Theo luật sư, chủ tọa đã điều hành phiên tòa xử vụ Phương Nga thể hiện khách quan, công tâm và thận trọng trong việc xem xét, đánh giá từng tình tiết, chứng cứ.
Chủ tọa đã điều hành rất công tâm, khách quan
Vụ xét xử hoa hậu Phương Nga là một trong những tâm điểm theo dõi của dư luận xã hội và trong phiên xét xử, nhiều điểm đổi mới được thực hiện như quyền im lặng của bị cáo, nhân chứng bí ẩn được ở trong phòng kín, đối chất qua micro...
Sau nhiều ngày xét xử, chiều 29/6, tòa án đã công bố quyết định cho phép hoa hậu Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung được tại ngoại.
Luật sư Đặng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, có thể nói đã lâu lại có một vụ án hình sự được dư luận quan tâm.
Nhìn nhận về mặt tố tụng của phiên tòa, theo luật sư Cường, có thể thấy chủ tọa đã điều hành phiên tòa rất tốt, thể hiện sự khách quan, công tâm và thận trọng trong việc xem xét, đánh giá từng tình tiết, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.
Diễn biến phiên tòa thể hiện rất rõ nguyên tắc tranh tụng đã được ghi nhận tại khoản 5, điều 103 của Hiến pháp 2013 và điều 26 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Theo đó, trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, điều tra viên, kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người bị buộc tội, người bào chữa và người tham gia tố tụng khác đều có quyền bình đẳng trong việc đưa, đánh giá chứng cứ, yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan vụ án.
Phiên tòa xét xử vụ án hình sự phải có mặt đầy đủ những người theo quy định, trường hợp vắng mặt phải vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan...
Mọi chứng cứ xác định có tội, vô tội, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, áp dụng điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự để xác định tội danh, quyết định hình phạt, mức bồi thường thiệt hại đối với bị cáo, xử lý vật chứng... đều phải được trình bày, tranh luận, làm rõ tại phiên tòa...
Luật sư Đặng Văn Cường.
"Nguyên tắc trên là một quy định mới của Hiến pháp năm 2013 và Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 kết hợp với một số nguyên tắc khác của tố tụng hình sự như xác định sự thật của vụ án, suy đoán vô tội, bảo hộ tính mạng, sức khoẻ...", luật sư Cường nêu.
Đối với "quyền im lặng" được Phương Nga thể hiện trong phiên xét xử, theo luật sư Cường, pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể nhưng tinh thần của quyền này thể hiện ở các nguyên tắc như tôn trọng quyền con người, bình đẳng, suy đoán vô tội...
"Ở đây, nếu Phương Nga không thực hiện "quyền im lặng" mà trả lời, tranh luận quyết liệt trong từng ngày xét xử thì người theo dõi vụ này ít hồi hộp hơn, ít kịch tính hơn... và diễn biến vụ án sẽ nhanh hơn.
Tuy nhiên, Phương Nga đã vận dụng các quyền của bị cáo một cách khá linh hoạt, chờ thời điểm thuận lợi nhất để "phản công" và đạt hiệu quả.
Việc trả hồ sơ điều tra bổ sung là bởi có nhiều tình tiết toà không thể làm rõ, cần phải có thời gian điều tra bổ sung thì mới có căn cứ kết luận vụ án và xử lý một số người có liên quan về các hành vi như đưa, nhận hối lộ, vi phạm quy định về giam giữ, làm sai lệch hồ sơ vụ án...", luật sư Cường nêu.
Tuy nhiên, theo luật sư Cường, cái được lớn nhất của các bị cáo trong phiên tòa là việc thay đổi biện pháp ngăn chặn.
"Việc thay đổi biện pháp ngăn chặn thể hiện tính chất khoan hồng, nhân đạo, tiến bộ của pháp luật và đảm bảo quyền con người, các nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự... Đây là một quyết định sáng suốt, hợp lý và cần thiết của Hội đồng xét xử.
Ngoài ra, việc bảo vệ nhân chứng cũng là một nội dung quan trọng trong việc áp dụng các nguyên tắc trong tố tụng hình sự để đảm bảo tính chất khách quan và bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự...", luật sư Cường chỉ rõ.
Thêm vào đó, sự tham gia đưa tin của báo chí, thông tin trên mạng xã hội cũng thể hiện rõ quyền tự do ngôn luận, tự do hoạt động báo chí, mức độ dân chủ, công khai trong hoạt động tố tụng và đảm bảo các quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân đã được Hiến pháp ghi nhận.
"Dư luận mong chờ sự khách quan, tôn trọng pháp luật của những người tiến hành tố tụng để vụ án được giải quyết công bằng, đúng pháp luật, thể hiện những chuyển biến tiến bộ trong hoạt động tố tụng hình sự ở nước ta", luật sư nhấn mạnh.
Phiên tòa kiểu mẫu
Trong khi đó, luật sư Phạm Công Út (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, theo dõi những gì đã diễn ra thì đây là một phiên tòa "kiểu mẫu" khi Hội đồng xét xử, chủ tọa đã thực thi nghiêm túc các điều luật đã có từ Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 và được sửa đổi bổ sung năm 2015.
Theo đó, bị can, bị cáo "được quyền trình bày lời khai" và hoàn toàn không có quy định nào bắt buộc bị can, bị cáo phải có nghĩa vụ khai báo hoặc trả lời những thẩm vấn của các cơ quan tiến hành tố tụng, của các luật sư.
"Trong vụ xử hoa hậu Phương Nga, các luật sư bào chữa từ giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử bị cáo này có thể đã có sự chuẩn bị tư vấn trước để áp dụng các quyền cơ bản mà pháp luật dành cho mình.
Bị cáo chỉ dùng quyền trình bày lời khai sau hai ngày mở phiên toà, khi cho rằng, đã đến thời điểm lời khai của mình tại tòa lúc này sẽ có lợi cho mình nên bị cáo Nga mới bắt đầu trình bày lời khai theo các câu hỏi của các luật sư.
Đó là cách sử dụng quyền "trình bày lời khai" một cách hợp lý vốn luật pháp đã cho phép đối với người bị tình nghi, bị can, bị cáo từ năm 2003 đến nay", luật sư Út nói.
Luật sư Út cũng nêu rõ, việc nhân chứng "bí ẩn" Nguyễn Mai Phương trong phiên xét xử được Hội đồng xét xử cho phép giấu mặt, ở trong phòng kín, trả lời qua micro... thể hiện đúng các quy định của pháp luật.
"Người làm chứng được cách ly, trả lời thẩm vấn nhằm mục đích để không nghe được câu trả lời trong phần thẩm vấn những người khác, tránh sự thông đồng lời khai.
Đồng thời, nhân chứng có quyền đề nghị được bảo vệ cho sự an toàn của mình nhằm tránh sự trả thù mang tính bạo lực của một bên, nếu họ cho rằng lời khai của cô ấy gây bất lợi cho bên người thân của họ", luật sư Út chỉ rõ.