Theo chuyên gia tâm lý, cần phải trang bị cho trẻ kỹ năng giữ được bình tĩnh để xác định xem mình đang ở mức độ nguy hiểm nào. Nếu mục đích của chúng chỉ là tiền thì trẻ có thể đưa là lời hứa để làm chúng "yên lòng", không có hành vi manh động ảnh hưởng đến an toàn tính mạng.
Những vụ bắt cóc rúng động dư luận
Mới đây nhất, dư luận rúng động vụ nam sinh lớp 5 tại Bình Thuận bị bắt cóc, sát hại và tống tiền.
Cụ thể, vào chiều 4/4 khi gia đình phát hiện cháu P.N. đi học võ nhưng không về nhà như thường ngày. Đêm cùng ngày, người nhà bé P.N. nhận tin nhắn đòi tiền chuộc, dọa sẽ giết bé nếu sự việc bị báo đến công an.
Kẻ tống tiền nhắn với gia đình nạn nhận mang tới một quán ăn ở thị trấn Liên Hương số tiền 60 triệu đồng nộp trước (trong tổng số 200 triệu đồng mà kẻ tống tiền yêu cầu), rồi con tin sẽ được thả ra tại một nơi gần chỗ giao tiền.
Gia đình nạn nhân đem 60 triệu đồng đến chỗ hẹn để đó, tuy nhiên khi đến chỗ hẹn trả con thì vẫn không thấy cháu P.N.
Đến sáng sớm ngày 5/4, gia đình nạn nhân tiếp tục được yêu cầu mang thêm 160 triệu đồng đến TP Phan Thiết chuộc con. Tuy nhiên khi gia đình đến Phan Thiết thì lại tiếp tục không liên lạc được với kẻ tống tiền.
Trong thời gian chờ tống tiền, do N. khóc lóc, la hét, sợ bị lộ nên kẻ bắt cóc đã giết nam sinh và chôn tại khu vực gần bờ biển.
Trước đó, một học sinh tại TP.HCM cũng bị đối tượng lạ bắt cóc nhưng đã may mắn thoát khỏi tay kẻ bắt cóc nhờ sự nhanh trí.
Theo đó, khoảng 16h15, ngày 5/3, trong lúc chờ phụ huynh đến đón về, Tuấn xin phép bảo mẫu ra ngoài đi vệ sinh và được sự đồng ý. Tại nhà vệ sinh, Tuấn bị một người đàn ông đưa cho bé một thanh kẹo cao su. Sau khi ăn xong, Tuấn đi theo đối tượng lạ mặt ra khỏi trường.
Đến 16h30, mẹ của Tuấn tìm đến trường để đón con về thì bảo mẫu cho biết bé ra ngoài đi vệ sinh và đang bỏ lại cặp xách bên trong lớp học. Liền đó, mẹ nạn nhân đi ra nhà vệ sinh tìm kiếm nhưng không thấy con mình ở đâu. Nghi có chuyện bất thường xảy ra, nhà trường và phụ huynh chia nhau đi tìm kiếm khắp ngõ ngách trong trường, tuy nhiên vẫn không thấy bé đâu.
Tuy nhiên, nhờ nhanh trí, Tuấn đã thoát khỏi tay kẻ bắt cóc. Sau khi bị dụ ăn kẹo, cháu mơ màng và bị đối tượng đưa đi. Khi di chuyển đến khu vực gần khách sạn Rạng Đông thì Tuấn phát hiện mình bị người lạ chở đi nên đã nhảy khỏi xe tháo chạy.
"Để thoát khỏi kẻ bắt cóc, trẻ em phải bình tĩnh"
Theo TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng trẻ cần được trang bị những kỹ năng cần thiết để thoát hiểm từ khi bắt đầu đi học.
TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Internet |
"Một là, không đi chơi về muộn. Hai là, không đi vào những khu vực vắng người. Ba là, không đi theo người lạ. Thứ tư, không dùng bất cứ thứ gì người lạ đưa cho", bà Hương nêu ra các kỹ năng giúp trẻ không bị bắt cóc.
Cũng theo bà Hương, trẻ rất biết và rất thuộc những kỹ năng này nhưng nói lý thuyết rất khó để có thể áp dụng vào thực tế. Vì vậy, nhà trường phải xây dựng những tình huống cho các cháu áp dụng thực tế ngay trong lúc đang học để trẻ hình thành việc đó như một phản xạ có điều kiện.
"Bố mẹ và nhà trường phải liên tục tạo ra các tình huống giả định để các cháu tập thoát ra, làm điều đó để khi các cháu gặp những trường hợp có thật, các cháu sẽ rất bình tĩnh để tìm cách thoát ra vì các cháu đã được thực hành rất nhiều lần rồi", bà Hương đưa ra gợi ý.
Nói về vụ việc nam sinh lớp 5 ở Bình Thuận đã bị giết vì khóc lóc, la hét khi bị bắt cóc. Bà Hương lưu ý: "Điều đặc biệt quan trọng khi bị bắt cóc là trẻ cần phải hết sức bình tĩnh để xác định xem mình đang ở mức độ nguy hiểm nào, xem những kẻ bắt cóc đó họ muốn gì, nếu mục đích của chúng chỉ là tiền thì chỉ cần một lời hứa của đứa trẻ cũng làm bọn chúng yên tâm và bản thân em bé không bị đe dọa tính mạng".
Đó chỉ là điều đầu tiên khi bị bắt, sau đó, "trẻ cũng cần có những kỹ năng để thoát khỏi tay kẻ bắt cóc như chờ lúc chúng sơ hở để bỏ trốn, có thể kêu cứu hoặc ra ám hiệu với những người xung quanh trong trường hợp việc làm lúc đó có lợi cho các em", TS Hương chia sẻ.
Lê Vy