Suốt 28 năm trời, ông Mạc Văn Mỹ đã gác lại hầu hết mọi công việc để dẫn con đi học các lớp kỹ năng với hi vọng giúp con trở thành người bình thường.
Ông Mạc Văn Mỹ, 67 tuổi, sống cạnh nhà thờ Xóm Chiếu, Quận 4 được biết đến là người cha giàu tình thương và lòng kiên trì vì đã miệt mài ngày đêm tìm mọi cách chữa chứng down cho cậu con trai duy nhất Mạc Đăng Mừng (28 tuổi), giúp con trở thành một kỹ thuật viên đồ họa.
Được biết, vợ chồng ông Mỹ sinh anh Mừng khi đã ngoài 40 tuổi. Khi bác sĩ thông báo con bị hội chứng down bẩm sinh, hai vợ chồng vô cùng suy sụp. Tuy nhiên, vì là trụ cột gia đình nên phải gồng dậy an ủi vợ và nuôi con và tự hứa với lòng sẽ chữa hết bệnh, dạy con trở thành người có ích.
Ông Mỹ Tâm sự: “Lúc 5 tuổi Mừng vẫn còn yếu lắm, đặt đâu ngồi đó, đầu ngoẹo một bên, gương mặt trông ngơ ngác. Vợ, chồng tôi không ít lần suy sụp, tuyệt vọng khi nghĩ về tương lai của con sau này quá đỗi chông chênh”. Thực tế quá phũ phàng nhưng người cha đã mang đến phép màu, không ngừng nổ lực, sự kiên trì để dạy dỗ con từng ngày bằng tất cả tình yêu thương.
Hai cha con ông Mỹ kiên trì với các bài luyện về đồ họa trên máy tính. Ảnh: Thanh niên |
Hành trình chữa hội chứng down cho con của ông Mỹ cũng lắm gian nan. Ông Mỹ đã tự tìm hiểu nhiều phương pháp tự dạy con học và vượt qua căn bệnh để hòa nhập cộng đồng. Vợ chồng chạy chữa khắp nơi, nghe ở đâu có thầy hay thuốc tốt đều đưa con đến. May mắn, ông gặp được bác sĩ giỏi, khuyên mua đàn cho cháu tập đánh và tập đi trên đá vụn. Bác sĩ lý giải, đánh đàn, đi trên đá sẽ giúp những đầu ngón tay, lòng bàn chân kích thích dây thần kinh ở đầu, nếu làm việc này thường xuyên sẽ giúp não bộ phát triển nên hai vợ chồng ông Mỹ gom góp hết tài sản trong nhà để mua cho con cây đàn Organ.
Thuê giáo viên về dạy đàn cho con nhưng ai cũng từ chối, ông Mỹ phải đi học lõm, tự làm thầy dạy cho con chạm đến nốt nhạc đầu đời. Người cha già cùng tập luyện với con suốt ba tháng trời, Mừng đã đánh được một số bản nhạc đơn giản và cứ thế ngày càng tiến bộ. Ông Mỹ dắt con đến lớp học nhạc một lần nữa, thầy giáo vẫn từ chối. Mừng chạy lại cây đàn Organ đặt tay lên bàn phím, lướt nhẹ những bản nhạc đơn giản. “Ủa nó biết chơi đàn luôn hả?” - thầy giáo ngạc nhiên.
Từ cấp 1 đến cấp 2, Mừng học tại trường Trung tâm Bảo trợ dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật. Sau khi học xong, Mừng theo học lớp kỹ thuật viên đồ họa tại trường Đại học Văn Lang TP.HCM. Đây là lớp dạy đặc biệt do Hoa Kỳ tài trợ dành cho người khuyết tật, chỉ có 19 thành viên.
Sau 6 tháng hoàn thành khóa học, theo điều ước thứ 7 số 61, Mừng nhận được xuất học bổng “Vượt qua số phận” một khóa học thiết kế giao diện Web tại Trung tâm Tin học, Trường Đại học Khoa học Tự Nhiên, Đại học quốc gia TP.HCM.
Sau nhiều nỗ lực, sự kiên trì của cha cho ông Mỹ đã được đền đáp. Ảnh: Dân trí |
Gần 30 năm qua, người cha già đã theo con đến lớp học để dự thính, ghi chép lại bài vở cẩn thận để có thể truyền đạt khi con cần. Do trước đây ông Mỹ từng theo học chương trình giáo dục của Pháp, nên hiểu biết được nhiều kiến thức, nên ông tự dạy thêm cho con ở nhà như môn toán, tiếng anh, tiếng pháp,…vừa làm cha, vừa làm thầy truyền thụ những kiến thức mà ông đã học và tự mày mò thêm.
Suốt quãng thời gian dài năm miệt mài, nhờ tình yêu thương, sự kiên trì của gia đình, anh Mừng đã được hội đồng Y khoa TP.HCM giám định về khả năng lao động vào ngày 14.9.2006. Kết quả, Mừng chậm phát triển ở mức độ trung bình do hội chứng down và tỉ lệ mất sức lao động là 61%. Hiện nay, Mừng đã biết chơi đàn Organ, võ thuật, bơi lội, đánh cầu lông, thành thạo anh văn và tin học,…
Tại giải thể thao dành cho người khuyết tật TP.HCM năm 2014, Mừng đạt HCV cá nhân, HCĐ tập thể mộn bóng rổ, HCB đồng đội môn bóng đá kết hợp dành cho người thiểu năng trí tuệ và người không thiểu năng trí tuệ. Ngoài ra, Mừng còn sử dụng thành thạo các kỹ năng về tin học như Powerpoint, Excel, Word và đọc hiểu được tiếng Anh, tiếng Pháp. Mặc dù mang hội chứng Down nhưng nỗ lực và sự kiên trì bền bỉ của cha con ông Mỹ khiến nhiều người phải nể phục.
Vũ Đậu (tổng hợp)