Bất chấp những tai tiếng nhiều nữ sinh đã không ngần ngại làm các công việc cho thuê da, tóc… thậm chí phơi thân để kiếm sống.
Tất cả các công việc kể trên đều được cánh nữ sinh gọi chung là nghề làm mẫu. Song, chỉ có người trong cuộc mới hiểu, mỗi công việc đều có những góc khuất.
Phá hủy dung nhan với việc cho thuê da, tóc…
Phương Hồng, sinh viên trường cao đẳng Du lịch từng có hơn một năm làm nghề mẫu tóc cho biết, cô đã bỏ nghề sau một lần dị ứng với thuốc nhuộm.
Hồng kể, nhờ một người bạn giới thiệu, cô bắt đầu biết đến công việc làm mẫu tóc từ hồi học năm nhất. Theo Hồng, công việc này không đòi hỏi trình độ, chỉ cần cao ráo, gương mặt ưa nhìn, biết tạo dáng chụp ảnh và đặc biệt là luôn chấp nhận hy sinh để các nhà tạo mẫu thỏa thích cắt, tỉa theo ý họ.
Ban đầu Hồng làm mẫu tóc cho các trường dạy nghề. Khi có nhiều mối, cô bắt đầu chuyển sang làm mẫu cho các quán cắt tóc để họ chụp hình, quảng bá trên mạng xã hội. Hồng chia sẻ: “Có lần đi làm mẫu cho một tiệm cắt tóc tại đường Hồ Tùng Mậu, mình được chủ quán trả 800.000 đồng cho hai tiếng làm việc, chưa kể tiền bo và được làm lại một kiểu đầu miễn phí theo yêu cầu”.
Nhưng không phải lần nào cũng suôn sẻ như thế. Có lần làm mẫu tóc cho một thợ mới học việc trên đường Hoàng Hoa Thám, mái tóc dài của Hồng đã biến thành một kiểu đầu chỉ dành cho nam giới. Sau tai nạn đó, Hồng đã được người này trả công cao, khoảng 600.000 đồng cho một tiếng làm mẫu để bù đắp tổn thất. “Việc cũng đã rồi nên mình đành cầm tiền” – Hồng tâm sự.
Một lần làm mẫu cho một tiệm cắt tóc gần trường đại học Ngoại thương, cô bị dị ứng với thuốc nhuộm. “Ngay khi mới nhuộm, mình đã cảm thấy bỏng rát. Sau khi gội đầu, mình thấy vùng da đầu bị tê. Hỏi chủ quán thì họ nói không sao. Đó là do họ pha thuốc hơi nhiều”.
Hôm sau ngủ dậy, Hồng thấy nước mắt chảy ra, mặt nổi đầy mụn, hai tai chảy nước, ngứa ngáy, khó chịu. Cô đến bệnh viện Da liễu khám thì biết, nguyên nhân là do mình dùng phải thuốc nhuộm rởm nên bị dị ứng. Sau lần ấy, nữ sinh đã từ bỏ nghề làm mẫu tóc và không bao giờ nghĩ đến chuyện quay lại.
Thu Hà, sinh viên đại học Đại Nam cũng từng vấp phải tình trạng tương tự. Công việc của Hà là ăn mặc mát mẻ, bôi các loại kem dưỡng da, kem chống nắng để chụp ảnh quảng cáo cho các thương hiệu mỹ phẩm. Cô cho biết, nghề này lương cao, chỉ cần làm 1-2 tiếng đã được trả vài trăm nghìn.
Tuy nhiên, có lần làm mẫu cho một sản phẩm kem chống nắng, Hà bị dị ứng, khắp người mẩn đỏ, da mặt nổi nhiều mụn. “Sau lần đó mình phải tìm đủ cách chữa trị. Tiền thuốc thang cao gấp mấy lần tiền thù lao”.
Bất chấp rủi ro, nhiều nữ sinh vẫn lao vào nghề khoe thân bởi mức thu nhập “khủng” của nó.
Kiếm được đồng tiền không hề dễ
Nhờ ngoại hình ưa nhìn, Ngân, sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm, thường được các chủ cửa hàng quần áo thuê chụp ảnh quảng cáo các mẫu quần áo mới. Ngân cho biết, khi quen việc, được nhiều người biết đến, cô chỉ nhận lời làm cho các cửa hàng quần áo lớn với thù lao gần 1 triệu đồng/ngày làm 8 tiếng. “Đó là còn chưa kể tiền bo và được tặng kèm một bộ cánh mới. Nếu chụp hình cho các cửa hàng áo tắm, thù lao còn cao hơn gấp rưỡi” – Ngân kể.
Một lần, Ngân cùng một người bạn nhận lời đi chụp hình cho một cửa hàng chuyên bán áo tắm tại bãi biển Sầm Sơn. Lúc chụp hình giữa trời nắng nóng ở bãi biển, ông chủ mang đến một chai nước cam ép, mời Ngân uống. Sau khi uống, Ngân cảm thấy chóng mặt và thiếp đi lúc nào không hay. Khi tỉnh lại thì chuyện xấu nhất đã xảy ra.