Tin mới

Nạn "sính" bằng cấp sẽ thoái trào nhường đường cho thực lực

Chủ nhật, 17/05/2015, 08:34 (GMT+7)

Thế nào là thành công? Thành công là kiếm được nhiều tiền, thu được nhiều lợi nhuận hay thành công là kiếm được một công việc mà nhiều người mơ ước?...

Thế nào là thành công? Thành công là kiếm được nhiều tiền, thu được nhiều lợi nhuận hay thành công là kiếm được một công việc mà nhiều người mơ ước?...

Liên quan đến vấn đề thành công và thành danh, coi trọng bằng cấp hay coi trọng thực lực, PV báo ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với Th.S Đồng Đức Duy, giảng viên đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh - đại học Thái Nguyên.

Nạn

Th.S Đồng Đức Duy, giảng viên đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh - đại học Thái Nguyên.

 - Theo ông, bằng cấp có thực sự cần thiết trong xã hội? Bằng cấp là thước đo của sự thành công trong tương lai? 

Dưới góc độ của một người làm việc trong lĩnh vực đào tạo, tôi cho rằng sự cần thiết của bằng cấp còn phụ thuộc vào từng khối ngành. Ngoài ra còn phải xét đến quan niệm về thành công của mỗi người. Thế nào là thành công? Thành công là kiếm được nhiều tiền, thu được nhiều lợi nhuận hay thành công là kiếm được một công việc mà nhiều người mơ ước?... 

Đối với những khối ngành đặc thù như ngành y, ngành luật thì rất cần đến bằng cấp. Đặc biệt, ngành y là ngành ít có tiêu cực trong đào tạo nhất hiện nay. Bằng cấp là điều kiện tiên quyết để chứng minh bác sỹ có đủ chuyên môn có thể khám và cứu chữa bệnh nhân được hay không. Tương tự như vậy, một người có hiểu biết thực sự thì mới trở thành luật sư (luật sư giỏi) được. 

Bên cạnh đó, cũng có không ít những khối ngành cần kinh nghiệm thực tiễn hơn là bằng cấp. Tôi lấy ví dụ từ trường hợp bạn tôi, một người được gia đình tạo điều kiện tốt nhất trên con đường học vấn nhưng lại có quyết định có phần "điên rồ" là bỏ học ở thời điểm gần thi tốt nghiệp. 

Hiện tại, bạn tôi đang sở hữu một chuỗi cửa hàng kinh doanh bánh mì có lượng khách ổn định và một Beer Club khá nổi tiếng ở Phố Cổ. Nhìn nhận theo chiều hướng khách quan, ngoài tạo ra nguồn lợi nhuận mỗi tháng, việc kinh doanh thuận lợi của anh bạn này còn tạo ra rất nhiều công ăn việc làm, tăng nguồn thu của Nhà nước qua đóng thuế... 

- Vậy ông có suy nghĩ gì về những người đã đi lên từ hai bàn tay trắng, làm giàu thành công mà không cần đến bằng cấp? 

Đó là những tấm gương đáng được tôn vinh và coi trọng. Trên thế giới cũng có rất nhiều người đạt được đỉnh cao về sự nghiệp mà không cần tới bằng đại học, hầu hết đều có kiến thức nền tảng để tạo dựng sự nghiệp, để theo đuổi mục tiêu trong từng giai đoạn. Trên hết, họ có nỗ lực và ý chí phi thường, cũng như niềm đam mê bất tận với công việc của mình Vậy tâm lý trọng bằng cấp, đặc biệt là sính bằng ngoại đã đem đến những hệ lụy nào? 

Tâm lý trọng bằng cấp đã sản sinh ra rất nhiều hệ quả tiêu cực. Cứ đến gần mùa thi đại học, tỷ lệ học sinh nhập viện do mắc các bệnh tâm thần lại tăng cao. Áp lực thi cử đè nặng lên đôi vai học trò được tạo nên bởi tâm lý “đại học là con đường duy nhất để dẫn đến thành công” của các bậc phụ huynh. 

Tới lúc vào đại học rồi thì ai ai cũng muốn mình tốt nghiệp với một tấm bằng khá, giỏi, xuất sắc trên tay. Từ đó nạn thi thuê, chạy điểm, làm bằng giả... mỗi lúc một tràn lan, diễn biến phức tạp hơn. Bằng cấp chỉ có giá trị trong trường hợp nó đánh giá đúng năng lực thật sự của người sở hữu nó. 

Ngược lại, nếu bằng cấp không có giá trị phản ánh năng lực của con người, hậu quả lớn nhất mà xã hội phải gánh chịu chính là việc bỏ qua những người có khả năng và kinh nghiệm làm việc nhưng lại sở hữu một tấm bằng không mấy giá trị và thu nhận những người không có năng lực nhưng lại có “tài” chạy chọt bằng cấp trong quá trình tuyển dụng nhân tài. 

- Theo ông bao giờ thì tâm lý sính bằng cấp mới thoái trào? 

Bản thân văn hóa Việt là một nền văn hóa trọng danh, người xưa có câu: “Đem chuông đi đánh xứ người, không kêu cũng đánh ba hồi lấy danh”. Cho nên tư tưởng coi trọng bằng cấp vốn ăn sâu vào ý thức hệ không phải một sớm một chiều mà thay đổi được. 

Tuy nhiên, xã hội hiện đại luôn coi trọng những người lao động chân chính, có thực lực, có kinh nghiệm, kỹ năng phù hợp với nghề nghiệp của mình. Một “sản phẩm” méo mó, yếu kém về nghiệp vụ chuyên môn sớm muộn cũng sẽ bị đào thải mà thôi. 

Xin cảm ơn ông! 

Câu nói nổi tiếng của những tỷ phú từng bỏ học 

"Vấn đề của xã hội hiện nay là mọi người vẫn giữ quan điểm sai lầm rằng ai cũng phải vào đại học". Peter Thiel, đồng sáng lập PayPal và từng đỡ đầu cho Facebook

“Tất cả những đồng tiền tiết kiệm của cha mẹ tôi – những người thuộc tầng lớp lao động bình dân, đều được dồn để chi trả học phí ở trường đại học… Và tại đây, tôi chỉ biết phung phí những đồng tiền mà cha mẹ tôi dành dụm cả đời mới có được. Vì vậy, tôi quyết định bỏ học và tin rằng mọi thứ sẽ tốt cả thôi”. Steve Jobs, cố lãnh đạo Apple, đọc diễn văn tại trường đại học Stanford. 

"Tôi là một người gây ảnh hưởng xấu. Đó là lý do tại sao tôi được mời đến dự lễ tốt nghiệp của các bạn. Nếu tôi phát biểu tại lễ nhập học của các bạn, có lẽ số người dự buổi lễ tốt nghiệp hôm nay sẽ ít hơn". Bill Gates, người sáng lập tập đoàn Microsoft, phát biểu tại lễ phát bằng của đại học Harvard. 

Nhóm phóng viên

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news