Lễ phục sinh được biết đến là một trong những lễ hội quan trọng nhất đối với những tín đồ theo đạo Kito. Theo đó, lễ phục sinh được tổ chức nhằm tưởng niệm sự kiện Chúa Jesus hồi sinh từ cõi chết trở về sau khi bị đóng đinh xử tử trên Thánh giá.
Nguồn gốc
Lễ Phục sinh hay còn được gọi Thánh lễ Phục sinh dựa vào nguồn gốc lễ vượt qua của Do Thái giáo. Theo đó, người Kito tin rằng cái chết và sự phục sinh của chúa Jesus đã hoàn thành những gì mà biến cố Xuất hành tiên báo: Giải phóng con người khỏi tội lỗi và đưa họ vào cuộc sống do Thiên chúa trao ban. Việc mừng Chúa phục sinh được cử hành vào mỗi ngày Chủ Nhật.
Ý nghĩa của lễ phục sinh
Lễ phục sinh hay còn gọi là thánh lễ phục sinh là ngày lễ kỷ niệm sự phục sinh của Chúa Jesus (con của Chúa Trời).
Đây là một trong những dịp lễ quan trọng, không kém sự kiện Giáng sinh. Sự kiện này thường diễn ra vào tháng 3 hoặc tháng 4 mỗi năm để tưởng niệm sự kiện Chúa phục sinh từ cõi chết sau khi bi đóng đinh trên thập tự giá. Đây là điều được những người Kito tin là xảy ra vào khoảng thời gian này trong những năm 30-40 CN.
Theo đó, trên khắp thế giới vào những ngày này, các Thánh lễ và nghi thức tưởng niệm ảnh hưởng khá sâu sắc đến những hoạt động của người Công giáo, đặc biệt là trong tuần Thánh (Holy Week), đặc biệt là Tam nhật phục sinh - Ba ngày của cuộc Thương khó tử nạn và Phục sinh của Chúa Jesus.
Vào những ngày này, theo Giáo luật, những tín hữu Công giáo giảm các cuộc vui chơi và giải trí, giảm các hình thức phô trương, lễ cưới.
Đặc biệt, vào mỗi năm, những người tín hữu công giáo đều có hai ngày giữ chay nằm trong mùa Thương khó này. Đối với nhiều nước trên thế giới, có nhiều Thánh Lễ và những lễ nghi hoành tráng, nhiều nơi dễn tả lại những hoạt cảnh cuộc chịu nạn của Chúa Jesus.
Tại Việt Nam, những hoạt động tín ngưỡng cũng đã được "Việt hóa" bằng nhiều cách cho phù hợp với truyền thống của dân tộc.
Ngoài ra, ngày lễ Phục sinh cũng là ngày người Công giáo nhớ đến và chia sẻ đối với những người có hoàn cảnh bất hạnh trong xã hội dưới nhiều hình thức thăm hỏi, tặng quà, động viên...
Biểu tượng của lễ phục sinh
Một trong những biểu tượng của ngày Lễ phục sinh chính là hình tượng chú thỏ (khả năng sinh sản) và những quả trứng.
Theo truyền thống, những quả trứng phục sinh thường được tô nhiều màu sáng với ý nghĩa là màu của những tia nắng mùa xuân và được dùng trong những trò chơi trong Lễ Phục sinh.
Các nhà nghiên cứu khảo cổ học đã phát hiện ra rằng, trước kia, những người Ai Cập và Su-me cổ có tập tục trang trí trứng làm quà tặng từ 5.000 năm trước. Cũng có thể đây là lý do mà nhiều người đã thừa nhận trứng là một biểu tượng không thể thiếu trong ngày Lễ phục sinh - Ngày Chúa phục sinh.
Minh Di (tổng hợp)