Tin mới

Mới nhất vụ bò của lão nông trượt ngã lộ "cây tầm bậy bọc bê tông"

Thứ hai, 05/11/2018, 16:41 (GMT+7)

Nhà thầu đã tiến hành đập ngẫu nhiên 11 thanh giằng bắc ngang mặt kênh S8 để kiểm tra chất lượng.

Nhà thầu đã tiến hành đập ngẫu nhiên 11 thanh giằng bắc ngang mặt kênh S8 để kiểm tra chất lượng.

Thông tin mới nhất trên báo Tuổi Trẻ cho hay sáng ngày 5/11, Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định đã phối hợp cùng cán bộ Sở NN & PTNT Bình Định, nhà thầu thi công cùng đại diện chính quyền, người dân xã Phước Quang... đã tiến hành đập ngẫu nhiên 11 thanh giằng bắc ngang mặt kênh S8 để kiểm tra chất lượng.

Các thanh giằng tại kênh S8 đã được khắc phục sau khi báo chí phản ánh. Ảnh: Lao Động

Qua đập 11 thanh giằng tại các vị trí khác nhau trên toàn tuyến kênh do người dân và đại diện chính quyền địa phương yêu cầu, đoàn kiểm tra đã lập biên bản và xác định trong toàn bộ 11 thanh giằng này, mỗi thanh đều có 4 cây thép phi 8 như thiết kế, không phát hiện lõi gì khác.

Chiều 5/11, Công ty TNHH Khai thác thủy lợi Bình Định sẽ có văn bản chính thức báo cáo vụ việc cho Sở NN&PTNT Bình Định, UBND tỉnh Bình Định.

Ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Bình Định, chủ đầu tư công trình cho biết trên TTXVN, khi nhận được thông tin về vụ việc này, ông cũng rất bất ngờ, bức xúc, từ trước đến nay chưa từng xảy ra vụ việc như vậy.

Hôm nay, đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành đập vỡ để kiểm tra một số thanh giằng bê tông trên toàn tuyến mương. Quá trình kiểm tra 11 trên tổng số 204 thanh giằng bê tông không phát hiện thêm sai phạm.

Ông Phú cho rằng, cây sắt có cốt gỗ kia là trường hợp hy hữu, có thể do nhóm công nhân khi thi công đã làm mất một khung sắt, rồi không dám báo cáo lại nên đã tự tiện thay bằng thanh gỗ.

Còn việc thi công gian dối, rút ruột công trình là không có, giá trị của một bộ khung giằng sắt vào thời điểm đó rất nhỏ, chỉ khoảng 12.000 đồng.

"Hiện thanh giằng có cốt gỗ đã được thay bằng thanh giằng cốt thép theo thiết kế. Chúng tôi sẽ tiếp tục điều tra, kiểm điểm, kỷ luật với những cá nhân, tập thể có liên quan như: phụ trách giám sát, nhà thầu thi công... 

Để xảy ra sự việc này, tôi thấy rất đáng tiếc và muốn gửi lời xin lỗi tới bà con nhân dân. Đây sẽ là bài học kinh nghiệm sâu sắc cho chúng tôi trong quản lý thời gian tới", ông Nguyễn Văn Phú cho biết.

Ngay sau khi sự việc trên được phản ánh, trao đổi với báo Lao động, ông Nguyễn Văn Phú đã cho biết, do công nhân nghịch lấy sắt làm chuyện khác, đến khi thiếu sắt nên mới đưa cây tầm bậy vào.

Trước đó, trong một lần đang cho bò đi uống nước dưới sông lên, một lão nông tại xã Phước Quang đã phát hiện ra những thanh giằng của kênh mương S8 có dấu hiệu lạ.

Lão nông này cho biết, khi con bò của lão đi qua kênh mương và bị trượt chân té xuống mương thì vô tình đạp vỡ thanh giằng tại kênh mương này và lộ ra cây gỗ bọc bê tông.

Khi phát hiện vụ việc, người dân nghi ngờ chất lượng công trình kênh mương thủy lợi S8 khi được thi công bằng "phương pháp"... bê-tông cốt gỗ, ghi nhận trên báo SGGP.

Minh Di (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news