Theo PGS.TS Văn Như Cương, sự khập khiễng về thành tích của kết quả trên cho thấy việc dạy và học môn Toán ở bậc phổ thông còn mang nặng bệnh thành tích.
Như tin tức đã đưa, trong thời gian qua đội tuyển Toán của Việt Nam đã đạt được thành tích rất cao trong các cuộc thi Toán quốc tế. Mới đây nhất là tại cuộc thi Toán học trẻ quốc tế IMC năm 2015, đội tuyển Việt Nam xếp thứ nhất với 38 huy chương, trong đó có 1 giải đặc biệt Grand Champion, 6 huy chương vàng, 14 huy chương bạc, 17 huy chương đồng và 19 giải khuyến khích.
Tại cuộc thi Olympic Toán Quốc tế năm 2015 diễn ra tại Thái Lan, đội tuyển Việt Nam giành được 2 huy chương vàng, 3 huy chương bạc và 1 huy chương đồng, xếp thứ 5/104 nước tham dự.
Thế nhưng kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2015 thì thí sinh bị điểm liệt môn toán lại có số lượng nhiều nhất với hơn 12.000 em.
Sự khập khiễng về “thành tích” của môn học này giữa các kỳ thi nói trên khiến dư luận hoài nghi về chất lượng dạy và học môn Toán ở các trường phổ thông hiện nay.
Để giải đáp băn khoăn này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Văn Như Cương, Chủ tịch HĐQT trường THCS - THPT Lương Thế Vinh.
VPGS Văn Như Cương: "Dạy và học môn Toán ở bậc phổ thông còn mang nặng bệnh thành tích" |
- PGS đánh giá như thế nào về kết quả của kỳ thì tốt nghiệp THPT năm 2015 với số lượng thí sinh thi trượt là hơn 68.700 em, đặc biệt ở môn thi Toán có tới hơn 12.000 thí sinh bị điểm liệt?
Tỉ lệ thí sinh đậu tốt nghiệp năm nay chỉ có 91% so với năm ngoái là 99%, số lượng thí sinh trượt tốt nghiệp rất lớn, lớn hơn năm ngoái nhiều. Điều này không phải là thí sinh học kém đi mà do nhiều nguyên nhân khác như: có thể năm ngoái đánh giá học sinh chưa đúng, hoặc là năm nay điều khó khăn nhất đối với thí sinh là thi 2 trong 1 là vừa thì tốt nghiệp vừa thi đại học, điều này làm cho học sinh phân tâm và rất khó cho kiểu làm bài... Hai mục tiêu khác nhau mà cùng làm trong một bài như thế thì rõ ràng là không ổn.
Việc học sinh bị điểm liệt môn toán rất nhiều như vậy đó là điều báo động cho chúng ta thấy cái sự học tập ở phổ thông vẫn là căn bệnh giả dối, căn bệnh thành tích, vẫn là bệnh đun lên học cho được cho xong. 60% câu thi toán để chọn tốt nghiệp thì hết sức đơn giản, hết sức nhẹ nhàng mà bị điểm liệt là không thể chấp nhận được. Nhất là con số điểm liệt của ta lại quá cao so với mọi năm.
Phổ điểm môn Toán kỳ thi THPT quốc gia 2015 |
-Một phép so sánh đang dư luận đang đặt ra ở môn Toán là giữa kết quả các thi quốc tế (về nhất cuộc thi Toán học trẻ Quốc tế với 38 giải, đứng thứ 5/104 nước tham dự cuộc thi Olympic toán Quốc tế với 6 huy chương) và con số hơn 12.000 điểm liệt ở kỳ thi THPT quốc gia vừa qua. Phải chăng sự mất cân đối trong phép so sánh trên cho thấy việc đào tạo của chúng ta mới chỉ tập trung ở phần ngọn còn về phần cơ bản thì đang còn là một lỗ hổng lớn?
- Đúng rồi. Trong các kỳ thi quốc tế thì chúng ta phải thừa nhận các em đã đạt được kết quả cao. Nhưng cái kết quả cao ấy chúng ta không thể đánh giá về việc học toán ở nước ta là rất tốt. Chúng ta chỉ thừa nhận rằng cách luyện thi, tuyển chọn của chúng ta cho các em đi thi là chúng ta có kinh nghiệm, làm rất tốt. Thậm chí như có nước Ả Rập mời thầy dạy chuyên toán của ta sang bên đấy để luyện, bồi dưỡng cho các em để đi thi thì mấy năn trước không được giải nhưng mấy năm nay đã có giải.
Các nước đánh giá kỳ thi quốc tế chỉ là trò chơi của trẻ con, các em vui chơi trong một nơi như thế và làm một số bài thi chứ người ta không đặt nặng vấn đề này như một cái gì đó để mà chứng tỏ thực lực hay sự giảng dạy về môn toán của nước này tiến bộ hơn so với nước kia hay là nước này có khả năng vượt trội về môn toán, là một trung tâm toán học... Người ta đánh giá kỳ thi Olympic toán rất thấp, chỉ coi đó như một trò chơi. Các đoàn xếp thứ mấy không phải là đánh giá trong cuộc thi ấy mà là các nước có thứ hạng cao thì mình tự tổng kết lấy rồi xếp thứ hạng. Vậy nên khi chúng ta quan niệm về cuộc thi này đến mức độ nào thì cho thấy chúng ta đã mang bệnh thành tích ở trong đó rồi.
- PGS nhận xét như thế nào về chương trình môn toán và tình hình dạy và học toán ở cấp học phổ thông?
Kết quả kỳ thi tốt nghiệp vừa rồi đã phản ánh rất đúng tình hình học toán nói chung của tất cả học sinh trong toàn quốc cả học sinh THPT và THCS. Ta không thể hiểu nổi một đề thi toán mức độ như thế mà lại có đến mười mấy nghìn điểm liệt. Như nói ở trên, điều này chứng tỏ trong việc dạy chúng ta đang còn tôn học sinh lên, chạy theo thành tích. Học sinh không học được vẫn cho điểm cao, học sinh không lên lớp được vẫn cho lên lớp. Như vậy mới có hiện tượng học sinh lớp 7 mà vẫn không biết viết nổi tên mình.
Thực ra, chương trình học môn toán ở nước ta hiện nay là quá cao, quá sâu, quá chi tiết, thậm chí có nhiều bài tập đánh đố. Khi học với các thầy như thế nhưng khi thi thì những bài đơn giản thì các em lại không làm được
Trong việc học, thi thì học sinh có sự phân hóa về năng lực rất cao, không phải ai cũng có điểm giống nhau. Trong thi cử của chúng ta còn chưa cẩn thận, không chu đáo, dạy với nhiều áp lực khác nhau nên dẫn tới việc kết quả như ngày hôm nay.
- Vậy, làm thế nào để chúng ta vẫn giữ được hành tích tốt trên trường quốc tế mà cái gốc của môn Toán nói riêng, các môn học phổ thông nói chung cũng bền vững thưa PGS?
- Không. Tôi không nghĩ đi thi quốc tế là quan trọng. Để đưa nền giáo dục này tiến lên thì chúng ta hãy xem chuyện đi thi quốc tế là cái chuyện rất nhỏ, có thể tham gia cũng được mà không tham gia cũng được. Nó chỉ là để cho các em vui chơi mà thôi. Còn vấn đề cơ bản nhất là tập trung toàn bộ sức lực để làm như thế nào nâng cao chất lượng giáo dục, để đưa nền giáo dục ở bậc phổ thông trở nên tốt hơn. Đây mới là việc cần làm và bức thiết để thay đổi nền giáo dục chứ đừng quá xem trọng vào việc đi thi quốc tế.
Theo tôi có 2 đề xuất: Một là, chúng ta nên thay đổi lại chương trình sao cho phù hợp với bậc học, nhất là chương trình mới vừa được công bố này thì chúng ta nên giảm bớt những kiến thức vô bổ, những kiến thức hàn lâm.
Hai là, chúng ta nên trở lại với việc học thật sự, đánh giá một cách thật sự. Chúng ta không nên cứ học xong THCS là dứt khoát là phải lên THPT và học xong THPT thì dứt khoát phải vào Đại học. Điều đó là khong bình thường chút nào. Sự học là có nhiều ngã rẽ ngang cho những em có hoàn cảnh khác nhau.Chúng ta nên phát triển những trường học dạy nghề để các em có thể có điều kiện ra đi học, đi làm chứ không để tình trạng bắt buộc phải học như thế này.
Xin cám ơn PGS!
Bảo Linh