Tin mới

Ngày 20/11: Nhớ về những người thầy bình dị mà cao cả

Thứ sáu, 20/11/2015, 10:17 (GMT+7)

Ngày 20/11 là dịp để học trò và toàn xã hội nhớ về những công lao thầm lặng của các thầy cô giáo. Đặc biệt, có những nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn nhưng vượt lên tất cả là tấm lòng yêu nghề, âm thầm cống hiến.\n 

Ngày 20/11 là dịp để học trò và toàn xã hội nhớ về những công lao thầm lặng của các thầy cô giáo. Đặc biệt, có những nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn nhưng vượt lên tất cả là tấm lòng yêu nghề, âm thầm cống hiến.

Cô giáo mang trong mình căn bệnh thế kỷ

Có lẽ đối với một ai khi bị ốm đau đơn thường thôi cũng cảm thấy mệt mỏi, chán nản lắm rồi nhưng với cô giáo Nguyễn Thị Hoàn (1978), giáo viên dạy văn của trường THPT Mỏ Trạng (Yên Thế, Bắc Giang) thì nỗi đau, sự buồn tủi đó lại nhân lên bội phần. Đó là lúc giữa tuổi thanh xuân đang phơi phới và tình yêu đang đơm mùa hạnh phúc thì cũng là lúc cô giáo trẻ phát hiện ra mình bị mắc căn bệnh thế kỷ HIV từ người chồng.

Đau đớn, tuyệt vọng cả thế giới dường như sụp đổ trước mắt cô, nhưng  có lẽ cô là người được thừa hưởng ý chí và nghị lực, cùng sự động viên, khích lệ của những con người trên mảnh đất Yên Thế nên cô không chịu bỏ cuộc trước số phận. Cô đã cố quên đi bệnh tật để tiếp tục muốn theo đuổi ước mơ đứng trên bục giảng từ thuở bé của mình.

 

Cô Hoàn bên những "người con" của mình (Ảnh: Người đưa tin)

Giờ đây khi người con duy nhất của cô cũng theo người chồng ra đi mãi mãi nhưng cô đã có một “đàn con” để cô yêu thương, chăm sóc dạy dỗ chúng nên người.

16 năm qua gắn bó với nghề giáo cô Hoàn luôn là giáo viên giỏi các cấp, là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở nhưng trên hết là từ tình yêu nghề và tình thương của người mẹ cô đã dạy dỗ biết bao thế hệ học sinh nên người.

Cô giáo 19 năm cắm bản,  khóc vì nhớ con

Đó là hoàn cảnh của cô giáo Nguyễn Thị Thêu quê Ninh Bình, Trường Tiểu học Lũng Thầu (huyện Đồng Văn, Hà Giang). Ra trường năm 1995 rồi về dạy ở nơi đây, sau đó cô kết duyên cùng thầy giáo cùng cắm bản ở huyện Đồng Văn. Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn ở vùng cao khiến cho người con đầu lòng của cô bị suy dinh dưỡng trong bào thai và phải tiêm nhiều lần đến teo chân.

Không đành xa con nhưng không muốn để con cùng chịu khổ với mình nên bao nhiêu yêu thương cô gửi nhờ ông bà ở miền xuôi chăm sóc. Từ ngày gửi con về cho ngoại đến nay đã là 19 năm, khoảng thời gian đó có thể không quá dài so với cuộc đời con người nhưng đó lại là một khoảng trời đằng đẵng với tình yêu, nỗi nhớ của tình mẫu tử. Đã biết bao đêm cô không thể kìm nén nổi cảm xúc của mình mà bật khóc bên trang giáo án vì nhớ con. Yêu con biết bao nhưng cô cũng có tình yêu nghề và hơn hết là những đứa con nơi núi rừng Tây Bắc cũng cần tới cô.

Cô Thêu 19 năm cắm bản, xa con  (Ảnh: Dân trí)

“Mọi người hỏi là chị giàu tình cảm với học trò như vậy sao lại có thể xa con mình, nhưng tôi không thể bỏ bê công việc được. Đã theo nghề này rồi mà người dân ở đây cũng yêu quý mình nên mình cũng yêu quý lại. Tôi rất nhớ con nhưng đành nén vào trong, dù sao cháu ở dưới xuôi cũng có điều kiện y tế tốt hơn”, cô giáo chia sẻ trên Dân trí.

Giờ đây, cô giáo Thêu như người con trong bản trong làng. Ngày lễ nghề với cô giáo cắm bản không có những đóa hoa rực rõ, không có những bữa liên hoan thịnh soạn mà với cô món quà lớn nhất chính là sự chuyên cần của học sinh.

Tổng phụ trách Đội âm thầm cống hiến

Với các thầy cô chủ nhiệm lớp và đi dạy đã là một sự vất vả, nay lại kiêm theo nhiệm vụ tổng phục trách đội thì nỗi vất vả lại tăng thêm bội phần.  Đó là nhiệm vụ của cô TPTĐ Bùi Thị Thu Phương, sinh năm 1981, Trường Tiểu học Phương Liệt, Thanh Xuân (Hà Nội).

Nghề làm tổng phụ trách đội như làm dâu trăm họ. Là sao để cho các em vừa tích cực tham gia các hoạt động phong trào nhưng đồng thời cũng không ảnh hưởng đến công việc học tập, không khiến cho phụ huynh và thầy, cô chủ nhiệm cảm thấy phiền là một điều không đơn giản. Bên cạnh đó, thời gian để cô dành cho con cái, gia đình lại bị “cắt xén” đi rất nhiều mỗi khi tổ chức các hoạt động phong trào.

Cô Phương trong một buổi tập cho học sinh (Ảnh: Tiền Phong)

Chia sẻ trên Tiền Phong cô Phương cho biết: “Tâm huyết với hoạt động Đội, nhiều lúc tôi không có thời gian cho gia đình. Sáng đi sớm, tối muộn, khi nhà nhà ăn tối, mới lọ mọ về. Thứ 7, chủ nhật cũng đi liên miên. Đặc biệt, vào những kỳ thi phải đầu tư, tập luyện, thi thố, tôi gần như không có đủ thời gian cho gia đình. Nhiều hôm về đến nhà, con đã đi ngủ”.

 “Có hôm xong việc sớm, tôi vội vã đến trường đón con. Vừa thấy mẹ, con gái hớn hở reo lên nhưng rồi đột ngột dỗi hờn, mếu máo: “Giá như ngày nào mẹ cũng đón con sớm thế này thì thích biết mấy. Mỗi ngày, con chỉ muốn được chơi, được nói chuyện với mẹ nhiều hơn”. Nghe con nói tôi ứa nước mắt”.

Dù khó khăn, dù vất vả nhưng với cô giáo tổng phụ trách đội niềm vui lớn nhất của cô là những phong trào của trường luôn được sự ủng hộ, tham gia nhiệt tình của học sinh và qua đó các em có thể phát triển toàn diện.

Hạ Vân (tổng hợp) 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news