Mới đây trên mạng xã hội đã chia sẻ câu chuyện của một cô gái làm rơi 30 triệu đồng và bị kẻ 'hôi của' nhặt gần hết khiến nhiều người không khỏi bức xúc.
Mặc dù bị dư luận xã hội lên án gay gắt nhưng tình trạng 'hôi của' vẫn tiếp diễn. Do nhiều người thực hiện cùng lúc nên chủ tài sản không đủ khả năng bảo vệ tài sản của mình trước số đông nhiều người.
Trên trang cá nhân, cô gái bị rơi tiền cho biết, khi đang điều khiển xe máy ở phường Tân Hưng, Quận 7, TP HCM thì đánh rơi mất 30 triệu đồng.
Ngay lập tức, hàng loạt người đi đường đã dừng lại và nhặt tiền. Mãi đến một lúc sau, cô gái này mới phát hiện ra mình làm rơi số tiền đó rồi quay lại nhưng đã quá muộn.
"Em bị rớt 30 triệu ở phường Tân Hưng – Quận 7 (TP.HCM). Cô đầu tiên nhặt là cô bán nước gần đó, cô nhặt gần hết số tiền, nhưng cô nói chỉ nhặt được 4 triệu và chỉ trả 4 triệu. Còn những người nhặt khác là người đi đường. Em đã gặp cô bán nước năn nỉ xin lại nói cô trả em hết em gửi tiền hậu tạ phải báo công an thì cô chỉ trả 4 triệu. Sau khi trích lục camera nhà dân gần đó thì được đoạn video này", cô gái kể lại.
Cô gái làm rơi tiền là Bảo Trân (SN 1996, quê Long An). Ngày 28/1, cô có rút tiền 30 triệu từ ngân hàng quận 1 qua quận 7 gặp bạn trả nợ. Do bỏ trong túi áo to và có buộc thun lại nhưng bất cẩn đánh rơi. Lúc đó, có 1 anh chạy xe theo kêu mới biết rớt tiền.
Cũng theo Bảo Trân, số tiền bị mất cô đã dành dụm không dám ăn không dám mặc nửa năm qua, vì năm nay dịch bệnh không làm được tiền toàn lỗ. Giờ mất tiền cô không dám về quê ăn tết nữa, cả gia đình ở quê đang chờ mình mà không biết làm sao.
Chia sẻ với Zingnews, luật sư Trần Thu Nam (Đoàn Luật sư Hà Nội), trong trường hợp giá trị tài sản chiếm đoạt dưới 2 triệu đồng thì người thực hiện hành vi trên sẽ bị xử lý hành chính theo Điểm b Khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013 về vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác.
Theo quy đinh này, người có hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác thì bị xử phạt tiền từ 1-2 triệu đồng.
Về trách nhiệm hình sự, luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng hành vi "hôi của" có thể bị xử phạt theo Điều 176 Bộ luật Hình sự về tội Chiếm giữ trái phép tài sản.
Theo đó, người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10 triệu đến dưới 200 triệu đồng do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Nếu chiếm giữ tài sản trị giá 200 triệu đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia thì bị phạt tù từ 1 đến 5 năm.