"Bản thân tôi không muốn tranh luận về vấn đề này vì hội đồng thẩm định chuyên môn của đề tài là Hội đồng cấp Nhà nước gồm các GS, PGS, TS chuyên ngành. Nếu luận án của tôi thực sự "có vấn đề" thì hội đồng đã phản bác từ cách đây 6 năm rồi chứ không phải đợi tới bây giờ" - TS. Đoàn Văn Hưng chia sẻ.
Mấy ngày nay,một Luận án Tiến sĩ Giáo dục học đã từng được bảo vệ cách đây 6 năm (04/2/2010) có tên: “Sử dụng phần mềm Microsoft Powerpoint trong dạy học lịch sử ở trường Trung học phổ thông (Qua bài nghiên cứu kiến thức mới phần Lịch sử thế giới - lớp 10)” đang là tâm điểm bàn luận của một bộ phận Cộng đồng mạng sau thông tin "lò đào tào tiến sĩ" gây xôn xao dư luận. Được biết, đây là đề tài thuộc chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học bộ môn Lịch sử, được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án cấp Nhà nước, tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Các ý kiến cư dân mạng cho rằng, đề tài trên "không xứng tầm" ở cấp độ luận án Tiến sỹ bởi nghiên cứu về việc sử dụng phần mềm Microsoft Powerpoint là vấn đề không mới. Hơn nữa, độc giả cũng chưa thấy được tính hiệu quả trong nghiên cứu sử dụng phần mềm được đề cập trong luận án.
Trao đổi với phóng viên, TS. Đoàn Văn Hưng (hiện là Trưởng Bộ môn Phương pháp dạy học lịch sử - Trường Đại học Quy Nhơn) - tác giả giả luận án trên cho rằng, những điểm mà độc giả "mổ xẻ" để chê bai luận văn của ông chứng tỏ độc giả là người “ngoại đạo” hoặc chưa đọc kỹ đề tài (gần 200 trang), chưa hiểu thấu đáo nhiệm vụ nghiên cứu chủ yếu được giải quyết trong luận án.
Thông tin luận án của tác giả Đoàn Văn Hưng đăng trên Website của Trung tâm Thư viện Quốc gia. Ảnh chụp màn hình |
TS. Đoàn Văn Hưng cho biết, tên đề tài là "Sử dụng phần mềm..." nhưng trọng tâm không đi sâu trình bày vấn đề kỹ thuật của phần mềm này mà chủ yếu thông qua các ứng dụng của công nghệ thông tin để giải quyết các vấn đề về phương pháp dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học lịch sử ở trường phổ thông. Tóm tắt của luận án là trên cơ sở tìm hiểu lý luận và thực tiễn của vấn đề để từ đó xác định yêu cầu, quy trình cũng như các nguyên tắc chung về biện pháp sử dụng phần mềm thiết kế bài giảng điện tử (có thể bằng các phần mềm Microsoft Powerpoint hay Violet, Lecture Maker, Flash,…) trong dạy học bài nghiên cứu kiến thức mới nhằm góp phần nâng cao chất lượng dạy học lịch sử ở trường Trung học phổ thông.
Cũng theo TS. Đoàn Văn Hưng, có thể độc giả bị nhầm tưởng là đề tài nghiên cứu chỉ đề cập đến việc hướng dẫn sử dụng phần mềm.
"Cần nhấn mạnh đây là luận án về khoa học giáo dục chứ không phải về khoa học máy tính và các kết quả nghiên cứu của tác giả đã được báo cáo, vận dụng nhiều năm vào dạy học lịch sử ở hàng chục tỉnh, thành trong toàn quốc trước khi luận án được bảo vệ trước hội đồng nhà nước. Luận án được các nhà khoa học giáo dục lịch sử đánh giá là bước mở đầu về nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học lịch sử ở trường phổ thông nước ta và giá trị khoa học cũng như thực tiễn là không thể phủ nhận", ông Hưng phân tích.
Ông Hưng cũng cho rằng, nếu có điều kiện tiếp cận đầy đủ với luận án, bạn đọc sẽ thấy hầu như rất hiếm có nội dung đề cập đơn thuần về yếu tố kỹ thuật. Bởi lĩnh vực ông giảng dạy và nghiên cứu là về khoa học giáo dục, về phương pháp dạy học lịch sử chứ không phải về các vấn đề liên quan tới kỹ thuật, công nghệ.
Cũng theo tác giả luận án: "Bản thân tôi không muốn tranh luận về vấn đề này vì hội đồng thẩm định chuyên môn của đề tài là Hội đồng cấp Nhà nước gồm các GS, PGS, TS chuyên ngành. Nếu luận án của tôi thực sự "có vấn đề" thì hội đồng đã phản bác từ cách đây 6 năm rồi chứ không phải đợi tới bây giờ. Trong khoa học, được phản biện là điều đáng mừng song không phải là sự phản biện theo kiểu “ném đá phong trào " của những người “ngoại đạo” hoặc chưa thấu đáo vấn đề. Tác giả luận án sẵn sàng trao đổi trực tiếp thêm với độc giả nào vẫn còn chưa thông rõ sau khi đã đọc các thông tin được đề cập ở trên".
Vũ Đậu