Ký sinh trùng nói chung rất đáng sợ, thậm chí chỉ cần nhìn thấy cũng khiến bạn sợ chết khiếp. Nhưng trong đó, sán dây thực sự là loại ký sinh trùng khiến nhiều người phải khiếp vía hơn cả.
Mới đây, một thanh niên 21 tuổi, Carson Meyer, được mạng xã hội Mỹ đồng loạt chia sẻ hình ảnh do bị nhiễm sán dây. Trong vài tháng, cậu đã Giảm cân nhanh chóng và luôn cảm thấy mệt mỏi. Các bác sĩ không thể tìm ra điều gì đã xảy ra với anh ta, sau 10 lần xét nghiệm máu, ngay cả khi xét nghiệm mono.
Cuối cùng thì cũng xác định được nguyên nhân. People chia sẻ, một con sán dây dài 63,5cm chính là nguyên nhân khiến nam thanh niên ăn không ngon, ngủ không yên.
Các bác sĩ nói với Meyer rằng sán dây có lẽ đã ở bên trong cơ thể anh hơn 1 năm nay. Hiện tại, nam thanh niên đã cảm thấy tốt hơn. Nhưng làm thế nào để biết có sán dây trú ngụ trong cơ thể mình? Những thông tin dưới đây có thể giúp bạn:
Mới đây, một thanh niên 21 tuổi, Carson Meyer, được mạng xã hội Mỹ đồng loạt chia sẻ hình ảnh do bị nhiễm sán dây .
Triệu chứng chung ở những bệnh nhân bị nhiễm sán
Người bị nhiễm sán thường có các biểu hiện như đau bụng từng cơn, mơ hồ, rối loạn tiêu hóa, đi ngoài phân lỏng, thiếu máu, móng tay biến dạng, người xanh xao, ngứa, mày đay, suy nhược cơ thể... Nếu có những dấu hiệu này, bạn cần đến ngay các cơ sở y tế để khám chữa kịp thời.
Hậu quả đáng sợ khi cơ thể bị nhiễm sán do ăn thịt tái, sống, tiết canh, rau sống
Theo TS Từ Ngữ (Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam), khi ăn thịt lợn chưa được nấu chín kỹ thì nguy cơ bị nhiễm sán rất cao. Sán dây trưởng thành phát triển rất nhanh trong ruột lợn, có thể ảnh hưởng đến não bộ của con người. Ngoài ra, sán lợn cũng phát triển qua ấu trùng như tiếp xúc với phân lợn, hoặc tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh. Điều này có thể lây nhiễm sang một số mô trong cơ thể con người.
Người bị nhiễm sán thường có các biểu hiện như đau bụng từng cơn, mơ hồ, rối loạn tiêu hóa, đi ngoài phân lỏng, thiếu máu, móng tay biến dạng, người xanh xao...
Nếu ấu trùng xâm nhập vào hệ thần kinh, điều này có thể khiến bạn mắc bệnh ấu trùng sán dây lợn ở não (neurocysticercosis), gây nhiễm trùng não nghiêm trọng. Nếu sán xâm nhập vào não thì người bệnh có thể bị động kinh.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, gần 1/3 các trường hợp bị bệnh động kinh là do bị nhiễm sán dây lợn. Loại sán này có thể dài tới 7m và thải đốt liên tục đồng thời cũng sinh ra đốt mới nên nó sẽ hút hết chất dinh dưỡng từ cơ thể người nó đang ký sinh. Người bị nhiễm sán sẽ bị thiếu dinh dưỡng, gầy còm ốm yếu, đau bụng, tiêu chảy.
Trường hợp người bị tự nhiễm ấu trùng sán hoặc nhiễm do thức ăn không vệ sinh có lẫn trứng sán thì những ấu trùng sán này sẽ vào não, mắt, cơ, da… rất nguy hiểm. Nếu sán làm tổ ở mắt có thể khiến lồi nhãn cầu gây lác mắt, nhìn đôi, làm bong võng mạc gây giảm thị lực, có thể bị mù. Khi sán chạy vào não, bạn có thể bị nhức đầu, động kinh, rối loạn tâm thần, rối loạn thị giác, giảm trí nhớ. Sán làm ổ trong tim sẽ gây rối loạn nhịp tim, ảnh hưởng van tim, dẫn đến suy tim.
Trường hợp người bị tự nhiễm ấu trùng sán hoặc nhiễm do thức ăn không vệ sinh có lẫn trứng sán thì những ấu trùng sán này sẽ vào não, mắt, cơ, da… rất nguy hiểm.
Theo thông tin từ Oxfordjournals, các hội chứng lâm sàng khi bị nhiễm ấu trùng sán lợn được chia thành nhiễm ấu trùng sán lợn hệ thần kinh trung ương hoặc nhiễm ấu trùng sán lợn ngoài thần kinh.
"Trong các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, thực phẩm chế biến từ lợn có nguy cơ nhiễm sán cao hơn cả, sau đó mới đến gà, vịt… Trứng sán thường sẽ theo thức ăn hoặc nước uống chưa chín kỹ đi vào dạ dày và sinh sôi, nảy nở. Đó là lý do vì sao chúng ta không nên ăn thịt lợn chưa chín kỹ, còn tái hoặc ăn tiết canh, nội tạng lợn như lòng non, lòng già, dạ dày…", TS Từ Ngữ cho hay.
Cách phòng tránh nhiễm sán nói chung
Theo TS Từ Ngữ, để không ăn phải thực phẩm nhiễm sán cần phải: Làm sạch thực phẩm trước khi chế biến, tuân thủ nguyên tắc ăn chín uống sôi; Không phân biệt đối tượng, cả gia đình cần tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần; Không ăn tiết canh, thịt lợn tái, nội tạng không đảm bảo, không rõ nguồn gốc; Tăng cường vệ sinh môi trường, giữ gìn nơi ở, vườn tược sạch sẽ; Quản lý phân rác chặt chẽ, tránh để lợn, gà, chó tha phân gây ô nhiễm môi trường.
Không nên ăn tiết canh để phòng tránh nhiễm sán dây.
Do nhiều nguyên nhân khác nhau, trẻ nhỏ luôn là đối tượng dễ bị nhiễm giun sán cho dù cha mẹ đã chăm sóc và cho con ăn uống cẩn thận. Giun sán ẩn nấp trong nhiều loại thực phẩm, trong khi đó, trẻ nhỏ là đối tượng rất hiếu động, chưa ý thức được cái gì sạch, cái gì bẩn nên có thể vô tình bị nhiễm giun sán. Với nhóm đối tượng này, cha mẹ cần chú ý luôn rửa sạch tay cho bé trước và sau khi ăn; nghiêm cấm con ăn thực phẩm chưa nấu chín, uống nước chưa đun sôi; không cho bé bò trườn dưới nền nhà; luôn cắt móng tay móng chân sạch sẽ…
Đối với những món ăn như tiết canh, thịt sống, tái, tốt nhất chúng ta phải từ bỏ ngay từ bây giờ. Đây là những món ăn ẩn chứa nhiều ấu trùng sán nhất. Ngoài ra, trong quá trình mua thực phẩm, bạn cũng cần chú ý chọn mua thịt lợn tươi, ngon, sạch cho gia đình.
Tiểu Nguyễn
Theo Helino/Trí Thức Trẻ