Trong giai đoạn 2021- 2023, mức phí trên cao tốc Bắc – Nam sẽ là 1.500 đồng/xe con/km, mỗi 2 năm sẽ tăng 200 đồng/xe/km cho đến giai đoạn 2030 – 2032.
Một năm sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, Bộ GTVT đã có báo cáo về tiến độ triển khai cao tốc Bắc – Nam phía đông với một số điều chỉnh về hướng tuyến và tổng mức đầu tư, theo Dân Trí.
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sẽ kết nối vào dự án cao tốc Bắc Nam được xây dựng trong thời gian tới. |
Sau khi điều chỉnh, chiều dài toàn tuyến cao tốc tăng thêm 3 km, từ 654 lên 657 km. Ngược lại, tổng mức đầu tư được điều chỉnh giảm gần 14.000 tỉ đồng so với bước tiền khả thi. Mức tính toán ban đầu là 118.716 tỉ đồng, giờ còn 105.046 tỉ đồng.
Tổng vốn nhà nước đầu tư vào dự án cũng giảm hơn 4.000 tỉ, xuống còn 50.943 tỉ đồng so với dự kiến 55.000 tỉ đồng ban đầu. Vốn của nhà đầu tư cũng giảm từ 63.716 tỉ đồng xuống còn 54.103 tỉ đồng.
Việc tổng mức đầu tư giảm được gần 14.000 tỉ đồng, Bộ GTVT lý giải là do giảm chi phí dự phòng, thay đổi mức lãi suất vốn vay… so với bước nghiên cứu tiền khả thi.
Theo VnExpress, dự án thu phí theo hướng tăng dần với mức khởi điểm là 1.500 đồng một xe mỗi km, tăng dần lên 2.400 đồng và cao nhất 3.400 đồng.
Về mức giá, cao tốc này sẽ chia làm 4 giai đoạn theo hướng tăng dần với mức khởi điểm là 1.500 đồng một xe mỗi km.
Tuyến cao tốc Bắc – Nam sẽ là trục xương sống đường bộ của đất nước. |
Theo đó, giai đoạn 2021- 2023 giá sẽ là 1.500 đồng/xe con/km, mỗi 2 năm sẽ tăng 200 đồng/xe/km cho đến giai đoạn 2030 – 2032; sau đó sẽ tăng 300 đồng/xe/km mỗi 2 năm, lên mức 2.400 đồng/xe/km vào giai đoạn 2033 – 2035; đến 2042- 2044, mức giá sẽ là 3.400 đồng/xe con/km.
Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh, cơ quan này đã nghiên cứu kỹ lưỡng, tính toán lựa chọn mức giá phù hợp cho giai đoạn khởi điểm cũng như các thời kỳ trong cả vòng đời dự án. Mức giá này cũng được cho phù hợp với khả năng chi trả của người dân, bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh, lợi nhuận của nhà đầu tư và lợi ích của Nhà nước.
Dự án đầu tư cao tốc Bắc Nam gồm 11 dự án thành phần. Theo báo cáo của Chính phủ, kế hoạch phân vốn trái phiếu Chính phủ là 80.000 tỷ đồng, trong đó dành 70.000 tỷ đồng cho dự án giao thông và 10.000 tỷ dự án chống ngập TP. HCM. Trong 70.000 tỷ thì đưa vào dự án cao tốc Bắc Nam 55.000 tỷ, còn lại để xử lý cầu yếu đường sắt và các vấn đề cấp bách khác.
Trang Vũ (Tổng hợp)