Tin mới

Mùa xuân và nước mắt ở "xóm bệnh nhân"...

Thứ hai, 23/02/2015, 15:27 (GMT+7)

Đó là một con ngõ nhỏ nằm trên đường Lê Thanh Nghị, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Chẳng biết từ bao giờ, nơi đây được coi như "quê hương thứ hai" của những bệnh nhân nghèo ở các tỉnh lẻ ra Thủ đô chữa bệnh.

Đó là một con ngõ nhỏ nằm trên đường Lê Thanh Nghị, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Chẳng biết từ bao giờ, nơi đây được coi như "quê hương thứ hai" của những bệnh nhân nghèo ở các tỉnh lẻ ra Thủ đô chữa bệnh.

Họ đông đến nỗi những người bệnh tự bầu ra xóm trưởng, xóm phó và lập hẳn danh sách bệnh nhân để tiện bề thăm hỏi trong cảnh khốn cùng. Rồi đến lúc chẳng may ai đó không qua khỏi cơn bạo bệnh, họ cắt cử nhau đưa người bạn bất đắc dĩ này về quê an táng. Ngày Tết, mọi người ở "xóm bệnh nhân" chia nhau từng lát bánh chưng, từng miếng bánh của những đoàn Từ thiện đến chia sẻ...

Bám víu nhau mà sống

Đối diện cổng bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), phía bên kia đường Giải Phóng có một con ngõ tập trung rất nhiều bệnh nhân quê tỉnh lẻ. Nhìn từ bên ngoài, "xóm bệnh nhân" tồi tàn, nhếch nhác như chính thân phận của những dân quê không được may mắn. Những phòng trọ tầm 5-6m2 nằm san sát, tối tăm, vá chằng vá đụp như thể muốn phô bày hết ra nỗi khổ cực, khốn khó...

Mùa xuân và nước mắt ở ‘xóm bệnh nhân’... - Ảnh 1

Cảnh tồi tàn ở xóm bệnh nhân.

Đi men theo ngõ Cột Cờ, len lỏi qua từng mái nhà tôn lụp xụp, ẩm thấp, rách rưới, chúng tôi bắt gặp một người nhỏ thó, đen nhẻm vừa phát mì tôm vừa tranh thủ hỏi han tình hình sức khỏe của mọi người. Qua cuộc trò chuyện, chúng tôi được biết anh là Mai Anh Tuấn (39 tuổi) - trưởng "xóm bệnh nhân".

Có lẽ, hiếm nơi nào có thể "tập hợp" được nhiều số phận, nhiều bi kịch như ở "xóm bệnh nhân" này. Anh Tuấn vừa lật danh sách từng người vừa nói bằng giọng chua chát: "Hôm nay có 2 bệnh nhân mới chuyển vào, tổng cộng là 128 người. Những người ở đây 100% là nông dân lao động đến từ các tỉnh lẻ, từ vùng đồng bằng như Thái Bình, Nam Định, Hà Nam cho đến các tỉnh miền núi như Yên Bái, Lào Cai... Dân quê vốn nghèo, vốn khổ, cộng thêm bệnh tật tất sinh ra bi kịch thôi".

Mùa xuân và nước mắt ở ‘xóm bệnh nhân’... - Ảnh 2

"Xóm bệnh nhân" tồi tàn.

Không ai nhớ rõ nơi đây trở thành chỗ trú chân của nhiều bệnh nhân như vậy tự bao giờ. Theo ông Nguyễn Văn Tấn (74 tuổi, quê ở xã Thanh Vân, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang), khoảng 17 năm trước, nơi đây chưa có đông bệnh nhân tụ tập nhưng hầu hết là người bệnh nặng. Thỉnh thoảng, mọi người lại xót xa khi thấy có người lẳng lặng về quê chờ chết vì vô phương cứu chữa... Đồng cảnh ngộ với nhau, họ quyết định lập danh sách bệnh nhân để tiện thăm hỏi, động viên, chia sẻ với nhau trong những ngày tháng khốn cùng này.

Anh Tuấn nói thêm: "Mọi người đã vào đây thì đều nghèo cả, nhưng người dân quê sống với nhau bằng tình bằng nghĩa nên khi cần họ sẵn sàng chia sẻ với nhau. Mọi người nhất trí bầu bác Tấn là trưởng xóm, từ đó mới gọi là "xóm bệnh nhân". Hơn một năm trở lại đây, do sức khỏe bác Tấn yếu đi, nên tôi đã làm thay công việc của bác".

Ngậm ngùi khi kể về bản thân, anh Tuấn quê gốc ở Cổ Đô, Ba Vì, Hà Tây cũ (nay thuộc TP.Hà Nội), bị ảnh hưởng của chất độc da cam từ người cha do chiến tranh để lại. Không riêng anh Tuấn mà nhiều người trong nhà đều bị ảnh hưởng do chất độc da cam. Chạy chữa nhiều năm không khỏi, cả gia đình anh dắt díu nhau đến bệnh viện Bạch Mai chạy thận. Cậu con trai may mắn khỏe mạnh, còn anh cứ yếu dần đi mỗi ngày. Vợ anh cũng xin đi bán nước gần bệnh viện Bạch Mai để kiếm thêm tiền chăm nuôi chồng.

Mùa xuân và nước mắt ở ‘xóm bệnh nhân’... - Ảnh 3

Anh Mai Anh Tuấn, Trưởng "xóm bệnh nhân" chia sẻ về tình hình những bệnh nhân trong xóm.

Anh Tuấn bảo, cuộc sống nơi đây như một cái vòng luẩn quẩn cơ cực đến đáng sợ. Có những người là lao động nông thôn lên thành phố bán sức mưu sinh, cuối đời về quê mang theo được ít tiền nhưng người thì đủ thứ bệnh tật. Rồi họ phải quay trở lại Thủ đô chữa trị bệnh. Họ thuê nhà trọ nhỏ hẹp, giá rẻ gần bệnh viện để tiện đi lại chữa trị và mưu sinh hàng ngày. Cái sự tối tăm ấy không của riêng ai mà bao phủ tất cả 128 hộ dân ở xóm bệnh nhân này. Mỗi người mỗi cảnh, sau thời gian điều trị ở bệnh viện, khi về, họ lại lo công việc mưu sinh, chứ chẳng dám nghỉ ngơi.

Người thì chạy xe ôm, người ngồi bán nước, người gồng gánh hàng rong, thậm chí nhiều người còn phải quay lại với những nghề nặng nhọc như phụ hồ, bốc vác...

Xem thêm clip: Nghẹn ngào trong lời tâm sự của những bệnh nhân phong.

Theo chân anh Tuấn, chúng tôi đến thăm bà Dương Thị Hoài (60 tuổi, quê ở xã Tam Thanh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) tại một căn phòng nhỏ cuối xóm. Lúc này, bà Hoài cũng mới trở về sau buổi chạy thận tại bệnh viện và tranh thủ quang gánh hàng rong kiếm thêm đồng tiền thuốc. Người bà xanh lét, chân tay chi chít vết tiêm, vết rạch; đến tiếng thở, chúng tôi cũng cảm nhận được sự khó nhọc, khổ cực trong người phụ nữ này. Nhưng ở xóm bệnh nhân này là thế, họ quen rồi.

Đến như chồng bà Hoài là ông Sự cũng thấy đó là chuyện bình thường. Ở quê, vợ chồng bà làm non mẫu ruộng. Bà biết bệnh từ lâu, nhưng không có tiền đi khám; lần khần đến lúc nặng quá, không cố chịu được nữa mới bán hết thóc lúa để lên đây. Con cái ông bà cũng ba đứa, đủ trai đủ gái, xây dựng gia đình nhưng chúng cũng làm thuê làm mướn cả, không đứa nào giúp đỡ được gì cho ông bà.

Căn phòng tối tăm bên cạnh là nơi ở của bà Bừng. Từ sáu năm nay, bà một thân một mình, chạy thận để duy trì sự sống. Một đời sống tạm bợ chốn phồn hoa, vậy mà ở tuổi xế chiều, bà cũng không có giây phút nào yên. "Đến như cái chỗ nằm xuống khi nhắm mắt, tôi cũng chưa có. Thôi thì cũng cảnh ngộ, mọi người bám lấy nhau mà sống, mà gắng thôi", bà Bừng thở dài ngao ngán.

Chẳng dám mơ ngày về

Ở "xóm bệnh nhân", người già nhất là bà Dư Thị Tân (79 tuổi, quê ở Thái Bình). Ban đầu, chúng tôi còn không tin chuyện một bà cụ gần 80 tuổi mà ngày ngày vẫn đi bộ hàng chục cây số gom nhặt ve chai để nuôi hai đứa cháu. Người bà Tân nhỏ thó, đi lại khó nhọc.

Mỗi ngày, bà đều thức dậy từ lúc 1h sáng, lê la ở các chợ đầu mối để gom nhặt từng tấm bìa các-tông hay cái chai nhựa người ta vứt bỏ. Bà cũng từng có con cái. Hai đứa con trai tưởng là chỗ dựa cuối đời nhưng rồi lần lượt chết vì tai nạn, bệnh tật khiến đôi vai còng càng thêm nặng gánh...

Tình người ở "xóm bệnh tật"

Anh Mai Anh Tuấn (trưởng "xóm bệnh nhân") tâm sự: Khổ cực, đớn đau là vậy, nhưng những người ở cái xóm này rất đoàn kết và yêu thương nhau. Ngày Tết, có người chạy thận đến tận 29 rồi ngày 30 thì bắt xe về nhà; đến mồng 2 Tết lại lên ngay, bệnh này không chạy đều đặn thì bỏ mạng lúc nào không biết". Đầu năm, những người bệnh về quê mang bánh chưng, khoanh giò ra, mọi người chờ nhau đông đủ rồi mới dám ăn. Có người vừa ăn vừa nghẹn, rưng rưng nước mắt.

Tính toán, mỗi ngày nếu khấm khá, bà Tân có thể kiếm được dăm bảy chục ngàn đồng. Tất tật chi tiêu của ba bà cháu đều gói gọn trong đó. Tôi hỏi: "Sao bà cháu không đưa nhau về quê nương tựa họ hàng?". Bà đáp lời gọn lỏn: "Ở quê có lòng, nhưng ai cũng nghèo, nhà nào biết bổn phận nhà đấy, muốn giúp đỡ cũng không giúp được gì. Thôi thì bà cháu cố bám trụ kiếm, được bữa mai lo bữa chiều nhưng còn có cái mà sống qua ngày".

Hai đứa cháu, bà Tân không nhớ tuổi. Chúng cũng chẳng học hành gì và cũng theo bà đi bán hàng rong.

Cuộc sống của những người phụ nữ trẻ nơi đây cũng không kém phần éo le. Như trường hợp của chị Hoàng Thị Hoa (SN 1987, quê Hà Nam), quanh năm ốm đau, nằm viện. Nhiều bộ phận trên cơ thể chị bị phá hủy, người gầy quắt queo. Chỉ còn hai bên bẹn chị là người ta chưa rạch để nối cầu lọc máu.

Anh Tuấn kể: "Trước đó, Hoa lấy chồng và có một cậu con trai nhỏ. Khi đang mang thai cậu con trai nhỏ thì bị suy thận. Chẳng hiểu sao, nhà chồng ép chị phải ký giấy ly hôn, họ hứa sẽ vẫn chăm sóc như con cái trong nhà. Thế nhưng, từ ngày chị Hoa nhập viện, bao lần suýt chết mà có thấy ai đến ngó đâu".

"Ai ốm, ai đau là xóm lại trích quỹ thăm hỏi. Ai ngã bệnh đột ngột, xóm cũng đều cử người đưa đi bệnh viện. Rồi chẳng may ai đó không cầm cự được với sự sống, chúng tôi đều tổ chức viếng và cử người đưa tiễn", anh Tuấn kể với đôi mắt đỏ hoe.

Cuộc sống của những người ở "xóm chạy thận" là vậy, chẳng khác nào cây tầm gửi sống nhờ vậy. Những người bệnh khi đã vào xóm rồi, chẳng ai hy vọng có ngày về cả. Vậy nên, họ càng quý, càng trân trọng quãng thời gian ngắn ngủi mà mình có để sống gần gũi, thương yêu nhau...

Nhật Tân - Phương Phương

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news