Các luật sư của ông Đinh La Thăng tỏ ra bất ngờ với sau khi Viện kiểm sát đưa ra mức án và cho rằng ông Thăng "cố ý làm trái" là vì mục tiêu bảo đảm tiến độ và hiệu quả đối với dự án, hoàn toàn không có động cơ tư lợi, cá nhân.
Theo báo Thanh niên, chiều 11/1, phiên tòa xét xử 22 bị cáo trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn dầu khí VN (PVN) và Tổng công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) bước sang phần tranh luận.
Tại tòa, các bị cáo liên quan đã khai nhận hành vi của mình, song bị cáo Đinh La Thăng không thừa nhận trách nhiệm về hành vi cố ý làm trái mà chỉ nhận trách nhiệm của người đứng đầu PVN.
Tuy nhiên, đại diện Viện Kiểm sát nói có đủ cơ sở khẳng định hành vi phạm tội của các bị cáo, đồng thời nhận định việc truy tố các bị cáo là hoàn toàn có căn cứ, đúng người đúng tội, đúng pháp luật.
Viện KSND đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng 14 - 15 năm tù; Trịnh Xuân Thanh chung thân. Ảnh: Dân trí |
Viện KSND đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng 14 - 15 năm tù; Trịnh Xuân Thanh, 13-14 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước và chung thân về tội tham ô tài sản, tổng hợp là chung thân; bị cáo Phùng Định Thực từ 12 - 13 năm tù.
Báo Tuổi trẻ đưa tin, sau khi Viện kiểm sát luận tội và đề nghị mức án, luật sư Phan Trung Hoài - bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng, nói rằng ông cảm thấy bất ngờ với bản luận tội của VKS vì có nhiều nội dung không giống với bản cáo trạng đã truy tố các bị cáo.
Đối với nội dung VKS cho rằng ông Đinh La Thăng đã lợi dụng cơ chế đặc thù chính phủ dành cho PVN để gây lợi ích nhóm, luật sư Hoài cho rằng như vậy không công bằng cho ông Đinh La Thăng.
Liên quan đến việc PVN chỉ định thầu dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 cho PVC, theo luật sư Hoài, tại cuộc làm việc với PVN ngày 12/2/2009, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận đồng ý về nguyên tắc tập đoàn được chỉ định các đơn vị thành viên cung cấp dịch vụ để thực hiện các dự án đầu tư của tập đoàn, , đồng thời yêu cầu tập đoàn thực hiện đúng các quy định của pháp luật về chỉ định thầu.
"Như vậy, với kết luận của Thủ tướng Chính phủ thì về thẩm quyền, PVN được phép chỉ định các đơn vị thành viên cung cấp dịch vụ để thực hiện các dự án đầu tư của tập đoàn. Thực tế thời hạn mà Chính phủ yêu cầu về tiến độ phải khởi công dự án từ tháng 2/2009, đến lượt mình ông Thăng đã ép đơn vị chức năng phải thực hiện bảo đảm tiến độ đề ra, nên đã đôn đốc, ép tiến độ với cấp dưới, nhưng thực tế không chỉ đạo các đơn vị này làm trái luật", luật sư Hoài tiếp tục bào chữa cho thân chủ của mình.
Luật sư Phan Trung Hoài bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng. Ảnh: Báo Tuổi trẻ |
Luật sư này cũng cho biết trong quá trình tổ chức thực hiện, PVN phải chịu sự theo dõi, giám sát của nhiều bộ, ngành chức năng, nhưng trong thời gian triển khai các gói thầu, PVN chưa nhận được sự khuyến cáo nào của các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Liên quan đến việc tạm ứng tiền cho dự án để các bị cáo sử dụng sai mục đích gây thiệt hại tài sản nhà nước, theo luật sư Hoài, HĐTV của PVN trong đó có ông Đinh La Thăng với trách nhiệm là chủ tịch đã thường xuyên họp giao ban tại công trường, cũng như tại PVN để kịp thời giải quyết những vướng mắc, tồn tại và kiến nghị của các đơn vị, nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án theo yêu cầu cao về tiến độ của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đối với dự án điện trọng điểm, cấp bách này.
Đó là lý do ngày 1/6/2011, tại cuộc họp giao ban tại công trường dự án, trên cơ sở kiến nghị của các đơn vị, ông Thăng đã kết luận giải quyết nhiều vấn đề, trong đó có nội dung về tạm ứng tiền cho dự án.
"Như vậy, đối với dự án, ông Đinh La Thăng chỉ tham gia chỉ đạo chủ yếu trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Khi bắt đầu triển khai đầu tư thì ông Thăng đã chuyển công tác. Bản thân ông Thăng luôn chỉ đạo quyết liệt, công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền, vì mục tiêu bảo đảm tiến độ và hiệu quả đối với dự án, hoàn toàn không có động cơ tư lợi, cá nhân", luật sư Hoài lập luận.
Lê Huyền (tổng hợp)