Ni sư Thích Đàm Hương chia sẻ: “Mình phải coi chúng sinh là Phật, coi mình là phàm, tu là sửa, tu là phải hành y luật Phật, tu là phải nói thật, thương người…”.
Đại gia bỏ lại cơ đồ vào cửa phật
Nghe chuyện truyền khẩu về một người phụ nữ từng giàu có nhất nhì trong vùng Thanh Oai - Hà Đông một thời, bỗng nhiên bỏ cửa bỏ nhà, bỏ chồng con đi tu như thể bị "ma nhập" hay nghiệp chướng cuộc đời, chúng tôi đã tìm tới chùa Cảnh Linh Tự tìm hiểu thực hư. Người chân tu ấy là cụ Nguyễn Thị Hào, trụ trì chùa, với pháp danh là Thích Đàm Hương, sinh năm 1928, năm nay đã 94 tuổi.
Tuổi đã cao nhưng ni sư vẫn rất minh mẫn, chỉ tai thì hơi nặng, nói chuyện với cụ cần “lên tông” là được. Ni sư còn rất minh mẫn, không hề quên bất cứ sự kiện gì trong đời cũng như thời cuộc, đầu óc của một nhà buôn nổi tiếng một thời.
Ni sư già Thích Đàm Hương trước chùa Cảnh Linh Tự.
Vào những năm 1970, trong vùng Thanh Oai – Hà Đông, (Hà Tây cũ) nhiều người biết tiếng bà Nguyễn Thị Hào, một người giàu có. Bà là người đầu tiên trong vùng buôn đồng nát, lập trạm thu gom hàng cho hàng trăm người làm nghề này. Cả vùng Thanh Oai và ngoại vi Hà Đông khi đó có rất nhiều chị em đủ mọi lứa tuổi làm nghề mua đồng nát, sáng sớm đạp xe đi, chiều tối mang hàng về đổ cho đại lý thu gom của bà.
Làm đại lý thu gom đồng nát, bà đã giúp cho bao người có công ăn việc làm, tạo điều kiện cho nhiều gia đình thoát cảnh khó khăn, nhất là ở thời bao cấp. Và cũng nhờ đó mà gia đình bà đã có của ăn của để, rồi giàu lên, thậm chí thuộc vào hàng giàu có nhất nhì trong vùng. Thời bao cấp khó khăn là thế mà gia đình bà đã làm được 7 gian nhà xây kiên cố, khang trang nhất khoảnh, tiền bạc trong két cũng rất nhiều. Công việc của bà hoàn toàn chân chính, chỉ kiếm chút lãi nhỏ rồi gộp lại thành lãi to mà thôi.
Thế rồi, đùng một cái, công việc làm ăn đang phát đạt thì bà đổ bệnh, đầu óc quay cuồng, người cứ mê mê tỉnh tỉnh, lúc tỉnh lúc điên. Chồng con, họ hàng hết sức giúp đỡ nhưng không khỏi bệnh, bao nhiêu thuốc thang cũng chẳng ăn thua gì.
Đêm đêm, trong cơn mê sảng, bà thấy Phật hiện về khuyên bà phải đi tu vì căn quả ngày càng nặng. Phật còn chỉ cho bà biết nơi bà phải đến tu hành là ngôi chùa cũ đổ nát hiện chỉ còn một cây gạo và 4 ông tượng bị gẫy tay. Đây chính là ngôi chùa ở chợ Mai Lĩnh, có tên Cảnh Linh Tự, hiện thuộc địa phận tổ dân cư số 7 khu Y Sơn, phường Đồng Mai, quận Hà Đông (Hà Nội).
Năm 1977, khi tròn 49 tuổi, được sự đồng ý của chồng con và gia đình, bà Hào quyết định xuất gia. Làm theo lời chỉ dẫn của Phật hiện trong giấc mơ, bà lấy vải mưa buộc vào thân cây gạo kéo chéo ra dựng thành lều che mưa nắng cho 4 pho tượng đá gẫy tay và làm nơi tá túc của mình.
Bà ngồi trong lều này tụng kinh niệm phật suốt ngày đêm, khi nào mệt quá thì ngủ thiếp đi. Đầu óc thông thái nên đọc tới đâu nhớ tới đó, học là thấm, càng đọc kinh đầu bà càng sáng láng ra và căn bệnh quái ác dần dần biến mất mà chẳng phải uống một viên thuốc nào.
Vậy là số phận người đàn bà một thời buôn bán nổi danh giàu có đã ngoặt sang một hướng khác, bao nhiêu tiền, vàng tích cóp được bà mang ra phục dựng lại chùa, cứu khổ cứu nạn.
Đọc kinh chữa bệnh, cứu giúp kẻ sa cơ
Suốt từ đó tới nay, giờ đã 94 tuổi, cụ không nhớ hết mình đã giúp cho bao nhiêu người bị điên vì nghiệp chướng khỏi bệnh. Cụ chậm rãi kể cho chúng tôi nghe chuyện một người tên Nguyễn Văn Dũng ở Trại Găng (Hà Nội) bỗng dưng bị điên, gia đình cho đi chữa chạy ở nhiều nơi mà không khỏi.
Nghe tin ni sư Hào biết chữa bệnh điên nên gia đình đã đưa Dũng tới cậy nhờ giúp đỡ. Ni sư Hào đã lập đàn tụng kinh cho Dũng ròng rã 3 tháng trời. Lúc tỉnh, Dũng thừa nhận đã có lần nửa đêm anh ta ra nghĩa trang nghịch ngợm, đập phá các ngôi mộ... Ni sư đã ân cần cúng giải tội cho Dũng, và điều kỳ diệu đã tới, một thời gian sau Dũng khỏi bệnh.
Lý giải điều này, một chuyên gia cho rằng, nhiều người sau khi làm việc gì không đúng thường bị ám ảnh tội lỗi nên bị điên điên dại dại. Nếu được giải thoát về mặt tinh thần, tâm lý bệnh nhân sẽ chuyển biến, dẫn đến khỏi bệnh, như có một phép màu.
Cụ Hào cho biết, ai tới cầu xin giúp đỡ chữa bệnh điên cụ cũng lập đàn đọc kinh, khấn vái cho tới khi nhìn thấy “tội” của họ thì mới chữa được. Người nào tội nhẹ thì chỉ cần đọc kinh cúng vái vài ngày là nhìn thấy ngay, còn người tội nặng như anh Dũng kể trên thì phải đọc tụng tới 3 tháng mới rõ.
Cụ Hào không nhớ mình đã cứu chữa cho bao nhiêu người như thế và không bao giờ lấy tiền của họ. Cụ có rất nhiều tiền tích cóp trong thời kỳ buôn bán, bây giờ mang ra giúp đỡ người khốn khổ mà thôi. Nay cụ không còn sức khỏe để ngồi tụng kinh chữa bệnh nữa, tuy nhiên những người từng được cụ cứu chữa thi thoảng lại tới thăm nom cụ.
Như đã nói trên đây, khi ni sư ra chùa Cảnh Linh Tự tu hành thì chỉ còn một cây gạo và 4 pho tượng gẫy tay mà thôi, ngôi chùa cũ bị hư hỏng đổ nát hết. Chùa ở vùng quê nghèo, người dân chẳng có điều kiện đóng góp nên ni sư đã dùng tiền riêng của mình dựng lại chùa, cưu mang người ăn xin, khổ nạn.
Ni sư nhớ lại, vào những năm 1980 – 1990, người ăn xin đông lắm, có hôm họ tới chùa xin tá túc mấy chục người. Thậm chí, cụ còn nuôi mấy chục người ở chùa vì họ chẳng còn phương cách gì sinh nhai. Ai muốn về quê thì cụ cho tiền, ai cần vay làm vốn thì cũng cho mà không cần ghi sổ sách, không cần đòi lại, ai cố tình không trả thì cũng thôi, coi như cứu giúp. Cụ nhớ lại, lúc đó cụ có 47 triệu đồng, một số tiền khổng lồ, vậy mà cụ lấy ra cứu khổ cứu nạn hết.
Chúng tôi hân hạnh được gặp cụ bà Ngô Thị Sợi năm nay 90 tuổi, là bạn thân của ni sư Hào, hai cụ làm bạn với nhau đã trên 50 năm rồi. Hôm ấy cụ Sợi tới chùa thăm người bạn già thân thiết. Nhà cụ Sợi ở gần chùa nên cụ đã chứng kiến mọi việc làm của ni sư Hào từ mấy chục năm nay. Cụ Sợi chia sẻ rất chân tình với chúng tôi: “Bà Hào tuyệt vời lắm, là người số 1 đấy. Có lúc trong chùa có đến mấy chục người ăn mày, ai cũng được giúp đỡ cả. Ai chẳng may chết trong chùa thì bà ấy chôn cất, thắp hương cho cứ như người thân ấy.
Con đường tu của ni sư già tuy không ít chông gai nhưng sự quy Phật chân tu đã luôn được các phật tử ủng hộ. Đã xuất gia rồi thì ni sư quyết chí tu hành, không làm bất cứ điều gì phạm tới luật giới. Ở cái tuổi gần đất xa trời, sức khỏe cũng cạn, người ni sư già dồn hết tâm lực tu hành, khuyên bảo mọi người sống thiện với đời, không làm điều ác.
Ngôi chùa quê tĩnh lặng, ít du khách nhưng ấm cúng, mỗi buổi chiều các già quy Phật lại ra đây tụ tập đọc kinh, làm vệ sinh chùa, nơi trung tâm của tình thương, hướng đạo và lẽ sống cho con cháu.
Ông Nguyễn Như Tân, Tổ trưởng tổ dân phố số 7 (trước đây là thôn Y Sơn) phường Đồng Mai cho biết: “Ni sư Đàm Hương là người có công xây dựng lên ngôi chùa này bằng chính tâm huyết và nhân cách của người tu hành. Khi tôi còn nhỏ, hay sang đây chơi thì nơi này chỉ là cái miếu nhỏ, còn bây giờ là ngôi chùa khang trang bề thế. Ni sư Đàm Hương có nhiều công lao với dân làng. Nhiều người tàn phế, bệnh tật trong làng xã, ngoài thiên hạ được cụ cưu mang, nuôi và chữa bệnh. Hiện trong tổ dân phố vẫn còn 2 người từng được cụ giúp đỡ, một người bị bệnh đao và một người lưng còng không lao động được. Tổ trưởng dân phố Nguyễn Như Tân thăm sức khỏe ni sư Đàm Hương.Tuy cao tuổi rồi nhưng ni sư vẫn chăm lo quán xuyến cơ sở thờ tự, tối nào các vãi cũng tới chùa tụng kinh niệm Phật, bàn chuyện tu hành, chuyện phong trào làng xã. Có công to việc lớn gì ni sư cũng báo cho chính quyền cơ sở biết và xin ý kiến. Phật tử gần xa đều yêu mến cụ”. |
Lê Tự