(Tinmoi.vn) Bệnh viện Đa khoa Thường Tín, Hà Nội vừa bị Sở Y tế xử phạt 30 triệu đồng về việc sử dụng máy xét nghiệm sinh hóa tự động không rõ chứng từ nguồn gốc, dòng thiết bị cũ đã dừng sản xuất và nhập lậu trái phép vào Việt Nam.
Bệnh viện tuyến huyện mượn máy của doanh nghiệp
Sở Y tế Hà Nội vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Bệnh viện đa khoa Thường Tín Hà Nội tổng mức phạt là 30 triệu đồng với lý do sử dụng máy xét nghiệm sinh hóa cũ không có giấy chứng minh nguồn gốc xuất xứ, chất lượng của 1 doanh nghiệp bên ngoài, mà không có báo cáo. Đây là hành vi có thể ảnh hưởng tới chất lượng khám chữa bệnh do máy xét nghiệm sinh hóa nếu kém chất lượng sẽ ảnh hưởng lớn tới việc cho ra các kết quả sai.
Đội kiểm tra liên ngành gồm Sở Y tế Hà Nội, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, công an huyện Thường Tín tại bệnh viên đa khoa huyện Thường Tín đã phát hiện có máy xét nghiệm sinh hóa tự động nhãn hiệu Hitachi 717, series 6312-19 đang hoạt động tại khoa Xét nghiệm của bệnh viện là mượn của công ty bên ngoài. Đại diện bệnh viện đa khoa Thường Tín cho biết, việc bệnh viện phải đi mượn máy của các đối tác là do các máy xét nghiệm sinh hóa được Sở Y tế Hà Nội cấp đang bị hỏng, hoặc trục trặc không sử dụng được.
Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu tịch thu và tiêu hủy chiếc máy mượn này vì là loại thiết bị không có chứng từ nguồn gốc, dòng thiết bị cũ đã dừng sản xuất và nhập lậu trái phép vào Việt Nam.
Được biết máy xét nghiệm sinh hóa này được bệnh viện ký hợp đồng mượn của Công ty TNHH Phú Cường An (địa chỉ số 4 ngách 91/50 Nguyễn Chí Thanh-Đống Đa- Hà Nội) từ tháng 7/2013, mỗi ngày thực hiện khoảng 120 xét nghiệm cho bệnh nhân.
Qua tìm hiểu dòng máy xét nghiệm sinh hóa tự động Hitachi 717 là dòng máy sản xuất từ những năm 1990 tại Nhật. Chính hãng đã công bố ngừng sản xuất từ lâu và được xếp vào diện cấm nhập khẩu vào Việt Nam.
Công ty TNHH TM Phú Cường An- chủ nhân của chiếc máy này cũng đang cho các bệnh viện tuyến huyện tại một số tỉnh thành mượn. Đổi lại, các bệnh viện này sẽ phải đấu thầu mua hóa chất xét nghiệm của doanh nghiệp. Đơn cử như trường hợp của Bệnh viện đa khoa Thường Tín đã chuyển tiền mua hóa chất cho công ty này từ tháng 7/2013 là 1,2 tỷ đồng.
Máy xét nghiệm tiền tỷ đắp chiếu vì không có bóng đèn thay thế
Tại sao Bệnh viện đa khoa Thường Tín có đến 2 máy xét nghiệm sinh hóa được Sở Y tế cấp, nhưng vẫn phải sử dụng mượn máy xét nghiệm cũ của doanh nghiệp bên ngoài và không rõ nguồn gốc xuất xứ?
Hiện Khoa Xét nghiệm của bệnh viện đa khoa có 3 máy xét nghiệm sinh hóa. Trong đó 1 chiếc máy bán tự động đang bị hỏng; 1 chiếc sinh hóa tự động có nhãn hiệu là Greiner GA 240 do Đức sản xuất được Sở Y tế cấp theo quyết định phân bổ trang thiết bị gói thầu số 4, thuộc dự án đầu tư nâng cấp trang thiết bị cho các bệnh viện tuyến huyện.
Trong đó, máy sinh hóa tự động có nhãn hiệu Greiner GA 240 do Đức sản xuất, có giá trị gần 700 triệu đồng được cấp cho BV Thường Tín từ cuối năm 2010. Chiếc máy này nằm trong gói thầu số 4 cung cấp thiết bị cho các bệnh viện đa khoa: Sơn Tây, Vân Đình, Quốc Oai, Chương Mỹ, Hoài Đức, Thanh Oai, Mỹ Đức, Thạch Thất, Phú Xuyên, Thường Tín để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh với tổng trị giá gói thầu khoảng 30 tỷ đồng do Sở Y tế Hà Nội phê duyệt.
Tuy nhiên khi đưa vào sử dụng máy chạy rất chậm, trong hai tiếng rưỡi chỉ cho ra được 38 kết quả. Trong khi theo phê duyệt, lẽ ra dòng máy này phải chạy được 180 kết quả trong 1 giờ. Chưa kể đến việc, chiếc máy này thường xuyên cho ra những kết quả không chính xác. Và gần một năm nay, chiếc máy đã nằm "đắp chiếu" vì bị cháy bóng đèn và không có bóng đèn thay thế.
Sau đó, Sở Y tế Hà Nội đã cho BV Thường Tín mượn máy xét nghiệm khác có hiệu TYB-20 nằm trong gói thầu phòng chống bệnh cúm gia cầm để tạm sử dụng, nhưng chiếc máy này cũng liên tục bị treo.
Việc hai máy xét nghiệm sinh hóa được Sở Y tế cấp nhưng liên tục bị treo, và trong tình trạng quá tải, nên lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Thường Tín đã đàm phám với doanh nghiệp mượn máy Hitachi 717 để đảm bảo công tác khám chữa bệnh
Hiện Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức đoàn thanh tra kiểm tra tại Bệnh viện Đa khoa Thường Tín về việc mua sắm thiết bị không có nguồn gốc, không có phụ kiện thay thế dẫn tới tình trạng máy đắp chiếu không sử dụng được, báo cáo về Bộ Y tế trước ngày 30/7/2014. Đồng thời, Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế Hà Nội phải thành lập đoàn kiểm tra tình hình mua sắm trang thiết bị trong các gói thầu, báo cáo về Bộ Y tế trước ngày 28/8.
H.Nguyên