Tin mới

Mẹ bán chính con đẻ, liệu có quyền nhận lại con?

Thứ hai, 05/09/2016, 18:25 (GMT+7)

Được cho là có phần may mắn hơn các bé khác cùng là nạn nhân của những kẻ buôn người, tuy nhiên, dù đã tìm được người thân nhưng đường về với mái ấm của các em cơ hồ vẫn rất xa.

Việc người mẹ ruột đã từng bán em cho nhóm đối tượng buôn người lại đến "đón" em rời khỏi Trung tâm bảo trợ đã dấy lên nhiều băn khoăn về việc có nên truất quyền nuôi con của những người mẹ như thế này vì không biết bé sẽ lại ra sao nếu mẹ "ngựa quen đường cũ".

Ngày 13/8 vừa qua, Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) đã có công văn đề nghị thông báo truy tìm cha, mẹ, người thân của 8 bé trai là nạn nhân bị mua bán sang Trung Quốc năm 2011, hiện đang được chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở Quảng Ninh. Theo nội dung thông báo, nếu sau 1 tháng không có ai đến nhận, hồ sơ của các cháu sẽ được chuyển qua Cục Con nuôi (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) để xem xét việc nhận con nuôi. Nếu không, các cháu vẫn được Trung tâm tiếp tục nuôi dưỡng. Được biết, đây là lần thứ hai cơ quan này ra thông báo trên.

Trước đó, ngày 15/7/2011, khi chuyên án Mua bán trẻ sơ sinh từ Việt Nam sang Trung Quốc được lực lượng Công an tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây (Trung Quốc) triệt phá, 10 trẻ sơ sinh bị mua bán đã được giải cứu, trong đó, trẻ nhỏ nhất mới 10 ngày tuổi, lớn nhất là 7 tháng tuổi. Sau khi được đưa về Việt Nam, các bé đã được Cục Cảnh sát Hình sự đặt tên lần lượt là là Cộng, Hòa, Xã, Hội, Việt, Nam, Hùng, Mạnh. Sau đó, lực lượng chức năng đã đi xác minh nhân thân, cha mẹ của các bé trai trên. Tuy nhiên, sau quá trình xác minh, lực lượng này chỉ tìm được mẹ của hai cháu Cộng và Mạnh. Theo lời khai của các bị can là người Việt Nam trong vụ án, 8 bé còn lại chủ yếu ở ở miền Nam, được tập kết tại TP. HCM, đưa ra Móng Cái (Quảng Ninh).

Theo chia sẻ của cán bộ Trung tâm bảo trợ nơi đang chăm sóc và nuôi dưỡng các bé, thì kể từ thời điểm các bé được đưa về Trung tâm cho đến nay, cũng có nhiều người đến Trung tâm hoặc liên lạc qua điện thoại hỏi về trường hợp của các em. Tuy nhiên, do họ không cung cấp được thông tin chính xác nên đến nay, ngoài Cộng và Mạnh thì 8 bé còn lại vẫn chưa tìm thấy người thân.

Sau khi được giải cứu từ đường dây buôn bán trẻ em sang Trung Quốc, chỉ mới duy nhất một bé được mẹ đón về, những đứa trẻ còn lại vẫn chưa tìm được người thân. Ảnh: Dân trí

Về phần Cộng và Mạnh - 2 trong số 10 bé trai được cho là có phần may mắn hơn các trường hợp còn lại, mặc dù đã tìm được thân nhân nhưng đường về với mái ấm của hai em cơ hồ vẫn còn là một chặng đường dài. Cụ thể, trường hợp của bé Mạnh, tuy đã có thông tin về mẹ ruột nhưng mẹ em lại là mắt xích trong đường dây buôn bán người và hiện đang thụ án tù giam bên Trung Quốc. Vậy nên, tạm thời, Mạnh vẫn chưa được mẹ đón về. Còn mẹ Cộng cũng là thành viên trong đường dây buôn bán người, sau khi hết hạn án tù bên Trung Quốc, tháng 6 vừa qua, người này đã trở về làm các thủ tục và đưa Cộng về quê nhà. 

 

Việc Cộng được "đoàn tụ" với mẹ ruột đã khiến nhiều người vui mừng vì em là người đầu tiên được gia đình đón về. Tuy nhiên, điều này cũng làm dấy lên băn khoăn về việc liệu những đứa trẻ như Cộng có được hưởng một mái ấm thật sự hay không khi mà người "đón" em về cũng chính là người trước đây đã từng "bán" em  cho những kẻ buôn người xuyên biên giới.

Nhiều người còn lo sợ rằng, nếu người mẹ ruột thịt của Cộng lại "ngựa quen đường cũ" thì liệu em có thể may mắn có may mắn được "giải cứu" thêm một lần nữa. Do đó, từ chuyện những người như mẹ Cộng tiếp tục sống với đứa con họ từng mang đi "buôn bán" như một món hàng được nhận định là tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với đứa trẻ, nhiều độc giả mong muốn được tỏ rõ vấn đề là người làm cha, mẹ sẽ bị truất quyền nuôi con đẻ của mình trong những trường hợp nào.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề trên, luật sư Lê Văn Kiên - Văn phòng luật sư Ánh Sáng Công Lý (Đoàn Luật sư tp. Hà Nội) cho biết, theo quy định tại Điều 85, 86 và Điều 87 Luật hôn nhân gia đình hiện hành thì Cha mẹ có thể bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên từ 01 đến 05 năm. Tuy nhiên, cha mẹ chỉ bị hạn chế quyền này khi có Phán quyết có hiệu lực pháp luật  của Tòa án có thẩm quyền. Cụ thể:

Điều 85. Hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên

1. Cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên trong các trường hợp sau đây:

a) Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;

b) Phá tán tài sản của con;

c) Có lối sống đồi trụy;

d) Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

2. Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, Tòa án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 86 của Luật này ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ 01 năm đến 05 năm. Tòa án có thể xem xét việc rút ngắn thời hạn này.

Điều 86. Người có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên

1. Cha, mẹ, người giám hộ của con chưa thành niên, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên.

2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên:

a) Người thân thích;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

d) Hội liên hiệp phụ nữ.

3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện cha, mẹ có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên.

Điều 87. Hậu quả pháp lý của việc cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên

1. Trong trường hợp cha hoặc mẹ bị Tòa án hạn chế quyền đối với con chưa thành niên thì người kia thực hiện quyền trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con và đại diện theo pháp luật cho con.

2. Việc trông nom, chăm sóc, giáo dục con và quản lý tài sản riêng của con chưa thành niên được giao cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự và Luật này trong các trường hợp sau đây:

a) Cha và mẹ đều bị Tòa án hạn chế quyền đối với con chưa thành niên;

b) Một bên cha, mẹ không bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên nhưng không đủ điều kiện để thực hiện quyền, nghĩa vụ đối với con;

c) Một bên cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên và chưa xác định được bên cha, mẹ còn lại của con chưa thành niên.

3. Cha, mẹ đã bị Tòa án hạn chế quyền đối với con chưa thành niên vẫn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

Ngày 15-7-2011, các lực lượng Công an tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây của Trung Quốc đã triệt phá chuyên án "Mua bán trẻ sơ sinh từ Việt Nam sang Trung Quốc", bắt giữ 40 đối tượng, khởi tố 24 bị can về hành vi mua bán trẻ em, trong đó có 10 bị can là người Việt Nam, giải cứu 10 trẻ sơ sinh (bé trai) bị mua bán sang Trung Quốc.

Theo chia sẻ của một điều tra viên thuộc Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC 45), Công an tỉnh Quảng Ninh, để tránh tội danh bắt cóc, bọn buôn người thường cử người săn lùng những phụ nữ có thai nhưng hoàn cảnh khó khăn, muốn cho con. Sau đó, chúng sẽ đứng ra xin đứa trẻ và đưa tiền hỗ trợ. Chính vì vậy những cháu bé ở trong hoàn cảnh này rất khó tìm lại được mẹ ruột.

Vũ Đậu

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news