Phó bí thư Đảng ủy, Phó chủ tịch UBND, Phó chủ tịch HĐND, Trưởng công an, Chủ tịch hội nông dân, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Quảng Tân, Tuy Đức, Đăk Nông đều dùng bằng cấp 3 giả.
10 cán bộ chủ chốt của một xã sử dụng bằng giả |
Trao đổi trên Vnexpress, ông Trần Đình Mạnh - Bí thư Huyện ủy Tuy Đức (Đăk Nông) cho biết, quá trình rà soát nhân sự cho Đại hội Đảng cấp huyện đã phát hiện 10 cán bộ xã Quảng Tân sử dụng bằng cấp 3 giả. Họ đều giữ các vị trí chủ chốt như: Phó bí thư Đảng ủy, Phó chủ tịch UBND, Phó chủ tịch HĐND, Trưởng công an, Chủ tịch hội nông dân, Chủ tịch Hội phụ nữ….
Vị lãnh đạo huyện ủy cũng cho biết các cán bộ này đều học hết cấp 3 nhưng không thi đỗ tốt nghiệp nên đã nhờ người làm bằng giả.
"Những cán bộ này sử dụng bằng bất hợp pháp, nhưng họ có đóng góp nhiều cho xã trong mấy chục năm qua. Sắp tới, huyện sẽ có hình thức kỷ luật phù hợp và không bố trí họ vào cán bộ chủ chốt của xã, nhưng sẽ vận động họ đi học lại và bố trí một công việc phù hợp", Bí thư huyện hủy huyện Tuy Đức cho biết.
Sau khi vụ việc được phát hiện, những người này tự nguyện rút khỏi Ban Chấp hành Đảng bộ xã và không tham dự Đại hội Đảng bộ xã Quảng Tân nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Theo báo chí phản ánh, đây không phải là trường hợp đầu tiên cán bộ xã sử dụng bằng giả.
Trước đó, ông Mai Xuân Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Huyện ủy Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, 3 cán bộ sử dụng bẳng tốt nghiệp THPT giả là ông Lê Ngọc Kiên (Phó chủ tịch xã Phú Thượng), ông Đào Hữu Truyền (Bí thư Đảng ủy xã Phú Mỹ) và ông Hoàng Công Phương (Phó chủ tịch HĐND xã Phú Mỹ). Trong đó, ông Lê Ngọc Kiên sử dụng bằng giả tới 2 lần.
Bằng tốt nghiệp THPT của ông Lê Ngọc Kiên được cấp năm 2014 là không hợp pháp. Kết quả kiểm tra cho thấy, ông Kiên không tham dự thi tốt nghiệp THPT khóa ngày 2/6/2014 tại tỉnh Thừa Thiên - Huế. Bằng tốt nghiệp THPT của ông Kiên sử dụng không phải do Sở này cấp.
Cũng theo xác minh của trường THPT Phan Đăng Lưu (huyện Phú Vang), trong số 136 học sinh dự thi vào tháng 6/1988 không hề có hồ sơ nào lưu tên Lê Ngọc Kiên từng tốt nghiệp loại khá.
Ông Kiên từng bị kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng và mặt chính quyền vào năm 2013 do sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả (số hiệu 3521306) ghi năm 1988.
Tương tự, bằng của ông Đào Hữu Truyền được cấp vào năm 1998 được xác nhận là giả. Ông Truyền thừa nhận tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm đó ông dự thi tại hội đồng thi huyện Phú Vang nhưng bị trượt.
Sở Giáo dục Thừa Thiên - Huế cũng xác định bằng tốt nghiệp THPT của ông Hoàng Công Phương là bằng giả.
Lê Vy (Tổng hợp)