Tin mới

Mức lương của cán bộ, công chức sẽ thay đổi thế nào từ tháng 1/2023?

Thứ hai, 02/01/2023, 08:15 (GMT+7)

Mức lương của cán bộ, công chức sẽ có thay đổi như thế nào từ tháng 1/2023, lộ trình cải cách tiền lương trong năm 2023 được duy trì như thế nào trong năm nay là điều mà nhiều người lao động quan tâm.

Sẽ có lộ trình cải cách tiền lương 

Nếu như tính theo hệ số tiền lương đang được áp dụng thì một viên chức sẽ nhận được mức lương thấp nhất 2,011 triệu đồng với hệ số lương là 1,35. Khi lương cơ sở tăng từ ngày 1/7/2023, người này có thể nhận mức lương tối thiểu là 2,43 triệu đồng, chưa kể phụ cấp.

Cụ thể, đối với các cán bộ, công chức nhận hệ số lương là 8, tiền lương cơ bản đang là 11,92 triệu đồng/tháng. Sau ngày 1/7/2023, mức lương thấp nhất người này được nhận là 14,4 triệu đồng.

Do vậy, tùy theo cấp bậc, mức tăng lương sẽ dao động từ 419.000 đồng đến 2,48 triệu đồng. 

Ngoài việc tăng lương cơ sở thì từ ngày 1/7/2023 cũng là thời điểm bắt đầu tăng 12,5% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội cho đối tượng do ngân sách Nhà nước bảo đảm và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp.

Mức lương của cán bộ, công chức sẽ có nhiều thay đổi trong thời gian tới. Ảnh: Internet
Mức lương của cán bộ, công chức sẽ có nhiều thay đổi trong thời gian tới. Ảnh: Internet

Ngoài ra, chính sách mới có hiệu lực trong năm tới là tăng mức chuẩn trợ cấp người có công để bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị và tăng 20,8% mức chi cho các Chính sách an sinh xã hội khác gắn với lương cơ sở.

Hiện nay, mức chuẩn trợ cấp cho người có công là 1,624 triệu đồng/tháng. Sau khi chính sách trên có hiệu lực vào tháng 7/2023, trợ cấp người có công sẽ được đảm bảo không dưới 2 triệu đồng/tháng.

Lý do không tăng lương cơ sở từ ngày 1/1/2023

Trước khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2023, nhiều đại biểu kiến nghị đẩy nhanh mốc tăng lương sớm hơn 6 tháng.

Điều này cũng được lý giải đó là do biến động của Giá cả thị trường, tình trạng lạm phát tăng cao nên cần sớm tăng lương cơ sở để bù đắp trượt giá.

Đây cũng được cho là chính sách giúp giữ chân công chức, viên chức trong bối cảnh hàng loạt cán bộ chuyển từ khu vực công sang khu vực tư trong năm qua.

Nhưng Bộ Tài chính cho rằng thời điểm đầu năm gần với dịp Tết Dương lịchTết Nguyên đán nên nhu cầu mua sắm, sử dụng hàng hóa, dịch vụ của người dân, doanh nghiệp tăng mạnh.

Chính vì thế, Bộ lo ngại việc thực hiện tăng lương từ Ngân sách nhà nước vào thời điểm này để tạo nên sức ép lên điều hành giá cả do tâm lý 'tăng lương' đi kèm tăng giá, từ đó gây ra khó khăn cho kiểm soát và lạm phát. 

Trên thực tế, chính sách điều chỉnh tiền lương cơ sở không ảnh hưởng đến mức lương của người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp. 

Theo điều 13 và 90 của Bộ Luật Lao động 2019 quy định tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả theo thỏa thuận để người lao động thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp và khoản bổ sung.

Do đó, việc điều chỉnh tiền lương cũng sẽ được diễn ra theo kỳ tăng lương hàng năm của các doanh nghiệp, theo quy định trong các hợp đồng hoặc các thỏa thuận khác giữa các cá nhân và tổ chức. 

Trong năm 2022, người lao động cũng đã được thụ hưởng chính sách Tăng lương tối thiểu vùng áp dụng từ ngày 1/7. 

Đây cũng được xem là một trong những nguyên nhân chính khiến cho tiền lương bình quân của người lao động trong năm qua tăng 6-7% so với năm 2012 bất chấp việc kinh tế gặp nhiều khó khăn.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news