Ngày 9/4, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã phê chuẩn 18 Bộ trưởng theo danh sách đề cử của Thủ tướng Chính phủ. Ngay sau khi nhậm chức, một số tân Bộ trưởng đã có những chia sẻ về nhiệm vụ, mục tiêu của mình trong vai trò là tư lệnh ngành.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Mục tiêu giáo dục là đào tạo những con người thực sự nhân văn
“Mục tiêu của giáo dục không phải là bằng cấp”, “Bản chất của giáo dục là con người”, “mục tiêu giáo dục là đào tạo những con người thực sự nhân văn” là quan điểm của tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Vnexpress về việc ưu tiên thực hiện đầu tiên trong ngành giáo dục với vai trò là tư lệnh ngành, ông Phùng Xuân Nhạ nói: “Tôi phải bắt tay ngay vào việc tiếp tục triển khai quyết liệt và sáng tạo Chương trình hành động của Chính phủ về Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương. Chúng ta phải chuyển cả một nền giáo dục lấy tiếp cận nội dung là chủ đạo sang một nền giáo dục chú trọng dạy phương pháp, kỹ năng trên nền tảng kiến thức chuyên môn cần thiết để phát triển năng lực người học và dạy làm người”.
Tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: VTC News |
Để đạt được mục tiêu ấy, theo Bộ trưởng Nhạ, việc đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp dạy, kiểm tra, đánh giá phải được triển khai một cách khoa học, đồng bộ theo hướng hội nhập quốc tế, nhưng phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam. Chúng ta phải làm nhiều hơn nữa để giáo dục phổ thông từng bước đạt chuẩn mực và đi vào kỷ cương, nề nếp; giáo dục đại học hướng tới chất lượng và sản phẩm đầu ra đáp ứng tốt nhu cầu thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, quyết định sự thành bại của sự nghiệp giáo dục là ở nhân tố con người. Do vậy, để triển khai kế hoạch đổi mới căn bản, toàn diện, trước hết phải tính đến nhân tố giữ vai trò quyết định này.
Trong bài trả lời phỏng vấn báo Vietnamnet, tân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng: một dân tộc hiếu học, trọng học, một đất nước mà mỗi gia đình sẵn sàng dành tất cả những gì mình có cho việc học hành của con cái thì không có lý do gì để chúng ta không có một nền giáo dục xứng tầm. Đấy là tiềm năng, là nguồn lực thực tế và cũng là nền tảng văn hóa - xã hội đảm bảo cho thành công của sự nghiệp Đổi mới giáo dục - đào tạo. Với sự chung tay, góp sức của toàn dân và sự ủng hộ của toàn xã hội thì khó khăn đến mấy cũng sẽ vượt qua.
“Nhưng tôi cũng hiểu rằng, để đi tới thành công, người được giao trọng trách đứng đầu ngành phải có cái nhìn toàn cầu, đủ năng lực bắt nhịp với xu thế thời đại, đồng thời phải có quyết tâm rất cao, bản lĩnh vững vàng với tinh thần bứt phá quyết liệt. Tôi nguyện sẽ dành hết tâm sức của mình cho công việc để đáp lại sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân”, ông Nhạ nói thêm.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: 6 trọng tâm ưu tiên của ngành tài nguyên môi trường
Trả lời phỏng vấn báo Tài nguyên và Môi trường, tân Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu rõ 6 trọng tâm ưu tiên của ngành tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016 – 2021.
“Như Bác Hồ đã từng nói “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”; nhiệm vụ của tôi với cương vị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường là tiếp tục đổi mới, sáng tạo; phát huy những kết quả, thành tựu của ngành; tích cực cùng các cấp các ngành chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện nhằm tạo sự chuyển biến trong thực tế; giải quyết tốt, hài hòa 2 vấn đề đó là quản lý, bảo vệ tài nguyên và môi trường cho phát triển bền vững và tăng trưởng nhanh kinh tế - xã hội. Tôi cho rằng thước đo hiệu quả của sự chỉ đạo điều hành là sự chuyển biến tích cực trong thực tiễn, là đóng góp cho phát triển kinh tế, ổn định xã hội, nâng cao đời sống cho nhân dân, cải thiện môi trường sống”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà. Ảnh: báo Tài nguyên và Môi trường |
Về những nhiệm vụ trọng tâm, trong giai đoạn tới, Bộ trưởng Hà nêu rõ:
Một là, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ trong Chương trình hành động của Bộ để triển khai tổ chức thực hiện. Chú trọng vào việc hoàn thiện thể chế, Chính sách, pháp luật về tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu trong đó phải giải quyết hài hòa hai nhiệm vụ là thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo vệ được tài nguyên, môi trường cho phát triển bền vững.
Hai là, tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường.
Ba là, đẩy mạnh cải cách hành chính, góp phần tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi, đảm bảo công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tiếp cận với các nguồn lực tài nguyên qua đó tạo thêm xung lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bốn là, cần có sự phối hợp hiệu quả với các bộ ngành; phát huy được vai trò điều phối, thống nhất quản lý của Bộ và ngành TN&MT trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương để giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh từ địa phương cơ sở. Tiếp tục rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu.
Năm là, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển, tiếp nhận chuyển giao công nghệ phục vụ hiệu quả công tác quản lý.
Sáu là, mở rộng hợp tác quốc tế về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm tranh thủ được những các cơ hội hỗ trợ về tài chính, công nghệ từ các hoạt động hợp tác đa phương và song phương nhằm góp phần giải quyết những thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm và suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu trong nước; tập trung thực hiện có hiệu quả các điều ước, thỏa thuận quốc tế liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường mà Việt Nam đã ký kết, phê chuẩn và tham gia, qua đó nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh: Ngoài yêu cầu một bộ trưởng hành động, còn cần một người đứng đầu ngành với tầm nhìn và bản lĩnh
Theo báo Tuổi trẻ, mở đầu cuộc trao đổi, tân Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nói: "Khi được tin tưởng giao giữ chức vụ bộ trưởng Bộ Công thương, tôi có những cảm xúc nhiều chiều. Có sự tự hào vì những cố gắng, sự trưởng thành… của bản thân đã được ghi nhận. Nhưng tôi cũng ý thức được trách nhiệm sẽ nặng nề, nhất là vào thời điểm hiện nay. Dưới góc độ người đứng đầu một ngành, làm sao tạo sự kết nối để giải quyết công việc, tăng vai trò, sự năng động của bản thân là cả thách thức.
Tuy nhiên, với thời dài làm thứ trưởng Bộ Công thương, ông Tuấn Anh cho rằng mình cũng đã có sự chuẩn bị khi đảm nhiệm vai trò mới.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh |
Nói về những việc ưu tiên ông tập trung xử lý trên cương vị bộ trưởng Bộ Công thương, ông Tuấn Anh cho biết, một trong những nhiệm vụ quan trọng sẽ làm là ưu tiên thực hiện những chiến lược phát triển ngành công thương đã được thông qua.
Cụ thể, ngay năm 2016, những công việc cụ thể Bộ Công thương cần làm là: thực thi chính sách để phát triển bền vững, ổn định vĩ mô, đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng ngành công nghiệp, thương mại.
“Tôi sẽ tập trung vào các giải pháp tháo gỡ khó khăn để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, nền kinh tế. Tiếp theo là ưu tiên trong tổ chức thực thi các cam kết hội nhập. Để làm điều đó, chắc chắn phải giới thiệu đầy đủ nội dung cam kết để nhân dân, doanh nghiệp chuẩn bị tâm thế cho hội nhập. Tiếp theo là nhiệm vụ hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường ở VN. Một số đề án lớn của ngành công thương về tái cơ cấu cũng sẽ được tập trung. Tôi tin năm 2016 sẽ là năm quyết liệt của Bộ Công thương”, ông Tuấn Anh nêu cụ thể.
Cũng theo cuộc trao đổi trên báo Tuổi trẻ, Bộ trưởng Tuấn Anh khẳng định: bất luận giai đoạn nào, nhiệm kỳ năm năm trước hay tới đây, tôi cho rằng phương châm bộ trưởng hành động phải coi là thông điệp xuyên suốt của bộ trưởng Công thương.
“Nhưng tôi quan niệm với bản thân là phương châm “Bộ trưởng hành động” sẽ phải chuyển biến thành nỗ lực và kết quả cụ thể, nhằm đạt mục tiêu chung của ngành cũng như của đất nước. Thật ra với thời điểm 2016, nhất là bối cảnh hội nhập sâu rộng, ngoài yêu cầu một bộ trưởng hành động, tôi nghĩ còn cần một người đứng đầu ngành với tầm nhìn và bản lĩnh để vượt qua những thách thức lớn, những đụng chạm, những yêu cầu cần sự quyết đoán và bộ trưởng sẽ phải dám chịu trách nhiệm để tổ chức thực hiện thành công các cam kết hội nhập”, tân Bộ trưởng thẳng thắn.
Tân Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: “Làm Bộ trưởng không thể… chần chừ”
Chia sẻ về cảm nhận trước những kỳ vọng của các đại biểu Quốc hội về bộ trưởng hành động trên báo Dân trí, tân Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói: "Trách nhiệm của chúng tôi là làm sao kết nối các tư lệnh ngành, các bộ, các địa phương, để thực hiện tinh thần đó. Mình không thể nào chần chừ trước guồng máy thời hội nhập quốc tế, chần chừ trước yêu cầu của xã hội, người dân mong muốn đất nước có sự tăng trưởng bền vững và nhanh chóng. Mình không thể nào ngồi chờ.
Chúng tôi sẽ phải tạo sự kết nối, cung cấp thông tin, thường xuyên báo cáo tiến độ công việc của bộ ngành địa phương để Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo công việc sát hơn".
"Cá nhân tôi chỉ đau đáu làm sao thực hiện tốt được chức năng nhiệm vụ của Văn phòng Chính phủ, gồm 3 việc: tham mưu, tổng hợp và cải cách thủ tục hành chính - làm sao đáp ứng được mong mỏi của người dân, doanh nghiệp và địa phương".
Tân Bộ trưởng Mai Tiến Dũng |
Cũng theo ông Mai Tiến Dũng, sau khi được bầu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra 6 nhiệm vụ ưu tiên. Đó chính là chương trình hành động của Chính phủ, Thủ tướng. Văn phòng Chính phủ có nhiệm vụ tham mưu, giúp Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên mà Thủ tướng đã đặt ra.
Đề cập đến việc lâu nay dư luận vẫn có suy nghĩ "Văn phòng Chính phủ là một cơ quan siêu bộ", ông Dũng cho rằng, nói như vậy là vì người ta chưa hiểu hết chức năng nhiệm của Văn phòng Chính phủ. Khi Thủ tướng giao cho các bộ chuyên ngành chuẩn bị các đề án, chương trình thì Văn phòng Chính phủ có nhiệm vụ thẩm định, kết nối và xử lý thông tin giữa các bộ, ngành chủ trì đến các bộ, ngành liên quan và các địa phương.
"Các cơ quan, địa phương thấy chậm thì cho là rào cản, "siêu bộ" nhưng bản chất vấn đề không phải như thế. Ban hành bất cứ văn bản nào, đặc biệt là của Chính phủ, sẽ có ảnh hưởng lan tỏa rất lớn đến kinh tế, xã hội. Đó là những vấn đề vĩ mô chứ không chỉ mang tầm một doanh nghiệp, một địa phương nên phải cân nhắc, xử lý một cách tổng thể để đưa ra tham mưu chính xác, không được để xảy ra sơ sảy. Vì thế phải làm theo quy trình, không thể làm tắt được", ông Dũng lý giải.
H.Minh (tổng hợp)