Theo báo cáo của Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm và Thủy sản (Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông) năm 2017 có tới 14/15 mẫu cà phê bột không đạt hàm lượng caffeine so với tiêu chuẩn quốc gia.
Liên quan đến vụ cà phê nhuộm phế phẩm và lõi pin, chiều ngày 20/4, ông Ngô Xuân Lộc, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết UBND tỉnh đã chỉ đạo công an tỉnh này đẩy nhanh tiến độ điều tra, trong tuần tới phải làm rõ mục đích sử dụng sản phẩm làm từ tạp chất cà phê nhuộm than pin.
"Tỉnh đã chỉ đạo rất quyết liệt để bảo vệ sản xuất, nông dân và sức khỏe của người dân, từng bước làm lành mạnh thị trường cà phê" - ông Lộc cho biết.
Ngoài ra, UBND tỉnh Đắk Nông cũng chỉ đạo các sở, ngành liên quan vận động người dân tố giác các cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng chất cấm, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa không bảo đảm chất lượng.
Trong một diễn biến liên quan, UBND tỉnh Đắk Nông cũng ra quyết định khen thưởng đột xuất cho 10 cán bộ, chiến sĩ thuộc Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh Đắk Nông) vì đã có thành tích xuất sắc trong phát hiện vụ việc bắt quả tang cơ sở nhuộm tạp chất cà phê với than pin.
Theo báo cáo của Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm và thủy sản (Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông) cho thấy, trong năm 2017, đơn vị đã tiến hành lấy 15 mẫu cà phê bột tại 4 huyện, thị xã trọng điểm của tỉnh Đắk Nông để phân tích hàm lượng caffeine.
Kết quả phân tích cho thấy, có đến 14/15 mẫu cà phê bột không đạt hàm lượng caffeine so với tiêu chuẩn công bố chất lượng của cơ sở và tiêu chuẩn quốc gia (TCVN 5251:2015), chiếm 93,3%.
Điều đáng lưu ý là trong 15 mẫu thì có đến 11 mẫu kém chất lượng; hàm lượng caffeine của các mẫu chỉ đạt từ 0,06% đến 0,38%. Đặc biệt, có 3 mẫu cà phê bột không phát hiện caffeine, tức không có hàm lượng cà phê.
Theo đánh giá của Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm và thủy sản tỉnh Đắk Nông thì mức độ đảm bảo an toàn thực phẩm của cà phê là “đáng báo động”.
|
Cơ quan công an bắt một cơ sở sản xuất cà phê "bẩn" bằng bột đậu nành và ngô trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Ảnh CAND |
Trao đổi với Đời sống & Pháp lý, ông Quách Đông Nhị, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công thương tỉnh Đắk Nông) thông tin, vào năm 2017 sau khi nhận được tin báo đơn vị đã cử lực lượng kiểm tra phát hiện xe ô con mang vận chuyển 440 gói cà phê bột loại 500g mang nhãn hiệu Chồn Trùng Dương, đang đi giao cho các quán, không có hóa đơn chứng từ.
Trên bao bì sản phẩm ghi địa chỉ ghi sản xuất tại TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) nên đơn vị đã phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường Đắk Lắk xác minh thì nơi chế biến là nhà dân chứ không liên quan đến doanh nghiệp có nhãn hiệu Chồn Trùng Dương. Sau đó, đơn vị đã tiến hành xử phạt12 triệu đồng đối với người lái xe, đồng thời tịch thu tiêu hủy toàn bộ số lượng cà phê trên.
Trả lời câu hỏi của Công an Nhân dân về việc 3 mẫu cà phê bột không có hàm lượng caffeine thì có chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để điều tra làm rõ hay không, ông Nguyễn Văn Chương, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông và lâm thủy sản nói: “Không anh. Cái đó lâu rồi, xử lý hết rồi”.
Còn theo bà Võ Thị Kim Chi, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản thì từ đó đến nay, chi cục chưa thực hiện đợt lấy mẫu cà phê nào khác.
Trong khi đó, ngày 20/4, Văn phòng UBND tỉnh Phú Yên cho biết ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh này, vừa ký quyết định xử phạt 200 triệu đồng đối với Công ty TNHH Hoàng Phú An ở TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên về hành vi sản xuất hàng giả không có giá trị sử dụng, Công dụng theo quy định. Quyết định này còn đình chỉ hoạt động một phần sản xuất của công ty trong 12 tháng và buộc công ty này nộp lại số tiền 39 triệu đồng thu lợi bất hợp pháp từ việc sản xuất hàng giả.
Vợ chồng bà Loan phủ nhận việc nhuộm tạp chất với than pin để chế biến thành cà phê. Ảnh NLĐ |
Báo Pháp luật TP HCM đã trích dẫn phát biểu của ông Nguyễn Văn Chương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Đắk Nông tại hội nghị chuyên đề Quản lý chất lượng an toàn thực phẩm khu vực phía Nam được tổ chức ở TP.HCM ngày 20/4 về vấn đề "cà phê pin".
Ông Chương cho rằng đến thời điểm hiện tại, vợ chồng bà Loan cùng một người khác chỉ khai do cơ sở kinh doanh kém hiệu quả nên đã trộn vỏ cà phê với pin và đá nhuyễn làm giả tiêu hột để xin vay tiền ngân hàng.
Ông Lê Như Hiền, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Nông cho biết, cơ sở của bà Loan hoạt động lén lút, loại hỗn hợp bà Loan pha trộn không bán ra tại thị trường tỉnh Đắk Nông nên đơn vị không thể phát hiện.