“Tháng Giêng là tháng ăn chơi/ Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba rượu chè”… Những câu lục bát khuyết danh trong dân gian ấy phần nào còn nguyên giá trị ở thời điểm hiện tại, với những dòng người tấp nập đổ đến các lễ hội, những công sở vắng hoe, những xí nghiệp chỉ lo mất lao động…
Mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 7.000 lễ hội lớn, nhỏ, tập trung nhiều vào trước và sau Tết Nguyên đán. Hội hè quá nhiều, quá dài, bị không ít người cho là một lực cản cho phát triển kinh tế, là thứ ghìm chân làm tác phong lao động không thể tiến lên chuyên nghiệp, nhanh nhạy như các nước phát triển.
Liệu có cần quá nhiều lễ hội, cúng bái, hành hương hay không? PV Báo GĐ&XH có cuộc phỏng vấn với GS.TS Võ Tòng Xuân – người từng đề xuất đón Tết cổ truyền theo lịch dương.
Tín ngưỡng, nhưng không thái quá
Giáo sư từng gây xôn xao dư luận với đề xuất gộp Tết Nguyên đán vào với Tết Dương lịch. Đến nay, ông còn bảo lưu quan điểm này không?
- Tôi vẫn bảo lưu quan điểm này. Chúng ta cần sử dụng thời gian cho hợp lý. Trong lúc thế giới đang cạnh tranh rất mạnh mẽ nhưng mình cứ mãi bám theo hội hè, cúng bái. Nói cách khác, mình không có đủ việc làm nên cứ hết lễ hội này, lễ hội kia.
Dĩ nhiên, theo văn hóa tâm linh, cũng không thể nào phê phán, cũng không thể nói không có tín ngưỡng được. Cần có tín ngưỡng nhưng không làm thái quá. Mọi chuyện đều xuất phát từ thiếu việc làm. Nếu người dân đều có công ăn việc làm thì họ phải lo cho công việc của họ trước tiên.
Nhưng gộp Tết ta với Tết “tây” liệu có thực hiện ngay được không, thưa ông?
- Cần phải có lộ trình. Cũng như ngày xưa người dân mình mặc áo dài khăn đống, thấy áo sơ mi – quần tây tiện lợi hơn, cũng lùng bùng chuyện giữ gìn bản sắc văn hóa, nhưng rồi cũng tự thấy cứ mặc mãi như vậy là lố bịch. Bây giờ thì ai cũng mặc như tây cả, chỉ trong các lễ lạt, đám cưới đám hỏi… Hay các cô gái mặc áo dài rất đẹp nhưng lại bất tiện trong đời sống hằng ngày.
Ông đánh giá thế nào về hoạt động vui chơi của người dân mình trong các dịp lễ hội nói chung và dịp Tết Nguyên đán nói riêng?
- Về lễ Tết, phong tục tập quán của chúng ta rất phong phú. Có những cái không làm không được. Thí dụ như sáng mùng 1 thì con cháu cúng tổ tiên, mừng tuổi ông bà… thì không thể nào bỏ được.
Nhưng thay vì vào mùng 1 Âm lịch thì làm vào mùng 1 Dương lịch cũng vậy thôi, vẫn giữ được tục lệ của cha ông. Hay những lễ hội như kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa thì càng cần duy trì, bởi đó là một phần lịch sử của cả dân tộc... Nhưng ngoài ra, chúng ta vẫn bày cái này, cái kia ra, rất tốn tiền của, thời gian.
Tôi từng ở bên Nhật Bản một năm, tôi có để ý thấy thế này, mỗi địa phương họ có một cái chùa, đền rất nổi tiếng, họ làm cho nổi tiếng cả thế giới luôn. Nhưng họ chỉ tổ chức lễ hội trong 1 hoặc 2 ngày đầu năm thôi. Nhóm người bán hàng dịch vụ ở lễ hội biết lịch và chỉ tới kinh doanh vào thời điểm đó thôi, chứ không kéo dài lê thê cả tháng trời như ở ta.
Nên hạn chế thời gian lễ hội
Theo Giáo sư, cơ quan quản lý văn hóa có nên giới hạn thời gian hoạt động của các lễ hội ở các địa phương, bởi có những lễ hội kéo dài cả tháng trời?
- Nên hạn chế. Chúng ta cần chọn đúng ngày theo lịch sử vốn có của các lễ hội. Ví dụ, một lễ hội xưa kia chỉ diễn ra vào ngày Rằm tháng Giêng thì nay đã tự phát hoạt động vào thời điểm khác và kéo dài quá nhiều.
Chúng ta tổ chức lễ hội để bảo tồn văn hóa lịch sử thì phải tôn trọng lịch sử. Theo tôi nghĩ, khi tình trạng kinh tế thay đổi, theo hướng tốt lên, chúng ta sẽ thấy người dân sẽ thực tế hơn, lo đi làm hơn lo đi hội. Các chủ lao động cũng coi trọng vấn đề này hơn. Tôi biết có một tập đoàn lớn trong ngành than đang thực hiện việc này. Họ sắp xếp một ngày cho cán bộ, công nhân đi thăm liền 20 ngôi chùa, sau đó ổn định lại nhịp độ công việc.
Ngoài vấn đề thời gian, cơ quản lý văn hóa có nên tính đến chuyện hạn chế bớt các lễ hội nhỏ, tự phát ở các địa phương? Ít nhất là kiểm soát bằng cơ chế quản lý nhà nước?
- Theo tôi nghĩ cũng không nên dùng các biện pháp hành chính để ngăn cản người dân tham gia lễ hội, nhưng cũng không nên khuyến khích. Có nghĩa là có hội thì người dân cứ cử hành nhưng đừng có lôi chỗ này, kéo chỗ kia tới, xin quảng cáo tài trợ, để người dân cúng tiền vào…
Ông có cho rằng việc chúng ta đang có quá nhiều hội hè, ảnh hưởng đến chuyện làm ăn phát triển kinh tế, đặc biệt là khi hợp tác với nước ngoài?
- Chắc chắn là phải có. Người nước ngoài vẫn thắc mắc tại sao ở Việt Nam lại có lắm lễ hội thế. Những đối tác làm ăn chắc chắn không có dành thời gian để vui chơi cùng mình rồi, những việc nghỉ lễ, du xuân của người lao động trong nước sẽ ảnh hưởng đến công việc chung của đối tác.
Ông vừa nói không nên dùng biện pháp hành chính để ngăn cản lễ hội, song cơ quan quản lý văn hóa vẫn nên giám sát dựa trên các tiêu chuẩn, cấp độ của lễ hội, di tích? Ví dụ như một ngôi chùa mới xây vốn chẳng có truyền thống gì cả nhưng vì một lý do nào đó mà người dân bản địa khiến nó nổi tiếng, rồi tổ chức lễ hội cho khách thập phương kéo đến cúng bái… Có nên hạn chế các lễ hội kiểu như vậy?
- Nên như vậy. Tôi xin nêu ví dụ, ở Vũng Tàu, trước giải phóng, trên một sườn đồi mọc ra mấy chục ngôi chùa. Ai cũng đứng ra bảo chỗ này linh thiêng, chỗ kia linh thiêng rồi quyên tiền xây dựng. Nên bây giờ tôi chẳng biết chỗ nào Phật linh nhất. Do đó, với những nơi đã có lịch sử lâu đời, truyền thống tốt đẹp thì cần phải duy trì, giữ bằng được, nếu mới mọc lên thì phải rất đặc biệt, chứ mạnh ai nấy làm các lễ hội, sự kiện để hút tiền của bá tánh, tốn thời gian lao động là không được.
- Xin cảm ơn Giáo sư!