Tin mới

Loạt sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh dưới thời ông Đinh La Thăng

Thứ ba, 12/12/2017, 11:32 (GMT+7)

Khi ông Đinh La Thăng làm Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (2005-2011), cũng là lúc Trịnh Xuân Thanh liên tục giữ các trọng trách tại PVC.

Khi ông Đinh La Thăng làm Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (2005-2011), cũng là lúc Trịnh Xuân Thanh liên tục giữ các trọng trách tại PVC.

Sau gần 1 năm lẩn trốn ở nước ngoài, ngày 31/7/2017, ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) - đã ra đầu thú. Ông ​Trịnh Xuân Thanh trước đó bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố, ra lệnh bắt tạm giam về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Trước khi bị khởi tố, ông Thanh đã bỏ trốn ra nước ngoài.

Vietnamnet thông tin, trong thời gian ông Đinh La Thăng làm Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (2005-2011), cũng là lúc Trịnh Xuân Thanh liên tục giữ các trọng trách tại PVC. Công ty này liên tục được giao thầu các dự án trọng điểm của ngành dầu khí như Nhiệt điện Thái Bình 2, ethanol Phú Thọ,...

Không chỉ khiến PVC suy sụp, dưới "bàn tay nhào nặn" của ông Thanh và thuộc cấp, PVC sử dụng hơn 86% vốn điều lệ đầu tư góp vốn vào các công ty con, công ty liên kết. Tuy nhiên, các đơn vị này bộc lộ sự yếu kém trong hoạt động sản xuất kinh doanh dẫn đến thua lỗ, bê bối mà điển hình là Công ty cổ phần thi công cơ giới và lắp máy dầu khí (PVC – ME).

Theo tin tức từ Vnexpress, PVC - ME được PVC thành lập năm 2009 với 102 tỷ đồng vốn rót từ công ty mẹ - PVC. Một năm sau đó, PVC tiếp tục đổ thêm 200 tỷ đồng vốn vào doanh nghiệp này. Do năng lực Ban lãnh đạo công ty yếu kém nên PVC-ME chỉ nhận công trình, sau đó đi thuê nhà thầu phụ thi công, còn mình đứng giữa ăn phần trăm nên đã xảy ra hàng loạt bê bối.

Theo kết luận của các cơ quan thanh tra Chính phủ, sau 3 năm thành lập PVC - ME mất toàn bộ vốn chủ sở hữu và gánh thêm khoản nợ trên 576 tỷ đồng. Doanh nghiệp này cũng đã lập "quỹ đen trăm tỷ" để sử dụng vào việc tiếp khách, biếu xén hoặc đi đối ngoại. Đơn cử, ngày 7/7/2011, bộ phận văn phòng đã rút 350 triệu đồng để mua... bộ đồ đánh golf cho “sếp”. Ngày 15/8/2011, có 4 khoản tiền trị giá 750 triệu đồng được rút 4 lần từ quỹ. Khoản tiền này sau đó được giải trình là đã sử dụng gần 550 triệu đồng để chi cho việc “sinh nhật bố sếp Thanh ở tổng công ty”.

Ông Trịnh Xuân Thanh được xác định là người chịu trách nhiệm chính về các vi phạm và thua lỗ ở PVC

Tờ Tuổi trẻ thông tin Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 tại xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình được giao cho Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC, công ty con của PVN triển khai. Tại dự án này, thua lỗ bắt nguồn từ năm 2011, khi PVN giao cho PVC làm chủ thầu dự án với tổng vốn lên tới 34.295 tỷ đồng, xấp xỉ 1,7 tỷ USD.

Quá trình điều tra, cơ quan chức năng phát hiện dấu hiệu sai phạm trong việc tạm ứng tiền trước khi ký hợp đồng EPC của Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Mặc dù mới chỉ có chủ trương giao Tổng công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam thực hiện gói thầu EPC, chưa ký Hợp đồng EPC nhưng trước đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã làm thủ tục chuyển hơn 8,2 triệu USD và hơn 1.317 tỷ đồng cho Ban quản lý dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2 để tạm ứng 6,6 triệu USD và 1.312 tỷ đồng cho PVC vào năm 2011.

Sau đó, PVC lại dành 1.080 tỷ đồng tiền tạm ứng đem đi tất toán nợ gốc vay ngân hàng 425 tỷ đồng, trả lãi vay ủy thác của PVN, hỗ trợ vốn Nhà máy Nhiên liệu sinh học Phú Thọ 74 tỷ đồng; hỗ trợ vốn công trình Vũng Áng 103 tỷ đồng; hỗ trợ vốn các công trình khác 156 tỷ đồng…

Tính đến năm 2012, báo cáo tài chính của PVC mới chỉ thể hiện khoản đầu tư 133 tỷ đồng vào dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, đến năm 2013 mới chỉ là 802 tỷ đồng. Trước đó năm 2011, báo cáo tài chính của PVC chưa xuất hiện khoản đầu tư này.

Ngoài tiền tạm ứng dự án này còn bị PVC góp vốn vào 5 công ty con, 3 công ty trong đó gặp thua lỗ, không thu hồi được vốn khiến PVC phải trích lập dự phòng và hạch toán kinh doanh thua lỗ.

Ngoài ra, dự án Ethanol Phú Thọ cũng dở dang, nằm “đắp chiếu”. Dự án Phú Thọ tổng mức đầu tư khi phê duyệt là 1.317,5 tỷ đồng, giá trị gói thầu EPC hơn 59 triệu USD nhưng trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư PVB và nhà thầu PVC đã điều chỉnh giá trị hợp đồng EPC tăng thêm hơn 14,3 triệu USD. Trong số 5 dự án thua lỗ của ngành dầu khí, duy nhất Ethanol Phú Thọ là dự án khởi công sớm nhất nhưng đến giờ vẫn chưa được hoàn thành. Dự án dừng thi công các hạng mục từ cuối 2011, và vẫn "án binh bất động" từ đó đến nay. Tới 31/12/2016, tổng nợ phải trả của Ethanol Phú Thọ là 826 tỷ đồng. 

Dự án Ethanol Phú Thọ để hoang cho cỏ mọc. Ảnh: Thanh Niên)

Khi ông Đinh La Thăng rời PVN để làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải vào năm 2011 thì năm 2013 ông Trịnh Xuân Thanh rời PVC để lại khoản lỗ 3.300 tỷ đồng làm phó chánh văn phòng Bộ Công thương. Tháng 2/2014, ông Trịnh Xuân Thanh lại được bổ nhiệm lên chức vụ trưởng, trưởng ban đổi mới doanh nghiệp Bộ Công thương. Tháng 5/2015, ông này tiếp tục được luân chuyển làm phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Tuy nhiên, 6/2016, bắt nguồn từ vụ chiếc xe Lexus biển xanh, những sai phạm của Trịnh Xuân Thanh khi còn là người đứng đầu PVC lần lượt lộ diện.

Đó là đầu mối ban đầu để các đại án liên quan đến Trịnh Xuân Thanh lần lượt được khởi tố, điều tra. Hàng loạt cựu sếp PVC thời Trịnh Xuân Thanh cùng chung số phận.

Giang Trần (tổng hợp) 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news