Tin mới

Việt Nam có tối đa 90 phút để sơ tán người dân nếu xảy ra thảm họa sóng thần

Thứ năm, 04/10/2018, 11:37 (GMT+7)

Việt Nam sẽ có khoảng 1 tiếng rưỡi để sơ tán người dân khi có sóng thần nguồn xa và chỉ khoảng 30 phút khi có sóng thần nguồn gần.

Việt Nam sẽ có khoảng 1 tiếng rưỡi để sơ tán người dân khi có sóng thần nguồn xa và chỉ khoảng 30 phút khi có sóng thần nguồn gần.

Trận động đất kèm sóng thần tại Palu, Indonesia gây hậu quả thảm khốc, cho tới giờ chưa thể thống kê hết số người thiệt mạng và mất tích. Dù không xảy ra gần một trăm năm nay, Việt Nam vẫn có những nguy bị ảnh hưởng bởi sóng thần từ những nguồn gần.

Có 2 nguồn gây sóng thần cho Việt Nam

Trao đổi với VOV, PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) nhận định, với công nghệ và hệ thống cảnh báo trước hiện nay, Việt Nam sẽ có khoảng 1 tiếng rưỡi để sơ tán người dân khi có sóng thần nguồn xa và chỉ khoảng 30 phút khi có sóng thần nguồn gần.

PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu).

Các nhà khoa học đã ghi nhận 2 nguồn phát sinh sóng thần có thể ảnh hưởng đến bờ biển Việt Nam. Trong đó, nguồn phát sinh sóng thần xa là đới hút chìm Manila (còn gọi là rãnh Manlila), nằm ở bờ Tây Philippines từ đông đảo Bandar Seri Begawan đến bắc đảo Luzon. Nguồn gần nằm ngay ở bờ biển miền Trung và Nam Trung Bộ có dải đứt gãy kinh tuyến 109.

Việt Nam từng ghi nhận một số vụ sóng thần

Cục Khí tượng thuỷ văn và Biến đổi khí hậu cho biết, các công trình nghiên cứu về chế độ động đất ở biển Đông và các điều kiện hình thành sóng thần, các khả năng dự báo nhằm giảm nhẹ thiệt hại ở Việt Nam chỉ mới bắt đầu xuất hiện trong vài năm trở lại đây. Các kết quả điều tra về sóng thần ở ven biển nước ta chủ yếu dựa vào ghi chép trong các tài liệu trong lịch sử hoặc dựa trên trí nhớ của người dân vùng ven biển.

Theo Báo An Ninh Thủ Đô, có 3 sự kiện đáng tin nhất về sóng thần tại bờ biển Việt Nam từng được ghi chép: Sóng thần tại bờ biển Trà Cổ năm 1978; Sóng biển cao tràn sâu vào đất liền tại bờ biển Diễn Châu cuối Thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 và sóng thần tại bờ biển Nha Trang năm 1923.

Năm 1978, sóng thần bất ngờ xuất hiện tại vùng Trà Cổ, Móng Cái. Sóng cao 2-3m, tràn vào bờ nhiều đợt làm nứt tường nhà, làm đổ các hàng cây phi lao ven bờ. Khi xảy ra sóng thần khu vực xung quanh không hề có núi lửa hay động đất. Các nhà khoa học dự đoán, nguyên nhân có thể xuất phát từ tâm trận lốc xoáy hoặc trượt đất dưới đáy của vùng biển xa.

Tại Việt Nam, Thống kê của Viện Vật lý Địa cầu cho thấy, chỉ tính từ năm
1989 đến 2002, trên lãnh thổ nước ta đã có ít nhất 18 trận động đất… (Ảnh minh họa)

Những người cao tuổi tại bờ biển Diễn Châu (Nghệ An) kể lại, cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, sóng thần cũng đã xuất hiện. Sóng dâng cao tựa như sóng trong các trận bão lớn, quét ngang thân tre ven biển, tràn sâu vào đất liền hơn 1 km, làm ngập nhà cao 1,5 m, cuốn trôi nhiều nhà cửa. Nhiều nhà khoa học nhận định, sóng thần tại Diễn Châu cũng có nguồn gốc khí tượng hoặc trượt lở đất ở vùng biển xa giống như hiện tượng tại Trà Cổ vào năm 1978.

Năm 1923, sóng thần xuất hiện ở Nha Trang. Sự cố này có liên quan tới hiện tượng núi lửa phun trào và gây động đất 6,1 độ richter tại đảo Hòn Tro, quần đảo Phú Quý.

Trang Vũ (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news