Tin mới

Xôn xao lá đơn mẹ xin cho con được học dốt: "Đừng quay lưng với ngành GD"

Thứ năm, 08/09/2016, 12:06 (GMT+7)

Liên quan đến việc một người mẹ viết đơn xin nhà trường cho con được học dốt, TS Nguyễn Tùng Lâm (Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội) cho rằng việc làm của người mẹ là chưa phù hợp, thiếu tích cực.

Liên quan đến lá đơn "kỳ lạ" được cho là của một người mẹ với nội dung xin trường cho con "được học dốt", theo TS Nguyễn Tùng Lâm, nếu sự việc này có thật thì người mẹ đã suy nghĩ chưa phù hợp, thiếu tích cực.

Chỉ ít giờ sau khi đăng tải lên mạng xã hội, lá đơn "kỳ lạ" được cho là của một người mẹ "mong muốn con học dốt" đã nhận được sự chú ý đặc biệt của Cộng đồng mạng.

Theo nội dung lá đơn, ban đầu, cũng như bao phụ huynh khác, người mẹ này mong muốn con luôn là học sinh giỏi. Trong các năm tiểu học và THCS, học sinh này đều đạt thành tích như cha mẹ mong muốn. Nhưng khi vào lớp 10, con không thể giỏi đều các môn mà chỉ học tốt các môn toán, hóa, sinh, các môn khác như văn, sử, thể dục...chỉ đạt điểm 4,5.

Để con có thể đạt loại giỏi tất cả các môn học, không phải xấu hổ khi bạn bè, đồng nghiệp hỏi kết quả học tập của con, người mẹ đã tìm đủ các lớp học cho con. Ngày con học ở trường, tối về học tại trung tâm và cuối tuần học tại nhà thầy.

Tuy nhiên, học nhiều không khiến con của phụ huynh này học khá lên mà thay vào đó là sự mệt mỏi, áp lực. Cuối cùng, con đã tìm đến cách tự tử vì không muốn làm cha mẹ nhục nhã khi không được học sinh giỏi.

Đọc "lá đơn", các cư dân mạng đã có những ý kiến trái chiều. Theo đó, một số ý kiến cho rằng, trong sự việc như đăng tải, lỗi là ở phụ huynh, chính cha mẹ đã gây áp lực cho con trẻ chứ không phải nhà trường. Một luồng ý kiến khác thì cho rằng áp lực học hành hiện nay từ ganh đua điểm số chạy theo cái sĩ diện của phụ huynh khiến gia đình nào cũng muốn con mình hơn người con khác, rồi từ đó bắt con "chạy sô" học thêm giành được vị trí hơn, trội. Luồng ý kiến còn lại thì cho rằng lỗi của cả 2: cả gia đình và xã hội. 

Liên quan đến vấn đề trên, theo TS Nguyễn Tùng Lâm (nguyên Hiệu trưởng THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội; Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội) cho rằng, cách xử lý của người mẹ như trong nội dung "lá đơn" nói trên là không phù hợp, thiếu tích cực.

Theo ông Lâm, sự việc trên thể hiện cha mẹ quá kì vọng vào con cái dẫn đến hậu quả khi đứa trẻ không đạt được như kỳ vọng cha mẹ sẽ dẫn đến tâm lý và hành động tiêu cực.

Vì vậy, "cha mẹ cần thấy được điểm sai của mình là không nên tạo áp lực quá lớn cho con cái trong học hành dẫn con đến hậu quả xấu mà trường hợp trên là một ví dụ", - ông Lâm nói. 

TS Nguyễn Tùng Lâm cũng khẳng định: "Không có chuyện phụ huynh xin cho con được học sinh giỏi hay dốt mà do sự đánh giá quá trình học tập của học sinh trong suốt quá trình học tập".

Để hạn chế những hậu quả tiêu cực có để xảy ra từ áp lực học tập, ông Lâm cho rằng phụ huynh nên phối hợp với nhà trường để quan tâm đến việc học tập của học sinh.

"Người mẹ nên phối hợp với nhà trường, thầy cô để biết được con em mình có trạng thái tâm lí như thế nào, học tốt và kém những môn nào. Những môn các em đã học giỏi có thể để các em phát huy, những môn còn yếu kém thì phải chú ý hơn, nếu giai đoạn đầu em chưa đạt được như ý muốn thì phải chấp nhận vì học tập là một quá trình chứ không phải muốn là được ngay, không phải để khi xảy ra hậu quả thì quay lại với kết quả học tập của con, quay lưng với ngành giáo dục để xin cho con học dốt. Cha mẹ nên để con tự phát huy khả năng của mình, không nên muốn cho con học dốt hay giỏi mà chỉ hỗ trợ và phối hợp để giúp đỡ con ngày một hoàn thiện hơn", Ts Lâm đưa ra lời khuyên.

Lê Vy

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news