Về cáo buộc ông Đinh La Thăng có lợi ích nhóm trong chỉ định thầu dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 của VKS, luật sư Nguyễn Huy Thiệp (bào chữa cho ông Đinh La Thăng) cho rằng đây là quy kết không có căn cứ, cần phải xác định lại.
Theo tin tức từ Dân Trí, VOV, Người lao động, chiều 15/1, phiên toà xét xử bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng 20 bị cáo tiếp tục với phần đối đáp của đại diện VKSND TP Hà Nội và các luật sư. Nội dung xoay quanh trách nhiệm của bị cáo Đinh La Thăng được tập trung làm rõ.
Bào chữa cho ông Đinh La Thăng, luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng phần đối đáp của VKS còn nhiều nội dung được suy đoán, quy kết thiếu căn cứ và không đưa ra được bằng chứng chứng minh, vi phạm nguyên tắc cá thể hoá, có căn cứ trong luận tội. Về nguyên tắc tố tụng, căn cứ là ưu tiên số 1 cần tôn trọng.
Về vấn đề VKS cho rằng công văn của Thủ tướng cho phép PVN chỉ định thầu theo quy định và PVN phải chịu trách nhiệm thực hiện cũng như quản lý vốn. Tuy nhiên, 2 văn bản này không đưa ra cụ thể cho phép PVN chỉ định PVC thực hiện dự án Nhà máy Thái Bình 2.
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp tranh luận về quy kết "lợi ích nhóm" của Viện Kiểm sát. Ảnh TTXVN |
Trước đó, trong buổi sáng cùng ngày 15/1, đại diện VKS cho rằng, xét mối quan hệ cho thấy Vũ Đức Thuận và Trịnh Xuân Thanh đều do ông Đinh La Thăng quyết định trong việc đưa về bổ nhiệm, cất nhắc.
Trên cơ sở quan hệ đó, mặc dù biết rõ PVC khó khăn tài chính, không đủ năng lực nhưng để tạo điều kiện cho PVC, ông Đinh La Thăng vẫn chỉ định thầu, chỉ đạo các bị cáo và đối tượng liên quan ở PVPower ký hợp đồng EPC số 33 và tạm ứng tiền trái pháp luật để Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận sử dụng trái mục đích, gây thiệt hại cho Nhà nước.
“Qua đó thấy rõ mối quan hệ mang tính lợi ích nhóm trong vụ án.” - đại diện VKS nêu quan điểm.
Đối đáp lại, luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng, đây là vấn đề phát sinh trong quá trình luận tội chứ trước đó chưa được thể hiện trong quá trình điều tra, truy tố.
Theo luật sư Thiệp, nếu có căn cứ thì cần chỉ ra để thấy sự ràng buộc, còn việc lãnh đạo thấy cán bộ đáp ứng yêu cầu, đủ khả năng thì thậm chí tìm mọi cách lôi kéo nhân sự về là bình thường, đâu phải vì cất nhắc mà ưu ái.
“Đây là suy diễn và nhận xét không hề dựa trên bất kỳ căn cứ nào. Đây là điểm ngay từ đầu luật sư nói có quy kết không phù hợp.”, luật sư Thiệp nêu quan điểm.
Theo luật sư Thiệp, sai sót trong hợp đồng 33 không thuộc trách nhiệm ông Đinh La Thăng vì ông lãnh đạo đề ra chủ trương, thay mặt HĐTV ban hành nghị quyết chứ không phải người thực hiện. Ngoài ra, việc ký hợp đồng, chưa có tài liệu nào chứng minh ông Đinh La Thăng chỉ đạo ký hợp đồng 33 bất chấp quy định pháp luật, hay nói cách khác là trái quy định pháp luật.
Luật sư Thiệp cũng cho rằng kết luận chỉ đạo giao ban ngày 1/6 cho thấy rằng bản thân ông Đinh La Thăng không biết nội dung hợp đồng 33 nên đã yêu cầu tạm ứng cho nhà thầu tới 10%, trong khi hợp đồng 33 thống nhất 6%. "Chi tiết này cho thấy ông Thăng không biết nội dung hợp đồng, do đó làm sao nói ông biết mà chỉ đạo làm sai"- luật Thiệp nói.
Về vấn đề tạm ứng, luật sư Thiệp cho rằng VKS áp dụng điều 68 luật dân sự 2005. "Quan điểm của luật sư cho rằng đây có sự lẫn lộn. Nếu là tranh chấp phát sinh của 2 doanh nghiệp thì việc áp dụng điều 68 là đương nhiên. Nhưng hiện đang xem xét pháp luật hình sự, hậu quả là thực tế diễn ra chứ không phải hậu quả tương lai",luật sư Thiệp phân tích.
Về cáo buộc lợi ích nhóm của VKS, theo luật sư Thiệp là vấn đề phát sinh trong quá trình luận tội, trước đó chưa được thể hiện trong điều tra truy tố, với lập luận cho rằng do ông Vũ Đức Thuận, Trịnh Xuân Thanh là do ông Đinh La Thăng cất nhắc, bổ nhiệm nên có ưu ái chỉ định PVC làm tổng thầu.
Hà Trang (tổng hợp)