Tin mới

"Thượng tọa là người nhà Phật nhưng phát ngôn về oan sai thiếu tính nhân văn"

Thứ bảy, 06/06/2015, 10:06 (GMT+7)

"Oan sai ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng và danh sự của con người nhưng với 71 vụ oan sai xảy ra trong 3 năm, Thượng tọa vẫn có thể coi là con số rất nhỏ. Vậy cái tâm của người nhà Phật được đặt ở đâu?" - Luật sư Hiền thắc mắc.

"Oan sai ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng và danh sự của con người nhưng với 71 vụ oan sai xảy ra trong 3 năm, Thượng tọa vẫn có thể coi là con số rất nhỏ. Vậy cái tâm của người nhà Phật được đặt ở đâu?" - Luật sư Hiền thắc mắc.

Hôm qua (05/6), Quốc hội họp phiên toàn thể thảo luận báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”.

Tại phiên thảo luận, Thượng tọa Thích Thanh Quyết đã có một phát biểu "gây bão" khi cho rằng, tỷ lệ án oan sai trong điều tra, tố tụng hình sự hiện nay là rất nhỏ trong tổng số các vụ án được điều tra, xét xử.

Đáng chú ý hơn, thượng tọa còn nhấn mạnh, trên thực tế, khó tránh khỏi có những vụ oan sai. Đại biểu này còn viện dẫn: “Thời nhà Lê, vua Lê còn xử oan cho Nguyễn Trãi, một công thần của mình trong vụ án Lệ Chi Viên. Nhà Phật chúng tôi, có nghìn mắt, nghìn tay nhưng vẫn có câu chuyện xử oan cho Thị Kính đến khi chết”...

Đánh giá về phát biểu này, Luật sư Đỗ Văn Hiền - Văn phòng Luật sư Đỗ Thành Nam (Hà Nội) cho rằng, Thượng tọa là người của nhà Phật nhưng trong phát ngôn lại chưa thể hiện được "tâm phật" - là phải coi trọng tính mạng con người.

Thượng tọa Thích Thanh Quyết đã có một phát biểu "gây bão" về oan sai

Vị luật sư này dẫn giải, hầu như ở bất cứ quốc gia nào cũng tồn tại oan sai nhưng thường là số lượng rất hạn hữu. Còn ở nước ta, chỉ trong vòng 3 năm vừa qua nhưng đã để xảy ra 71 người bị oan và một số trường hợp khác có dấu hiệu bị oan. Trong đó, có một số vụ đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận, gây mất lòng tin của nhân dân với công lý, giảm sút uy tín của cơ quan bảo vệ pháp luật… Đây là con số đáng báo động chứ không thể gọi là "số lượng rất ít" như lời phát biểu của Thượng tọa.

"Hơn 70 vụ oan sai, đồng nghĩa với việc tính mạng, danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tài sản của hơn 70 con người và gia đình, người thân của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong trường hợp đáng ra họ không liên quan tới "án" nhưng lại phải chịu đựng sự trừng phạt của luật pháp, sự kỳ thị của xã hội và sự mặc cảm của chính bản thân. Nhiều trường hợp, do không chịu nổi những sức ép đó và bản thân đã phải tự tìm đến cái chết. Như vậy, chúng ta vẫn có thể nói đó chỉ là vấn đề nhỏ hay sao?" - luật sư Hiền nêu vấn đề.

"Hệ thống luật pháp của nước ta từ thời xưa cho tới thời nay đã trải qua biết bao lần cải tổ, bổ sung, để phù hợp hơn với tình hình thực tế. Đồng ý là thời nào cũng có thể tồn tại oan sai, nhưng hiện nay, chúng ta có cả một bộ công cụ pháp lý hoàn thiện hơn rất nhiều so với các giai đoạn trước, nhưng tại sao vẫn để xảy ra oan sai với con số đáng báo động như vậy. Thậm chí, có những vụ oan sai tới cả chục năm mới được phát hiện. Như vậy, phải đặt ra câu hỏi là tại sao lại để tình trạng này trở thành vấn đề nhức nhối và tìm ra giải pháp hạn chế chứ không nên đánh giá một cách phiến diện kiểu "thời nào cũng có" và mặc nhiên chấp nhận như lời phát biểu của đại biểu Quyết" - luật sư Hiền lưu ý.

Theo quan điểm của luật sư Hiền, trên cương vị của một người đã xuất gia, tâm hướng thiện thì lẽ ra, Thượng tọa Thích Thanh Quyết nên có một phát biểu nhân văn hơn. Vì trong khi cả xã hội thừa nhận một thực tế rằng oan sai đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nạn nhân, đặc biệt có nhiều trường hợp đã phải trả giá bằng chính mạng sống của mình thì dường như trong phát biểu của Thượng tọa, tính mạng con người có vẻ đã bị xem nhẹ. Điều này dường như không phù hợp với tiên chỉ của nhà Phật - là yếu tố con người phải được đặt lên hàng đầu.

Theo phân tích của luật sư Hiền, oan sai xảy ra phần lớn là do cơ quan điều tra trọng cung, bức cung, thậm chí dùng nhục hình đối với nạn nhân. Chính vì vậy, trước phát biểu của Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Nguyễn Sĩ Cương cho rằng, "một trong những nguyên nhân gây oan sai là sự quá tải của cơ quan điều tra", luật sư Hiền cho đây là một phát ngôn thiếu trách nhiệm và sai về nguyên tắc tố tụng.

"Khi đảm nhận nhiệm vụ, điều tra viên phải tính đến áp lực xã hội chứ không nên mang chuyện áp lực tâm lý cá nhân vào xử lý các vụ việc. Nếu nhìn thẳng vào sự thật, thì oan sai chính là biểu hiện của sự "lộng quyền".

Hiện nay, nhiều cán bộ tư pháp có biểu hiện suy thoái đạo đức công vụ, vô cảm với dân, định kiến, ác cảm với tội phạm, lạm dụng và thích sử dụng nhục hình. Thậm chí, nhiều cán bộ điều tra còn yếu kém trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức, có tư tưởng nóng vội, chạy theo thành tích, do sức ép dư luận mà mong muốn nhanh phá án. Từ đó, dẫn tới hệ quả là oan sai. Như vậy, tôi cho rằng, ông Nguyễn Sỹ Cương đã phát biểu quá... cảm tính và có phần bào chữa cho các sai phạm trong vấn đề này"- ông Hiền khẳng định.

Vũ Đậu

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news