Nghĩa tử vốn được coi là nghĩa tận, nhưng liên tiếp xảy ra các vụ việc bảo vệ bệnh viện chặn xe cứu thương chở bệnh nhân đang hấp hối, thậm chí cả bệnh nhân đã tử vong đã khiến dư luận đặt câu hỏi liệu có phải nghĩa tử đang là nghĩa tận... thu?
Ngày 11/8 vừa qua, Đội Cảnh sát điều tra Công an huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) đã đến Trung tâm Y tế huyện Phù Mỹ để tiến hành điều tra vụ đập phá xe cấp cứu, đuổi đánh tài xế và ngăn cản việc chở người đã chết ra khỏi Trung tâm xảy ra vào hôm 10/8.
Theo hồ sơ vụ việc, vào khoảng 14h chiều ngày 10/8, ông Nguyễn Đức Tuấn (46 tuổi, quê ở tp Quãng Ngãi) - chủ xe cấp cứu mang BKS 76B-005.96 (thuộc Đội dịch vụ xe cứu thương tỉnh Quảng Ngãi) và anh Nguyễn Văn Tứ (là tài xế, quê ở Gia Lai) điều khiển xe cấp cứu trên đến Trung tâm Y tế huyện Phù Mỹ để đưa thi thể một nạn nhân về quê ở huyện Nga Sơn. Được biết, việc chở nạn nhân về quê là theo đề nghị của một người quen.
Lúc đỗ xe tại sân Trung tâm Y tế Phù Mỹ để nhận thi thể nạn nhân, có một người đến nói với ông Tuấn là Trung tâm cũng có đội xe dịch vụ, các xe bên ngoài không được vào trong chở người.
Khi nhận được "thông báo" này, ông Tuấn giải thích là do nạn nhân đã tử vong, người quen nhờ chở về quê rất xa Bình Định nên xin để cho xe được vào cổng để đưa người về cho sớm. Tuy nhiên, người này không đồng ý, liên tục ngăn cản xe của ông Tuấn, đồng thời hăm dọa: "Ông có biết mỗi tháng tôi đóng bao nhiêu tiền ở đây không? Để đó rồi biết. Nói xong, người này bỏ đi, lát sau lái xe quay lại, chở theo hai người nữa cầm rựa, dao đến đuổi đánh ông Tuấn, tài xế Tứ và người nhà của của nạn nhân, đập bể kính xe cứu thương, chém vào thân xe. Mọi việc chỉ được giải quyết khi lực lượng Công an Phù Mỹ có mặt, chiều cùng ngày, xe của ông Tuấn mới đưa được thi thể nạn nhân rời khỏi Trung tâm Y tế để về quê.
Liên quan tới vấn đề chặn xe cấp cứu, cách đây hơn 1 tháng, câu chuyện bảo vệ Bệnh viện Nhi chặn xe cứu thương chở bệnh nhi đang hấp hối cũng đã gây nhiều bức xúc trong dư luận. Nhóm bảo vệ bệnh viện đã chặn không cho xe ra khỏi cổng bệnh viện và dọa khóa bánh mặc người nhà nạn nhân gào khóc thảm thiết vì bệnh nhi trên xe đang hấp hối.Tài xế và người nhà bệnh nhân sau đó đã phải gọi điện cho Bộ Y tế và 113 để tìm kiếm sự trợ giúp. Mọi việc chỉ được giải quyết khi lực lượng Công an có mặt. Bệnh nhi sau đó đã tử vong ngay trên xe.
Trong hai vụ việc trên, một bệnh nhi hấp hối đã phải trút bỏ hơi thở cuối cùng ngay tại cổng bệnh viện; một nạn nhân tử vong do tai nạn đã phải "nằm" lâu hơn tại Trung tâm y tế đều có chung một nguyên do là không chọn dịch vụ xe cứu thương của cơ sở Y tế sở tại. Điều này khiến dư luận bức xúc bởi trong những giờ phút mà đáng ra, lối ứng xử "nghĩa tử là nghĩa tận" phải được đề cao nhất nhưng một số người đã biến tấu thành "nghĩa tử là nghĩa tận... thu".
Liên tiếp các vụ chặn xe cứu thương ngay tại cơ sở Y tế khiến dư luận bức xúc |
Với trường hợp bệnh nhi hấp hối trên xe cứu thương tại cổng viện Nhi, khi tình trạng của em không còn bất kỳ tia hy vọng nào, tâm nguyện của người thân là mong em được "ra đi" tại quê nhà. Thế nhưng, tâm nguyện cuối cùng của gia đình em đã bị xoáy vào một cuộc cãi vã ồn ào với những lời hăm họa, xô xát, ồn ào và nước mắt thảm thiết bất lực của người mẹ đau đớn chứng kiến "ra đi" của con mình giữa nơi đất khách quê người. Với nạn nhân tử vong tại Phù Mỹ (Bình Định), thi thể chỉ được về quê sau những đập phá, xô xát ồn ào.
Trong hoàn cảnh đó, chút tình cuối cùng dành cho những người xấu số vô tình đã bị quên đi, người chết không còn được đối xử với thái độ tiếc thương, cảm thông, thay vào đó, là "chủ nghĩa tận thu" lên ngôi triệt để. Người chết - đã mang đến cơ hội để một số người sống được dịp "tận thu" lần cuối cùng. Thế mới có chuyện bệnh viện vừa thông báo gia đình đưa con về quê thì đã có người gọi điện tới "làm giá"; chờ nhận thi thể lên xe mà còn bị đuổi ra ngoài vì yêu cầu phải sử dụng đội xe dịch vụ.
Các vụ chặn xe cứu thương đều liên quan đến vấn đề giá cả, tiền nong của những chuyến chuyên chở bệnh nhân về quê. Vậy việc "làm giá" với người sống để mặc cả về vấn đề của người chết - nếu đó không phải "nghĩa tử là nghĩa tận thu" thì có thể gọi bằng cụm từ nào chính xác hơn?
Vũ Đậu