Tin mới

Viềng

Thứ năm, 16/01/2014, 16:20 (GMT+7)

"Ban đầu, vợ chồng tôi mủi lòng, nghĩ sẽ viết đơn xin giảm tội cho Trâm, nhưng khi nghe tin cô ta mang con đi bán 10 triệu, tôi sốc thêm lần nữa", mẹ bé trai bị bắt cóc nói.

(Tinmoi.vn) Theo quan niệm trong dân gian, chợ Viềng là phiên chợ mà người ta bán đi cái rủi và mua về cái may cho mình. Xuất phát từ tục lấy may đầu năm đó, hàng năm cứ đến mùng 8 tháng giêng âm lịch lễ hội chợ Viềng tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản và thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định lại thu hút hàng nghìn người dân địa phương cũng như du khách thập phương .

'Chợ Viềng năm có một phiên

Để cho trai gái tốn tiền trầu cau"

Câu ca dao cổ lưu truyền từ xa xưa như lời mời gọi du khách gần xa dừng chân du xuân ở Chợ Viềng Nam Định.

Lễ hội Chợ Viềng diễn ra chính thức từ đêm 7/1 âm lịch kéo dài đến đến sáng 8/1 âm lịch và chỉ tổ chức duy nhất một lần trong năm. Vì phiên chợ họp vào thời gian lúc nửa đêm nên Chợ Viềng còn được gọi là "Chợ Phủ" làm tăng mức độ huyền bí và mang đậm yếu tố tâm linh, truyền thuyết của lễ hội cầu may này. Đây là hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng cộng đồng đã có từ rất lâu đời của cư dân vùng đồng bằng sông Hồng, nay đã trở thành nét đẹp trong văn hóa người Việt mà những người đến đây đều cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, may mắn, phát tài phát lộc.

Nam Định vốn có 4 chợ Viềng, chợ  Viềng Phủ Giày (Vụ Bản), chợ Viềng Nam Giang (Nam Trực), chợ Viềng Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng, nằm trong khu vực đền thờ Triệu Quang Phục) và chợ Viềng Mỹ Trung (Mỹ Lộc, nằm ở khu quần thể di tích Đền Trần), mỗi chợ đều có nét độc đáo riêng, nhưng đều tựu chung dưới hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng cộng đồng đầu xuân của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước từ xưa. 

Thu hút đông đảo du khách hơn cả là Chợ Viềng Vụ Bản (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản) và chợ Viềng Nam Trực (Thị trấn Kim Gian, huyện Nam Trực) , hay còn gọi là chợ Viềng Phủ và Viềng Chùa.

Từ xa xưa, cư dân vùng đồng bằng sông Hồng đã đi chợ Viềng để "mua may bán rủi". Người bán thì mang những nông cụ cũ, những đồ cổ... để mong xua đi những rủi ro trong năm cũ. Còn người mua thì đi chợ để mong nhận được những may mắn trong năm mới. Chính bởi quan niệm như thế, nên họ không tính toán lỗ lãi hay mặc cả, người bán không nói thách, người mua không vật nài, mọi việc mua bán đều diễn ra khá nhanh chóng và hoan hỷ.

Đánh đúng vào tâm lý khách hàng hương và quan niệm của người Việt Nam nên lễ hội này đã thu hút được rất nhiều người muốn "cầu may" đầu năm. Theo phong tục người Việt Nam đầu năm là thời gian khởi điểm của cả một năm, nếu "đầu xuôi thì đuôi lọt", cũng chính vì thế nếu đầu năm mua bán, cầu may tức là cả năm sẽ có may mắn. Người đến với Chợ Viềng "tích cực" mua sắm những món hàng phù hợp nhất cho gia đình mình.

Nhưng ngày nay, chợ Viềng đã bị thương mại hóa rất nhiều và ý nghĩa của việc may rủi cũng không còn nguyên vẹn nữa. Mọi thứ đều được nâng lên đặt xuống, ngã giá và mặc cả như những phiên chợ bình thường, không ai sợ "dông", sợ "ế" hàng hay mất may nữa. Nếu ngày xưa, những người nông phu mua nông cụ như liềm, cuốc, thúng mủng… cũ để mong một năm mùa màng bội thu, thì bây giờ, những mặt hàng đó được bán cho cả những người TP hoặc ở quê nhưng không còn dùng đến, với suy nghĩ: "Mua gì ở chợ Viềng cũng may mắn cả".

Chợ Viềng Kim Thái, Trung Thành, Vụ Bản nằm trong quần thể di tích Phủ Dầy, nơi thờ "Mẫu Liễu Hạnh" một trong bốn "Tứ bất tử" của Việt Nam. Đến Chợ Viềng không những sắm sửa vật dụng mà bạn còn được thỏa mãn những ý nguyện tâm linh tại khu thờ tự thiêng liêng Phủ Dày. Đây là khu danh thắng cấp quốc gia gồm 19 di tích lớn nhỏ. Ghé thăm khu di tích cầu mong cho gia đình, những người thân một năm may mắn và Bình An.

Có những người đến Chợ Viềng để mua cây cảnh, cây con, thậm chí mua cái cày, cái cuốc các loại nông cụ trong nông nghiệp được bày bán ở đây. Quan niệm mua đồ liên quan đến việc gì may mắn trong công việc đó nên Chợ Viềng bán đa dạng các mặt hàng, nhìn qua có thể nói là một "siêu thị lớn họp ngoài trời" theo cách nói của du khách nước ngoài.

Đặc sản độc đáo của Chợ Viềng là món thịt bò, thịt bê thui. Các của hàng bán thịt bò, thịt bê san sát nhau trông rất vui mắt. Ai đến Chợ cũng mua vài lạng, thậm chí vài cân thịt về với mong muốn no đủ sung túc cả năm và sự thật món thịt đặc sản của Chợ Viềng rất ngon.

Trong khu di tích Phủ Dầy có rất nhiều người viết chữ nho, thư pháp đầu năm mà bạn không phải mất công kiếm tìm ở một góc nào cả, họ ngồi xếp một hàng dài theo sắp xếp của ban tổ chức lễ hội đem lại sự phục vụ tốt nhất cho du khách.
Lễ hội được tổ chức rất nhiều trò chơi dân gian, nhiều nghệ nhân của Nam Định và nhiều nghệ nhân khác trên khắp mọi miền tổ quốc. Các trò chơi đố vui may mắn, đố vui trúng thưởng được tổ chức bởi các lãnh đạo địa phương và ban tổ chức. Các bạn vừa đi vừa khám phá các trò chơi trên tất cả con đường đi trong Chợ.

Nếu như chợ Viềng Vụ Bản bán nhiều cây giống, cây cảnh và thịt bê thui, thì chợ Viềng Nam Trực lại chủ yếu bán hàng gia dụng, nhiều nhất là đồ cổ. Từ TP.Nam Định đi theo đường 55 khoảng hơn 7 km là tới thị trấn Nam Giang, H.Nam Trực.

Tại đây, hàng trăm sạp hàng đồ cổ, giả cổ với đủ chất liệu gốm, sứ, bạc, đồng, từ những bức đại tự, câu đối, độc bình cao hàng mét, nhỏ có đồng tiền cổ, đến chuỗi hạt, hoa tai, bát, đĩa…

Là phiên chợ cầu may, mỗi người đến đây đều mua một món đồ, nên không chỉ bán đồ cổ và giả cổ, chợ Viềng Nam Trực có đủ loại mặt hàng tạo hứng thú cho người mua.

Tuy nhiên, chợ Viềng Nam Trực còn là sân chơi, giao lưu của dân chơi đồ cổ, tại đây gặp không ít món đồ đắt giá cũng như những người chơi đồ cổ có thâm niên. Các chủ quầy này cho biết tham dự chợ Viềng xuân bán được, mua được hàng là quý, nhưng đấy không phải là điều quan trọng nhất. Cái chính là có cơ hội để những người yêu đồ cổ được gặp gỡ, trao đổi, mừng cho nhau khi mua thêm được món đồ, khoe với nhau khi sưu tầm được một vật quý.

Chợ Viềng xuân là hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng cộng đồng, biểu thị nền kinh tế phồn thực của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Mỗi năm du khách thập phương tới đây ngày một đông hơn, mặc dù phiên chợ đã ít nhiều mang đôi chút tính chất thương mại nhưng ý nghĩa cầu may thì vẫn còn vẹn nguyên.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news