Không rút được tiền trợ cấp cho hai vợ chồng sau khi qua 4 ngân hàng một cụ ông đã gục xuống và khóc ngay trước mặt mọi người.
Ông Giorgos Chatzifotiadis đã phải xếp hàng tại ba ngân hàng ở thành phố Thessaloniki, Hy Lạp vào thứ Sáu (3/7) vừa rồi với hy vọng rút được 120 euro (133 USD) tiền trợ cấp cho vợ mình, nhưng vô ích.
Khi nhận được câu trả lời tương tự ở ngân hàng thứ tư, ông đã gục xuống và khóc.
Ông Giorgos Chatzifotiadis khóc khi không thể rút được tiền. (Nguồn: AFP) |
Cụ ông 77 tuổi chia sẻ với AFP rằng ông đã bật khóc vì “không thể chịu đựng được khi thấy đất nước mình trong tình cảnh này.”
“Đó là lý do tại sao tôi cảm thấy buồn bã đến vậy, hơn cả vì những vấn đề của cá nhân tôi,” ông Chatzifotiadis chia sẻ.
Hình ảnh ông ngồi ngoài cửa ngân hàng, khóc trong tuyệt vọng giữa đường phố, sổ tiết kiệm và thẻ căn cước nằm trên mặt đất đã được một nhiếp ảnh gia của hãng AFP chụp lại. Bức ảnh cho thấy những khó khăn mà người dân Hy Lạp đang phải chịu trong cuộc khủng hoảng nợ của nước này.
Kể lại quá trình đi từ ngân hàng này tới ngân hàng khác để rút tiền lương hưu cho vợ mà không có kết quả, ông Chatzifotiadis cho biết khi nhân viên ở ngân hàng thứ tư nói với ông rằng ông không thể rút được tiền, ông đã sụp xuống.
Giống như rất nhiều người ở phía bắc Hy Lạp, cả ông và vợ đã dành vài năm ở Đức, nơi hai vợ chồng từng “làm việc rất chăm chỉ” tại một mỏ than và sau đó là tại một xưởng đúc.
Lương hưu mà ông Chatzifotiadis đang cố gắng đi lĩnh được gửi tới từ Đức - quốc gia bị nhiều người dân Hy Lạp đổ lỗi vì lập trường cứng rắn trong việc yêu cầu chính phủ áp đặt các biện pháp thắt lưng buộc bụng để đổi lấy viện trợ quốc tế mới.
“Tôi đã thấy đồng bào mình đi xin một vài xu để mua bánh mì. Tôi đã thấy có ngày càng nhiều vụ tự tử. Tôi là một người nhạy cảm. Tôi không thể chịu đựng được khi thấy đất nước mình trong tình cảnh này,” ông Chatzifotiadis chia sẻ.
Athens đóng cửa tất cả các ngân hàng hôm 29/6, tuy nhiên hai hôm sau cho phép vài chi nhánh mở cửa lại trong ba ngày để những người hưu trí không có thẻ tín dụng rút lương hưu của họ, với giới hạn là 120 euro.
Các ngân hàng Hy Lạp cho biết họ chỉ còn 1 tỷ euro tiền mặt cho đến hết cuối tuần - tương đương vỏn vẹn 90 euro mỗi đầu người ở đất nước 11 triệu dân này. Cho dù cuộc trưng cầu ý dân ngày 5/7 cho kết quả như thế nào thì các ngân hàng Hy Lạp cũng sẽ phải cần tới sự trợ giúp khẩn cấp của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) vào đầu tuần tới.
Bà Vicky Pryce, cố vấn kinh tế trưởng thuộc Trung tâm Nghiên cứu thương mại và kinh tế, cho rằng một kết quả "không" trong cuộc trưng cầu ý dân tại Hy Lạp sắp tới sẽ khiến tình hình thêm tồi tệ bởi nó gần như đồng nghĩa với việc các ngân hàng phá sản, Hy Lạp rời khỏi Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và hoạt động kinh tế đình đốn nhanh hơn bởi đồng nội tệ drachma khi được lưu hành trở lại sẽ nhanh chóng mất giá.
Theo nhà kinh tế gốc Hy Lạp này, một kết quả "có" sẽ giữ cho các ngân hàng tiếp tục mở cửa và tạo cơ sở cho một thỏa thuận dựa trên thực tế mới của Hy Lạp cũng như bao gồm việc tái cơ cấu các khoản nợ mà mọi nhà kinh tế đều biết là không bền vững.
Bà Pryce đánh giá một kết quả "có" sẽ là ánh sáng cuối đường hầm, còn một kết quả "không" sẽ đẩy Hy Lạp vào nhiều năm khủng hoảng kinh tế.
Thu Trang (tổng hợp)