Tin mới

Nếu ông Trịnh Xuân Thanh trốn ra nước ngoài, Interpol sẽ truy nã?

Thứ bảy, 17/09/2016, 20:01 (GMT+7)

Trong trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh trốn ra nước ngoài, thì Cảnh sát Việt Nam sẽ gửi Lệnh truy nã ông Thanh đến Văn phòng Interpol Việt Nam. Văn phòng Interpol Việt Nam sẽ đề nghị Ban Tổng thư ký tổ chức Interpol ra quyết định truy nã quốc tế với ông Thanh.

Trong trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh trốn ra nước ngoài, thì Cảnh sát Việt Nam sẽ gửi Lệnh truy nã ông Thanh đến Văn phòng Interpol Việt Nam. Văn phòng Interpol Việt Nam sẽ đề nghị Ban Tổng thư ký tổ chức Interpol ra quyết định truy nã quốc tế với ông Thanh.

Thông tin trên được luật sư Tạ Anh Tuấn - Trưởng Văn phòng luật sư Bách Gia Luật và Liên danh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) trả lời PV báo Dân Trí vào ngày 17/9.

Cụ thể, theo luật sư Tuấn, khi Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an ra quyết định truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh, nếu có căn cứ xác định ông Thanh đã bỏ trốn ra ngoài lãnh thổ Việt Nam thì Cơ quan CSĐT sẽ gửi Lệnh truy nã này đến Văn phòng Interpol Việt Nam (C55) trực thuộc Tổng cục Cảnh sát.

Văn phòng Interpol Việt Nam là cơ quan đầu mối trong hợp tác quốc tế phòng, chống tội phạm của lực lượng Cảnh sát Việt Nam với Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol). Văn phòng Interpol Việt Nam sẽ đề nghị Ban Tổng thư ký tổ chức Interpol ra quyết định truy nã quốc tế ông Trịnh Xuân Thanh.

Ông Trịnh Xuân Thanh. Ảnh báo Tuổi Trẻ

Trả lời PV báo Người Đưa Tin, luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng VPLS Nguyễn Anh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho hay, theo các nguyên tắc hoạt động của Interpol, dẫn độ tội phạm được thực hiện theo các Điều ước quốc tế đa phương hoặc song phương nhưng trình tự, thủ tục dẫn độ tội phạm lại tuân theo quy định của pháp luật quốc gia được yêu cầu dẫn độ và pháp luật quốc gia yêu cầu dẫn độ.

Mỗi quốc gia đều có các quy định về dẫn độ tội phạm. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành luật riêng về dẫn độ tội phạm. Nội dung của luật quy định cụ thể về trình tự, thủ tục dẫn độ tội phạm. Đối với VN, việc dẫn độ được thực hiện theo tinh thần của luật Tương trợ tư pháp 2007.

Theo luật sư Thơm, trong trường hợp Việt Nam chưa kí kết hoặc chưa gia nhập các Điều ước quốc tế liên quan thì vấn đề dẫn độ tội phạm có thể được thực hiện theo sự thoả thuận giữa hai chính phủ, trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái với pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế và tập quán quốc tế.

"Nếu đối tượng bị bắt giữ theo Lệnh truy nã quốc tế của Interopl Việt Nam tại một quốc gia trên Thế giới thì sẽ phải được thực hiện việc dẫn độ theo qui định của pháp luật nước sở tại trên cơ sở yêu cầu dẫn độ của Bộ Công an Việt Nam.

Việc dẫn độ theo yêu cầu của Việt Nam sẽ được căn cứ vào Công hàm đề nghị dẫn độ và Hồ sơ pháp lý liên quan đến hành vi phạm tội của ông Trịnh Xuân Thanh tại Việt Nam như: Quyết định khởi tố vụ án hình sự, Quyết định khởi tố bị can, Quyết định truy nã bị can và các tài liệu, chứng cứ khác chứng minh hành vi phạm tội mà đối tượng đã thực hiện.

Trên cơ sở yêu cầu dẫn độ của Công An Việt Nam, quốc gia bắt giữ đối tượng sẽ đưa ra xem xét yêu cầu dẫn độ bằng một phiên tòa hình sự hoặc một phiên họp theo qui định của pháp luật quốc gia. Tòa án quốc gia nơi bắt giữ đối tượng sẽ là Cơ quan ra Quyết định về việc dẫn độ về Việt Nam", luật sư Thơm nêu giả thiết.

Cũng theo luật sư Thơm, nếu đối tượng tẩu tán tài sản ra nước ngoài thì Việt Nam vẫn có thể thu hồi.

Trước đó, vào 22h đêm 16/9, Cơ quan cảnh sát điều tra (C46) Bộ Công an chính thức phát thông báo truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế với bị can Trịnh Xuân Thanh.

Ngày 16/9, Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can số 363/C46(P12) đối với Trịnh Xuân Thanh về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (quy định tại điều 165 Bộ luật hình sự); đồng thời ra lệnh bắt tạm giam và lệnh khám xét đối với Trịnh Xuân Thanh.

Tuy nhiên, sau khi xác định bị can Trịnh Xuân Thanh đã bỏ trốn, căn cứ các điều 34, 82, 161, 169, 187, 256 và 260 Bộ luật tố tụng hình sự, Cơ quan cảnh sát điều tra ra quyết định số 19/C46-P12 truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh, thông tin truy nã cụ thể như sau:

Họ tên: Trịnh Xuân Thanh. Giới tính: Nam. Sinh ngày 13-2-1966 tại Hà Nội.

Đặc điểm nhận dạng: cao 1m72, màu da vàng, tóc đen, lông mày ngang, sống mũi thẳng, dái tai chúc, mắt đen.

Được xác định bỏ trốn ngày 16-9-2016.

Cơ quan điều tra yêu cầu khi bắt được người bị truy nã, báo ngay cho Cảnh sát điều tra Bộ Công an theo các số điện thoại: 0692322577, 0913229847.

Sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh bị phát giác khi đầu tháng 6/2016, báo chí thông tin về việc Phó chủ tịch Hậu Giang được đưa đón bằng xe tư nhân Lexus LX570 giá 5 tỷ đồng, nhưng gắn biển xanh; tình trạng thua lỗ nặng ở Tổng công ty PVC, nơi ông Thanh từng giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt và dù doanh nghiệp làm ăn thua lỗ ông Thanh vẫn được bổ nhiệm Phó chủ tịch tỉnh.

Sau khi vào cuộc điều tra, Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định, giai đoạn 2007-2013, người đứng đầu PVC là ông Trịnh Xuân Thanh và Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng quản trị, Ban tổng giám đốc, Ban Kiểm soát Tổng công ty đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát... dẫn đến nhiều sai phạm và thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng.

H.Yên (Tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news