Theo một số đơn vị truyền thông, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương có 46 người trong biên chế thì có đến 44 người được bổ nhiệm làm lãnh đạo quản lý với chức vụ từ phó trưởng phòng trở lên.
Để làm rõ vấn đề, ngày 22/10, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Nội vụ thực hiện thanh tra công vụ tại Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương về việc bổ nhiệm, đề bạt công chức tràn lan.
Trao đổi bên lề kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cũng thẳng thắn đề nghị làm rõ và quy trách nhiệm cụ thể các cán bộ đã để xảy ra sự việc này.
Theo ông, việc một đồng chí lãnh đạo của Sở Lao động-Thương binh và Xã Hội tỉnh Hải Dương phát biểu việc bổ nhiệm nhiều lãnh đạo là "vì dân," điều đó không thuyết phục được các đại biểu Quốc hội, không thuyết phục được nhân dân và cử tri cả nước.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đang trao đổi với báo chí về công tác cán bộ tại Hải Dương. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+) |
- Thưa ông, việc bổ nhiệm cán bộ ở Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương đã khiến dư luận bức xúc, vậy cá nhân ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Theo tôi, một đồng chí lãnh đạo Sở mà nói bổ nhiệm nhiều lãnh đạo là vì dân thì quả thực tôi không thể hình dung và tôi cũng không biết vì dân là ở lý do gì. Đề nghị, đồng chí lãnh đạo đó trả lời là vì dân ở điểm nào, một cơ quan cũng bằng ấy chức năng nhưng ở Hải Dương lại bố trí khác với các địa phương.
Phải chăng công việc ở Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương nhiều hơn, chức năng, nhiệm vụ nhiều hơn và tôi hỏi đã làm được những gì cho nhân dân ở chỗ đó. Tôi biết, công việc nhiều năm nay ở Sở lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương đã có bê bối, có nhiều sự việc xảy ra kiện tụng, tham mưu cho lãnh đạo địa phương chưa đến nơi đến chốn.
Và bây giờ lại nói là vì dân thì không thuyết phục được các đại biểu Quốc hội, không thuyết phục được nhân dân, cử tri. Tôi cho rằng, việc cán bộ trên trả lời như thế là chưa tròn trách nhiệm của lãnh đạo trước Đảng, nhân dân.
- Qua một số phương tiện thông tin đại chúng, vị lãnh đạo Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương cho rằng việc báo chí đưa thông tin làm cho cán bộ hoang mang, bất an, thậm chí nghỉ việc?
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Tôi cho là lỗi không phải của báo chí mà lỗi là của chính những người lãnh đạo đã đặt các cán bộ của Sở lao động Hải Dương vào những vị trí mà đến bây giờ họ chính là nạn nhân.
Có những người được bổ nhiệm nhưng bị phát hiện như thế thì họ lại là nạn nhân. Những người lãnh đạo đã đặt họ vào những vị trí gây khó cho họ. Do vậy, không nên đổ lỗi cho ai mà những người lãnh đạo làm sai phải nhận lỗi trước Đảng, nhân dân.
Nếu anh chứng minh được có sự chỉ đạo nào đó thì phải rõ ràng, còn trong phạm vi, thẩm quyền của mình thì trước tiên người cán bộ, công chức phải chịu trách nhiệm việc làm của mình. Tôi không tán thành vào việc đổ lỗi cho cơ quan báo chí hoặc các cơ quan khác.
- Nếu nói như vị lãnh đạo Sở này, các cán bộ được bổ nhiệm là các em mới ra trường, nhiệt tình, tâm huyết nhưng lương thấp nên muốn giúp đỡ bằng cách đưa các em lên?
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Người mà không đủ năm công tác, không đủ cống hiến lại cho lương cao thì anh lại tiêu pha thêm tiền của của nhân dân. Như thế thì sao lại nói vì dân được. Ở đây, vì dân là vì cái chung chứ không phải vì những người công tác ở Sở đó.
Tất cả những cán bộ, lãnh đạo đều có trách nhiệm quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, công chức, nhân viên trong cơ quan. Câu chuyện này chúng ta đã bàn nhiều, trong các văn bản của Đảng, Nhà nước nhưng anh không thể quan tâm một cách vô nguyên tắc được.
Không thể vì lương thấp, bổ nhiệm cao, nếu ai cũng làm như thế thì tiền thuế của dân sẽ phải trả vô tội vạ. Tôi cho rằng, phát biểu như thế là không thuyết phục.
- Với quan điểm của ông thì vụ việc như trên cần xử lý và chấn chỉnh như thế nào?
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Tôi thấy qua những phát biểu, báo chí phản ánh thì Đảng bộ, chính quyền Hải Dương cần vào cuộc một cách hết sức nghiêm túc, quyết liệt, thẳng thắn trong vụ việc.
Theo tôi không chỉ ở Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương mà phải rà soát lại tất cả các Sở, ban, ngành khác và đây có thể coi là bài học cho các địa phương trên cả nước nhằm chấn chỉnh lại công tác cán bộ, đây là công tác rất quan trọng của Đảng, Nhà nước nhưng dễ bị lợi dụng, lạm dụng, bẻ cong ảnh hưởng đến bộ mặt của Nhà nước, người dân.
- Với giải thích như thế của vị lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương, có thể coi là cán bộ lãnh đạo quan tâm, thương nhân viên không?
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Vấn đề quan trọng là bất cứ sự vị tha, cao cả nào cũng đều phải có nguyên tắc, bởi mọi nhân viên, cán bộ Nhà nước chỉ được làm những việc mà pháp luật quy định. Quyền hạn, nghĩa vụ đều đã được pháp luật quy định rõ.
Nếu vượt những quy định này thì người đó đã vi phạm pháp luật và không thể nói là lòng vị tha. Lòng vị tha đơn thuần là câu chuyện từ thiện ngoài xã hội chứ không thể sử dụng Từ thiện một cách vô lối được.
- Xin cảm ơn ông./.