biến dạng nguy hiểm, một gánh nặng lớn

Thứ bảy, 28/02/2015, 19:37 (GMT+7)

Lễ hội đầu xuân là một nét đẹp truyền thống của người Việt, tuy nhiên thay vì đem lại điều tốt cho cộng đồng thì nó đang trở thành một gánh nặng cho chính quyền địa phương và ngành du lịch bởi hàng loạt những tiêu cực kéo theo.

Lễ hội đầu xuân là một nét đẹp truyền thống của người Việt, tuy nhiên thay vì đem lại điều tốt cho cộng đồng thì nó đang trở thành một gánh nặng cho chính quyền địa phương và ngành du lịch bởi hàng loạt những tiêu cực kéo theo.

 

Mặc dù mùa lễ hội đầu Xuân năm nay mới chỉ bắt đầu nhưng nhiều hành vi ứng xử chưa đẹp đã diễn ra tại nhiều nơi, điển hình nhất là lễ hội chém lợnở làng Ném Thượng (Bắc Ninh), cảnh "hỗn chiến" cướp lộc tại Hội Gióng (Hà Nội), hay chen nhau cướp "chiếu thiêng" đến xước xát mặt mũi ở lễ hội "đúc Bụt" (Vĩnh Phúc) khiến hình ảnh về lễ hội đầu xuân đang bị nhìn nhận một cách sai lệch.

 

Từ thực tế trên, nhiều người đặt câu hỏi: "Liệu những người trực tiếp tham gia lễ hội đầu Xuân đã hiểu biết như thế nào về những lễ hội mà họ tham gia?".

Lễ hội đầu Xuân bị biến dạng nguy hiểm, một gánh nặng lớn - Ảnh 1

"Hỗn chiến" cướp hoa tre ở Hội Gióng. Ảnh: Báo Tuổi trẻ

Nguyên nhân của từng vụ việc khác nhau nhưng tựu trung vẫn là một cách hành xử: nắm đấm (thậm chí cả dao búa, gậy gộc) thay cho lời nói, bạo lực thay cho sự ôn hòa, thân thiện.

Theo báo cáo chính thức của Bộ Y tế, từ ngày 15 đến 23/2 (27 tháng chạp đến mùng 5 tết) đã có trên 6.200 người phải vào viện do đánh nhau, trong đó có 15 người tử vong.

So với những năm trước, con số này đã tăng vọt. Trong đó, chỉ tính riêng đêm giao thừa và mùng 1 Tết, đã có hơn 800 ca chấn thương do đánh nhau phải nhập viện, trong ngày mùng 2 - 3 Tết, mỗi ngày có gần 930 trường hợp phải nhập viện...

Đến với Hội Lim ở Tiên Du (Bắc Ninh), không ít du khách đều bức xúc khi chứng kiến cảnh các liền anh, liền chị ngửa nón, ngã đĩa nhận tiền thưởng của khách. Hình ảnh ấy vừa làm phôi pha nét đẹp liền anh liền chị, vừa đang “giết chết” cái duyên quan họ, và cũng đồng nghĩa với “chặt đứt” cảm hứng của du khách mỗi khi đến trảy hội Lim.

Theo thống kê của ngành du lịch, một năm nước ta “gánh” hơn 8.000 lễ hội và chủ yếu diễn ra vào mùa xuân. Số đó là “phần cứng”, còn các lễ hội “tự mọc”, “tự đặt tên” vẫn gia tăng hằng năm ở nhiều địa phương. Chính các lễ hội “tự mọc” này đang làm mất đi vẻ đẹp truyền thống vốn có của lễ hội, đồng thời kéo theo nhiều tiêu cực nảy sinh mà chính quyền địa phương nhiều phen cũng phải “bó tay”. Khi sự việc tiêu cực quá mức, chính quyền cơ sở và các cơ quan chức năng đổ lỗi cho nhau.

Trên tờ VOV, GS-TS Kiều Thu Hoạch, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa Dân gian, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian cho biết, tất cả các lễ hội ngày nay đều xuất phát từ truyền thống dân tộc và những gì cha ông đã để lại cho chúng ta. Bản thân các lễ hội đều mang chiều hướng tốt dù hình thức thể hiện có thể không phù hợp với quan niệm hiện đại

Tuy nhiên, với những hành vi xô xát nhằm lấy được lộc tại Hội Gióng hay lễ hội cướp Phết cầu may thì cần phải lên án. Đây là một hành vi sai so với phong tục của lễ hội và có ảnh hưởng xấu theo hướng lan truyền.

GS-TS Kiều Thu Hoạch cho rằng, nguyên nhân của hành vi trên một phần là do tư tưởng thời hiện đại, nền kinh tế thị trường tạo ra nhiều cạnh tranh, len lỏi vào những tư tưởng không lành mạnh của nông thôn: “Từ một người kích động là cả đám đông sẽ kích động. Cướp lộc là điều để lấy may nhưng nó không biến tướng và kinh khủng như hiện nay. Chúng ta cần phải kịch liệt phê phán hành vi và thái độ này. Các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý và các phương tiện truyền thông cũng nên góp phần trong việc định hướng lại tư tưởng cũng như tìm ra biện pháp quản lý tốt lễ hội”.

Khi đề cập tới vấn đề lễ hội, ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An, Quảng Nam chia sẻ trên tờ báo Pháp Luật TP.HCM: "Bây giờ thì người ta đang biến lễ hội thành vấn đề thương mại. Những lễ hội truyền thống của dân tộc đang biến tướng, biến dạng đi. Lễ thì nó không còn là để tỏ lòng tri ân với bậc tiền nhân, với đấng thần linh mà lễ bây giờ gần như người ta chỉ cầu cho bản thân mình. Từ một lễ hội rất tốt cho cộng đồng nó trở thành một sự ham muốn cá nhân, thậm chí hối lộ cho thần thánh, nhét tiền bạc, áo giấy, rồi kể cả xe ô tô, nhà lầu… Bản thân những điều đó chính là đang làm trần tục hóa, tầm thường hóa các vấn đề linh thiêng".

Theo ông Sự, đến với lễ hội là những trò chơi, hoạt động dân gian để người dân phục vụ người dân và du khách nhưng bây giờ thì những gì làm ra tiền người ta mới làm. Lễ hội truyền thống của chúng ta đang biến dạng một cách nguy hiểm.

"Bên cạnh đó, chúng ta đang thấy xuất hiện ngày càng nhiều “lễ hội” nhưng thực chất đó không phải là lễ hội. Chẳng có ngày nào thiêng liêng, chẳng có dấu ấn nào cả nhưng cũng đàn ca múa hát, truyền hình trực tiếp. Thực chất phải gọi những cái “lễ hội” ấy chính là một đêm văn nghệ thì đúng hơn bởi chẳng thấy một vai trò quần chúng nào trong cái lễ hội ấy. Tôi thấy ở đâu cũng đang dính hội chứng đó. Hội An có thời kỳ cũng làm rất tốt nhưng sau đó cũng dần dần bị hội chứng đó và chúng tôi đang điều chỉnh lại việc này. Chúng ta hãy trả lại lễ hội về đúng ý nghĩa của nó", ông Sự chia sẻ.

Nói về sự việc, trên tờ Tuổi trẻ, nhà văn hoá - sử học Nguyễn Nhã cũng cho biết, ngày tết là ngày mở đầu một vận hội mới cho cá nhân, gia đình, cộng đồng. Trong dịp này, người ta hay kiêng kỵ nhiều điều, chỉ mong cho chuyện gì cũng vui.

"Ngược lại, mừng năm mới, mừng vận hội mới mà dẫn tới bạo hành, đánh nhau là đi ngược lại truyền thống. Đó là một vấn nạn của xã hội!", TS Nhã nói.

TS. Nguyễn Nhã cho biết thêm, ngày xưa, truyền thống kính trọng người già, người lớn tuổi được đề cao nên khi có chuyện mâu thuẫn xảy ra chỉ cần vài câu nhắc nhở, góp ý, khuyên răn thì mọi chuyện kết thúc êm thắm.

"Những người gây gổ, đánh nhau có lẽ chưa được giáo dục tốt. Việc giáo dụccủa gia đình, nhà trường, xã hội là rất quan trọng", TS nhận định.

Thạc sĩ Võ Trường Linh (khoa Giáo dục mầm non, trường ĐH Sư phạm TP HCM) cho biết: “Mọi người đều bước qua môi trường giáo dục rồi mới bước vào đời. Ngay từ những ngày chập chững ở bậc mầm non, trẻ đã được dạy cách ứng xử hòa nhã với bạn bè xung quanh, kính trọng ông bà, cha mẹ, thầy cô”.

Theo ThS. Linh, hình ảnh của giáo dục là hình ảnh người thầy. Đạo đức không chỉ nói trên sách vở mà người thầy phải lấy chính mình ra làm gương để các em noi theo. Nguyên nhân của việc nhiều thanh niên hiện nay ẩu đả, đánh nhau không chỉ xuất phát từ môi trường giáo dục. Xã hội vẫn chưa coi trọng việc giáo dục đạo đức cho em học sinh.

"Bằng chứng là trong khi các phụ huynh đổ xô đưa con mình đến học thêm các môn Toán, Lý, Hóa,… thì hiếm có phụ huynh nào quan tâm dành thời gian để dạy các con về đạo đức, về cách ứng xử trong cuộc sống”, th.s Linh nói.

Mai Nguyên

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news