Người con gái duy nhất của bà Chùa bị người Tàu bắt đi chôn sống để trấn yểm giữ của, vì thương nhớ con mà bà khóc cạn nước mắt đến chết. Ngôi mộ của bà nằm chơ vơ một mình giữa cánh đồng, và cứ dần dần tự lớn lên.
Nằm ngay bên ngôi mộ còn có cái giếng hình bán nguyệt được xem như “gương trời” của làng. Tương truyền và cũng kỳ bí là mỗi khi làng có “biến” chỉ cần nhìn nước giếng trong, đục sẽ biết. Điều kỳ lạ là theo lời kể của các cụ cao niên 2 lần nước giếng đổi màu là y rằng làng gặp lũ lụt? Vậy thực hư chuyện này ra sao?
Nổi da gà lời đồn bóng áo trắng
Nhiều người đi trên con đường đê sông Đáy qua cánh đồng thôn Tiền (xã Viên Nội, huyện Ứng Hòa, TP.Hà Nội) đã vô cùng ngạc nhiên bởi chơ vơ giữa cánh đồng có một cây sữa cổ thụ che bóng mát cho ngôi mộ cổ có từ bao đời nay. Cách ngôi mộ cổ vài bước chân là giếng bán nguyệt được người làng xem như “gương trời”.
Theo các cụ cao niên trong làng, mỗi khi làng có biến, điềm dữ kéo đến chỉ cần nhìn vào nước giếng sẽ biết được mà tránh. Cho đến nay người làng vẫn thường hương khói khu vực tâm linh này vào những ngày Rằm, mùng Một, lễ tết và truyền miệng nhau nghe câu chuyện bao đời nay về sự kỳ diệu của ngôi mộ cho sữa.
Để tìm hiểu thực hư câu chuyện trên, người làng giới thiệu chúng tôi gặp cụ Vũ Văn Tụng (81 tuổi), người đã sinh ra và gắn bó với làng từ nhỏ. Nói về ngôi mộ gần giếng nước bán nguyệt, giọng cụ Tụng chậm rãi: “Ngày đó khu vực giếng bán nguyệt gần mộ bà Chùa cây cối um tùm, cách xa làng, ít người qua lại, đứng từ xa chỉ nghe tiếng gió rít đã sởn hết da gà.
Ngày còn nhỏ đám bạn chăn trâu cùng tuổi tôi không ai dám bén mảng tới gần bởi những âm thanh rùng rợn phát ra từ những lùm cây và những câu chuyện về bóng một trinh nữ thường xuất hiện vào những đêm trăng sáng. Mỗi lần ra khỏi nhà bố mẹ thường căn dặn, không được chăn trâu gần mộ bà Chùa, chỗ đó linh thiếng lắm, chớ có mạo phạm mà mất mạng như chơi”.
Giếng bán nguyệt, ngôi mộ bà Chùa và cây sữa. |
Đặc biệt vào những đêm trăng sáng, dân gian còn đồn thổi thường có một người con gái đi lại quanh khu vực ngôi mộ, áo dài trắng thướt tha như công chúa, đi bên cạnh là con chó trắng. Cô gái được cho là hồn trinh nữ năm xưa bị người Tàu bắt đi chôn sống để trấn yểm giữ của. Bởi thế buổi tối đến không ai dám đi gần khu vực mộ bà Chùa vì sợ trinh nữ bắt(?!).
Ông Kim Bùi Soạn (61 tuổi), người từng nhiều năm làm cán bộ văn hóa xã và cũng dành nhiều thời gian tìm hiểu lịch sử của làng cho biết, mộ bà Chùa cạnh giếng bán nguyệt không biết có từ bao giờ, đời bố, đời ông của tôi sinh ra đã có rồi. Nghe các cụ kể, những người buôn bán trong vùng đi chợ mỗi lần qua mộ bà Chùa đều dừng lại hương khói để mong buôn may bán đắt.
Và mỗi người tự tay bê một nấm đất dưới ruộng cày đắp lên mộ bà Chùa như một việc cần làm để tạ ơn, rồi dần dần ngôi mộ to bằng cả gian nhà đứng “trơ gan cùng tuế nguyệt” bao nhiêu năm qua. Người làng đi làm đồng sớm thấy kỳ lạ ngôi mộ bà Chùa “tự lớn” đã vô cùng kinh ngạc. Đã lâu lắm rồi, không ai biết người chôn trong ngôi mộ đó là ai. Chỉ biết rằng đó là một người có công với làng.
Cũng theo ông Soạn, thỉnh thoảng đoạn đê gần mộ bà Chùa lại có một người lao cả người và xe xuống ruộng. Mấy năm trước có một người đi xe máy trên bờ đê vào giữa trưa vắng người qua lại, đường không một bóng người mà lái xe xuống ruộng. Sau khi được dân làng kéo lên, người đó vẫn không biết vì sao lại đâm xuống ruộng cứ như là có bóng người trêu trước xe.
Chuyện lạ khi gương trời đục ngầu
Theo các cụ cao niên trong làng, bà Chùa không phải người làng, cũng không ai biết bà đến từ đâu. Bao nhiêu năm nay ngôi mộ được dân làng hương khói. Không rõ ai đặt ngôi mộ bà Chùa, nhưng thế đất được cho rằng sẽ giúp dân làng thịnh vượng. Vị trí đặt huyệt mộ chôn bà Chùa được cho là chưa từng bị chôn lấp, đào xới, đất khu vực đó đặc quánh có màu nâu đậm.
Theo Phong thủy thế đất như thế đặt huyệt rất đẹp, bởi đầu nhìn về phía chợ, nơi buôn bán sầm uất, tấp nập người qua lại sẽ mang lại niềm vui, điềm tốt cho dân làng. Có người kể lại câu chuyện bà Chùa chính là mẹ của trinh nữ bị người Tàu bắt đi và chôn sống để giữ của. Vì thương nhớ đứa con, người mẹ đã khóc đến khi chết. Câu chuyện cảm động về tình mẫu tử đó đến nay người dân vẫn tôn thờ và xem bà như thánh mẫu.
Che bóng mát ngôi mộ bà Chùa bao năm qua chính là cây sữa cổ thụ tỏa hương thơm ngát quanh năm. Để tiện việc hương khói, người dân xây một cái am thờ gần ngôi mộ. Điều đặc biệt, những phụ nữ mới sinh mất sữa chỉ cần sắm cái lễ nhỏ đến thắp cầu xin bà Chùa sẽ lại có sữa. “Ngôi mộ linh thiêng lắm, cầu lộc, cầu tài và đặc biệt rất hiệu nghiệm đối với những phụ nữ mất sữa. Như chị gái tôi ngày mới sinh đứa con đầu lòng bị mất sữa. Nghe các cụ mách, lễ chỉ là cân hoa quả, nhưng phải đặt vào đôi quang gánh ra mộ bà. Quả nhiên sau một đêm chị tôi có sữa trở lại. Đến nay nhiều người trong thôn, ngoài xã mất sữa đều tìm đến và rất linh nghiệm”, cụ Tụng nói.
Nằm cạch ngôi mộ bà Chùa có cái giếng hình bán nguyệt. Bao đời nay người làng xem như “gương trời” của làng. Giếng bán nguyệt không chỉ có dòng nước ngọt lành nức tiếng mà còn chứa đựng nhiều câu chuyện khó tin về khả năng dự đoán “vận” làng cũng như những quy tắc “để đời” của làng về giữ gìn giếng thiêng. Người ta giữ giếng thiêng như gìn giữ ngôi nhà riêng của mình. Nếu năm nào đó, giếng làng cạn hơn mức bình thường thì ắt sẽ có điềm xấu với dân làng và ngược lại nước đầy ăm ắp là điều tốt lành. Giếng làng còn được coi là con mắt của làng.
Ông Kim Bùi Soạn cho biết thêm: “Trận lụt lớn vào năm 1969, có người đi làm đồng về báo nước “gương trời” đục ngầu, màu đỏ như phù xa. Nhiều người tò mò chạy ra xem và bảo chắc chắn có điềm xấu về là nước lũ sắp xảy ra. Và y như rằng sau đó xảy ra lũ lụt làm thiệt hại mùa màng. Đến trận lụt năm 1986, nước giếng cũng đục ngầu, người dân trong làng đã kịp thu hoạch mùa màng, gia cố nhà cửa, chuẩn bị tinh thần chống lũ lụt.
Được xem như con mắt của làng nên các cụ trong làng xây dụng cả những quy ước bảo vệ giếng. Trong đó có những điều cấm kỵ buộc người làng phải tuân theo như cấm thả trâu bò ăn cỏ gần giếng làng, cấm phụ nữ đến tháng không được đi gánh nước, cấm giết mổ gia súc, gia cầm bên cạnh giếng...”.
TS. Vũ Bằng, Phó viện trưởng viện Công nghệ nước và Môi trường (Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam) cho rằng: “Trong dân gian người ta vẫn truyền miệng nhau nghe những câu chuyện về giếng nước của làng, đặc biệt những giếng gần sông, đê bỗng nhiên đổi màu khác lạ. Nhiều người cho rằng hiện tượng đó là giếng thiêng, thần bí nhưng thực ra không phải mà là cấu tạo của tầng địa chất ở dưới tác động. Cần phải có kiến thức về địa chất, khoa học thủy văn thì sẽ hiểu tại sao có giếng nước rất đục, có giếng nước rất trong bởi ở dưới có tầng cát, sỏi. Tất cả các hiện tượng đó đều do cấu tạo tầng địa chất ở dưới tạo nên. Còn lý giải vì sao nước giếng gần sông, gần đê lại đục ngầu như nước phù sa trước khi có lũ lụt, vỡ đê. Đây là sự biến đổi về tầng nước ngầm, bởi nguyên tắc bình thông nhau, khi nước sông, nước đê mang theo nước phù sa sẽ dâng lên từ từ và sẽ chảy vào giếng nước nên có hiện tượng nước giếng đổi màu đỏ, đục ngầu. Do đó, nhìn vào nước giếng, người xưa biết được sắp vỡ đê, lũ lụt”. Răn dạy con cháu sống trung thực, có ích Ông Kim Văn Vân, Trưởng ban văn hóa xã Viên Nội cho biết: “Khu tâm linh bao gồm ngôi mộ bà Chùa, giếng bán nguyệt được người dân thôn Tiền bao năm nay thờ cúng như một nét văn hóa tâm linh không thể thiếu trong đời sống văn hóa cộng đồng. Ngoài những câu chuyện người dân thêu dệt đến khó tin, thiếu căn cứ khoa học, nhưng cũng có những câu chuyện để răn dạy con cháu không nên tham lam, ăn trộm, ăn cắp, sống trung thực, có ích cho xã hội, cho đất nước điều đó rất có ý nghĩa. Về phía chính quyền cũng tuyên truyền để người dân thực hiện đúng nếp sống văn hóa mới, tôn trọng văn hóa dân tộc, nhưng không mê tín thái quá, thành mê tín dị đoan thì không nên” |
Theo Đời Sống & Pháp luật