Tin mới

Nâng tuổi nghỉ hưu vì lo vỡ quỹ BHXH

Thứ năm, 18/01/2018, 09:17 (GMT+7)

Đại diện Bộ LĐ-TB-XH cho rằng đã có nhiều tính toán và khuyến nghị cần phải nâng mức tuổi nghỉ hưu để đảm bảo cân đối quỹ BHXH trong thời gian dài hạn.

Đại diện Bộ LĐ-TB-XH cho rằng đã có nhiều tính toán và khuyến nghị cần phải nâng mức tuổi nghỉ hưu để đảm bảo cân đối quỹ BHXH trong thời gian dài hạn. 

Người lao động cho hay theo đề xuất của Bộ LĐ-TB-XH, kể từ ngày 1/1/2021 sẽ bắt đầu thực hiện theo lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu trong dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi theo hướng nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Đề xuất này gây nhiều sự chú ý dư luận.

Đại diện Bộ LĐ-TB-XH cho rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu là nhằm tránh nỗi lo vỡ quỹ BHXH. Ảnh: Thanh Niên

Liên quan đến vấn đề này, ông Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ LĐ - TB- XH cho rằng tuổi nghỉ hưu như hiện hành (nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi) đã được quy định từ năm 1961. Hơn 50 năm qua, không hề điều chỉnh Chính sách về tuổi nghỉ hưu.

"Đối với các nước cũng đã thực hiện nâng dần tuổi nghỉ hưu, nhiều nước đang thực hiện nghỉ hưu ở độ tuổi 65, 67. Chúng ta cũng mong muốn thu hẹp khoảng cách nghỉ hưu của nam và nữ, đây cũng là hướng đến việc không phân biệt đối xử về giới" - Thứ trưởng Diệp nói.

Ông cho biết đã có rất nhiều tính toán, khuyến nghị của các tổ chức quốc tế rằng để bảo đảm cân đối quỹ BHXH trong dài hạn thì cần phải nâng tuổi nghỉ hưu.

Ông Diệp nhấn mạnh cần phải nhìn vào thực tế để nhận thấy sự cần  thiết của việc nâng tuổi nghỉ hưu, đó là vì dân số Việt Nam đang già hóa. Trước đây, mỗi năm có khoảng từ 1,5-1,7 triệu lao động tham gia vào thị trường lao động nhưng hiện nay chỉ còn 800.000-900.000 người, trong tương lai giảm nữa.

Liên quan đến đề xuất phương án nâng tuổi nghỉ hưu, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho hay có nhiều phương án được tính toán. 

Trong đó, có 2 phương án được đưa vào dự thảo Bộ Luật lao động sửa đổi. 
Theo 2 phương án này, từ ngày 1/1/2021, cứ mỗi năm tăng thêm 6 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi sẽ dừng. Về lâu dài có thể nâng tuổi nghỉ hưu lên 65. Phương án 2 là từ thời điểm trên, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi sẽ dừng.

Trong đó, liên quan đến đối tượng nghỉ hưu, ông Diệp khẳng định không phải áp dụng đại trà mà chỉ tính toán và áp dụng theo một số đối tượng, ngành nghề. 

"Tăng trong dự kiến có ngành nghề, người lao động sẽ nghỉ hưu cao hơn 60 tuổi (đối với nữ) hay 62 (đối với nam) như lao động có trình độ, chuyên môn cao. Tuy nhiên, cũng có lĩnh vực, ngành nghề, người lao động sẽ nghỉ hưu thấp hơn như những ngành nghề lao động nặng nhọc, độc hại. Sự chênh lệch không quá 5 năm so với quy định" - ông Diệp giải thích.

Cũng theo đại diện Bộ LĐ-TB-XH, theo chỉ đạo của Chính phủ, sắp tới Bộ này sẽ phối hợp cùng với các bộ ngành đánh giá lĩnh vực lao động chất lượng cao, đòi hỏi kinh nghiệm, kỹ năng để quyết định ngành nghề nào kéo dài tuổi nghỉ hưu cao hơn.

Vietnamnet cũng cho biết trong hội nghị tổng kết công tác Lao động - người có công và xã hội 2017 do Bộ LĐ-TB-XH tổ chức sáng ngày 17/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến và chỉ đạo hội nghị. 

Liên quan đến vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu trong sửa đổi Bộ luật Lao động, Thủ  tướng cho rằng nhiều ý kiến cho rằng tuổi thọ trung bình của người Việt đã tăng lên 73-74 tuổi, nhưng vẫn để tuổi nghỉ hưu với nữ là 55, nam là 60 liệu còn hợp lý, có gây mất cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội?

"Do vậy, Bộ LĐ-TB&XH cần tính toán tuổi nghỉ hưu hợp lý để đảm bảo ổn định Quỹ BHXH và đời sống người lao động, khả năng chi trả của doanh nghiệp..."- Thủ tướng chỉ đạo.  

Hồng Hạnh (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news