Ngày thứ 6 phiên tòa xét xử vụ án chạy thận làm chết 8 người tại BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã nổ ra một cuộc đối thoại đầy căng thẳng giữa 2 luật sư là đại diện của 2 bên.
Cuộc đối đáp diễn ra giữa luật sư Nguyễn Hoàng Trung - đại diện pháp luật của BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình và luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương - đại diện pháp luật của Công ty Thiên Sơn.
Công ty Thiên Sơn chính là đơn vị giao kết hợp đồng lắp đặt, sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2 với BV Đa khoa Hòa Bình, sau đó công ty này "bán thầu" lại cho Công ty Trâm Anh do Bùi Mạnh Quốc làm giám đốc. Sau đó, Bùi Mạnh Quốc tiến hành sục rửa hệ thống RO số 2, để tồn dư hóa chất, làm chết tổng cộng 9 bệnh nhân chạy thận.
Cuộc đối đáp này xoay quanh chuyện liệu Công ty Thiên Sơn có phải chịu trách nhiệm hay không trong sự cố chạy thận nghiêm trọng nói trên, và vai trò của bị cáo Bùi Mạnh Quốc là gì?
LS Nguyễn Hoàng Trung (đại diện BV ĐK Hòa Bình): Ông Đỗ Anh Tuấn (GĐ công ty Thiên Sơn) có khai báo rằng tất cả các hợp đồng mà Thiên Sơn nhận, bàn giao sữa chữa về hệ thống nước đều được chuyển qua các đơn vị khác để hợp tác. Bà giải thích sao về lời khai này của ông Tuấn?
Luật sư Đinh Hương (đại diện Công ty Thiên Sơn): Công ty Thiên Sơn (Thiên Sơn) có đội ngũ kỹ thuật không nhất thiết phải ngồi tại Thiên Sơn, mà có thể thuê các đơn vị khác, và phía Thiên Sơn trả tiền cho dịch vụ đó, đó là việc của Thiên Sơn.
Luật sư Nguyễn Hoàng Trung: Như vậy, có nghĩa rằng Thiên Sơn chỉ thuê lại dịch vụ từ phía bên thứ 3 để ăn chia dịch vụ chứ không có đội ngũ kỹ thuật thường xuyên?
Luật sư Đinh Hương: Đấy là cách hiểu của luật sư, tôi đã trả lời rõ!
Luật sư Nguyễn Hoàng Trung: Trong phiên tòa trước đó, bà có nói rằng, trong quá trình thực hiện hợp đồng, phía công ty có nhân viên giám sát quá trình thực hiện hợp đồng với BV ĐK Hòa Bình để sửa chữa hệ thống RO số 2. Tuy nhiên, bị cáo Sơn và bị cáo Quốc phủ nhận lời khai nói trên, nhưng bà vẫn khẳng định phía Thiên Sơn có nhân viên tên là Tiên giám sát quá trình thực hiện hợp đồng ở BV ĐK Hòa Bình.
Tuy nhiên, tại bút lục số 1466, chính nhân viên Thiên Sơn - bà Tiên - khai rằng không hề được công ty thông báo cho nhân viên của Thiên Sơn về việc sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2 tại BVĐK Hoà Bình. Bà giải thích thế nào về việc này?
Luật sư Đinh Hương: Phía Thiên Sơn cũng một lần nữa khẳng định rằng, công ty có nhân viên giám sát thường xuyên tại BV ĐK Hòa Bình để thực hiện tất cả các nhiệm vụ liên quan đến công ty tại BV, theo chỉ đạo của lãnh đạo công ty. Về việc giám sát như thế nào, giám sát ra sao, Thiên Sơn sẽ chịu trách nhiệm với sự giám sát của mình.
Các bị cáo tại phiên tòa hôm nay 22/5. Ảnh: Như Hoàn.
Luật sư Nguyễn Hoàng Trung: Bà đang trả lời sai câu hỏi!
Chính nhân viên của công ty Thiên Sơn tại bút lục số 1466 có khai rằng, không hề được công ty thông báo về việc sửa chữa hệ thống lọc nước RO2 tại BV Hòa Bình, xin bà trả lời trực tiếp vào câu hỏi.
Luật sư Đinh Hương: Công ty Thiên Sơn có nội dung này. Nếu cần thiết chiều nay (22/5 - pv) tôi sẽ yêu cầu đại diện Thiên Sơn đến để trả lời rõ nội dung này. Bởi trước ngày 28/5/2017, buổi sáng hôm đó phía Thiên Sơn có mặt cùng với bị cáo Quốc.
Còn phía bị cáo Quốc khai gian dối như thế nào thì Quốc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Luật sư Nguyễn Hoàng Trung: Ở đây không phải bị cáo Quốc khai mà là chính nhân viên của công ty Thiên Sơn - bà Tiên khai, bà đang hiểu nhầm vấn đề?
Luật sư Đinh Hương: Tôi không biết luật sư đọc nội dung đó như thế nào, nhưng phía công ty Thiên Sơn khẳng định là có nhân viên.
Luật sư Nguyễn Hoàng Trung: Khi ký hợp đồng sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2 với BVĐK Hoà Bình, Thiên Sơn có được phía BV ĐK Hòa Bình chấp nhận chuyển nhượng cho Công ty Trâm Anh thực hiện hay không?
Luật sư Đinh Hương: Cái này tôi đã trả lời HĐXX 2 lần từ hôm qua đến hôm nay rồi, tôi không trả lời lại nữa!
Luật sư Nguyễn Hoàng Trung: Vậy HĐXX hỏi bà là phía Thiên Sơn có trách nhiệm phải thông báo với BV ĐK Hòa Bình hay không?
Luật sư Đinh Hương: Tôi đã nói là Thiên Sơn không thông báo. Phía Thiên Sơn không cần thiết phải thông báo cho BV ĐK Hòa Bình, phía BV cũng không cần thiết phải biết việc này.
Luật sư Nguyễn Hoàng Trung: Phía BV ĐK Hòa Bình có cần phải biết rằng, bị cáo Quốc là người của Thiên Sơn không?
Luật sư Đinh Hương: Về việc bị cáo Quốc có thuộc nhân viên của Thiên Sơn hay không, LS nên hỏi phía đại diện BV ĐK Hòa Bình. Quan điểm của tôi là tôi chỉ nói đến những nội dung liên quan đến trách nhiệm của Thiên Sơn, tôi không thể khẳng định vấn đề của BV ĐK Hòa Bình được.
Luật sư Nguyễn Hoàng Trung: Sau mỗi một lần xét nghiệm và sửa chữa hệ thống lọc nước phải chờ kết quả xét nghiệm từ 7-10 ngày, điều đó có nghĩa là quá trình chạy thận phải dừng lại?
Luật sư Đinh Hương: Không!
Luật sư Nguyễn Hoàng Trung: Tại sao lại không dừng lại? Trước đây là hệ thống lọc nước RO chỉ có 1 hệ thống, lúc sửa chữa và chờ kết quả xét nghiệm có phải dừng lại không?
Luật sư Đinh Hương: Lúc đó chỉ có 1 hệ thống, chắc chắn phải dừng lại!
Luật sư Nguyễn Hoàng Trung: Theo lời khai của BV ĐK Hòa Bình, họ không dừng lại ngày nào cả, trong thời điểm dừng lại đó, Thiên Sơn có tiến hành thu tiền BV ĐK Hòa Bình mỗi ca chạy thận không?
LS Đinh Hương: Việc BV ĐK Hòa Bình vi phạm quy chế khám chữa bệnh, thì phía BV phải chịu trách nhiệm về hành vi đó, phía Thiên Sơn không cần phải biết đến vấn đề này.
Luật sư Nguyễn Hoàng Trung: Thiên Sơn biết việc đó mà vẫn thu tiền bình thường?
Luật sư Đinh Hương: Thiên Sơn không cần biết!
Luật sư Nguyễn Hoàng Trung: Nếu theo thông thường, khi hệ thống lọc nước phải dừng lại, thì có nghĩa rằng, Thiên Sơn cũng không được thu tiền trong thời điểm đấy?
Luật sư Đinh Hương: Thu tiền hay không là do thỏa thuận của phía BV, kể cả BV không đủ ca chạy thận vẫn phải trả tiền cho phía Thiên Sơn. Còn việc chất lượng nước không đảm bảo mà BS vẫn đưa vào chạy thận đấy là vi phạm quy chế khám chữa bệnh.