Tin mới

Ngoại tình bị phạt tù: “Dễ xử lý hành vi ngoại tình hơn”

Thứ sáu, 04/03/2016, 18:23 (GMT+7)

Mới đây, dư luận lại bàn tán, quan tâm nhiều đến quy định “ngoại tình” dẫn tới ly hôn có thể bị phạt tù, các chuyên gia pháp luật đều khẳng định, quy định này đã tồn tại từ lâu. Bộ luật Hình sự 2015 chỉ chi tiết hóa “hậu quả nghiêm trọng” mà Bộ luật trước đó quy định.

Mới đây, dư luận lại bàn tán, quan tâm nhiều đến quy định “Ngoại tình” dẫn tới ly hôn có thể bị phạt tù, các chuyên gia pháp luật đều khẳng định, quy định này đã tồn tại từ lâu. Bộ luật Hình sự 2015 chỉ chi tiết hóa “hậu quả nghiêm trọng” mà Bộ luật trước đó quy định.

Để tìm hiểu rõ hơn về những quy định mới trong điều 182 Bộ luật hình sự 2015 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp – Đoàn luật sư TP Hà Nội.

Theo luật sư Đặng Văn Cường: Có thể nói rằng tình trạng ngoại tình và nạn mại dâm là những hiện tượng sẽ luôn tồn tại trong xã hội duy trì chế độ hôn nhân một vợ, một chồng. Đó là những hiện tượng tình dục, nhu cầu tình dục vượt ra ngoài phạm vi khuổn khổ quan hệ hôn nhân một vợ, một chồng.

Nếu đặt câu hỏi: "Ngoại tình là tốt hay xấu ?", Người có hành vi ngoại tình là người tốt hay người xấu ?... thì có lẽ đa số người dân (trong xã hội thực hiện chế độ hôn nhân một vợ một chồng ) sẽ có quan điểm là ngoại tình là xấu, cần phải xử lý, cần phải đấu tranh để loại bỏ tình trạng này để giữ gìn hạnh phúc gia đình. Trong trường hợp cần thiết, có thể áp dụng pháp luật hình sự để trừng trị.

Ngoại tình có thể bị phạt tù tới 3 năm. Ảnh Internet

Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp ngoại tình đều là xấu. Nếu hành vi ngoại tình xuất phát từ những ham muốn dục vọng đớn hèn, xuất phát từ tính dâm đãng, "hám của lạ"... dẫn đến tổn thương cho người thân trong gia đình, làm tan vỡ hạnh phúc gia đình thì hành vi đó có thể cho là xấu, cần đấu tranh để loại bỏ những hành vi này nhằm giữ gìn sự tồn tại, bền vững của hạnh phúc gia đình.

Tuy nhiên, có những cuộc hôn nhân rạn nứt, những cặp vợ chồng không còn hạnh phúc... mà vì lý do nào đó họ chưa hoàn tất thủ tục ly hôn thì việc tìm được một "đối tác" mới, tìm được người có thể chia sẻ, đồng cảm, họ bắt đầu một quan hệ yêu đương mới, họ thấy thực sự hạnh phúc... trong khi chờ đợi thực hiện thủ tục ly hôn thì hiện tượng "ngoại tình" này không đáng lên án, đây là một bước đệm trên con đường tìm tới một hạnh phúc mới.

Thực tế, ở nước ta thực hiện một thủ tục ly hôn không phải bao giờ cũng dễ dàng. Có những vụ án ly hôn có thể kéo dài tới vài năm, thậm chí có những vụ việc không đủ giấy tờ, thủ tục, điều kiện để tòa án có thể thụ lý một vụ án ly hôn... điều đó dẫn đến tình trạng những cuộc hôn nhân không hạnh phúc đó phải sống trong bi kịch, bị hạn chế quyền tự do hôn nhân, hạn chế quyền con người, trong đó có quyền tự do tình dục, tự do hôn nhân, quyền về đời tư, nhân thân...

Vì vậy, nếu mọi hành vi "ngoại tình" đều bị xử lý bằng pháp luật thì e rằng không ổn, điều đó sẽ làm ảnh hưởng tới một bộ phận không nhỏ công dân đang sống trong cảnh "cơm không lành, canh không ngọt", sẽ kìm hãm quyền tự do cá nhân của con người, hạn chế quyền tự do hôn nhân, quyền con người.

Trong xã hội văn minh, phát triển thì các quyền tự do cá nhân, quyền con người ngày càng được bảo đảm và bảo vệ. Nếu Nhà nước nào càng đưa ra nhiều những quy tắc, quy định bắt buộc bằng pháp luật để trói buộc hành vi con người trong lĩnh vực tình yêu, hôn nhân thì tính dân chủ, tự do cá dân của các công dân trong xã hội ấy càng bị bóp nghẹt. Trong lĩnh vực tình cảm, hôn nhân... nên để cho các quy phạm xã hội (đạo đức, văn hóa, tập quán) điều chỉnh. Pháp luật chỉ nên can thiệp vào những quan hệ hôn nhân cơ bản, ảnh hưởng trực tiếp tới sự tồn tại của xã hội, trật tự xã hội.

Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn luật sư TP Hà Nội.

Ở nước ta, theo quy định của pháp luật hiện hành thì chỉ một số hành vi vi phạm luật hôn nhân và gia đình bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự (có chế tài), trong đó có hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Đồng thời, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng cũng chỉ là một dạng biểu hiện của hành vi ngoại tình - Ngoại tình công khai. Còn đối với hành vi ngoại tình "dấm dúi", "thậm thụt" - Không công khai thì không bị xử lý bằng pháp luật, quan hệ ngoại tình này sẽ do đạo đức xã hội điều chỉnh, can thiệp.

Với Bộ luật hình sự năm 2015 thì tội vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng không phải là tội danh mới trong việc thực hiện Chính sách hình sự ở nước ta. Tội danh này, trước đây đã được quy định tại Điều 147 Bộ luật hình sự. Với quy định pháp luật này thì phải có hai điều cần và đủ thì mới xử lý được bằng luật hình sự với hành vi "ngoại tình" là: Việc ngoại tình phải được thự hiện công khai "như vợ chồng"... và hậu quả bắt buộc phải là "gây hậu quả nghiêm trọng" hoặc "đã bị xử lý hành chính mà còn vi phạm".

Đến Bộ luật hình sự năm 2015 thì tội danh này được sửa đổi để dễ xử lý về hành vi vi phạm này hơn. Với quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 thì tội vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng đã được sửa đổi theo hướng dễ xử lý hình sự hơn với hành vi "chung sống như vợ chồng" - Ngoại tình công khai.

Khoản 1 là cấu thành tội phạm cơ bản, khoản 2 là cấu thành tội phạm tăng nặng. Chỉ cần có hành vi "chung sống như vợ chồng" - Ngoại tình công khai là có thể xử lý hình sự người có hành vi vi phạm rồi, không cần đòi hỏi phải có "hậu quả nghiêm trọng" như quy định trước đây của Bộ luật hình sự năm 1999.

Với quy định mới hiện nay thì hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng (ngoại tình) đến mức độ "chung sống như vợ chồng" - là đã có thể xử lý hình sự được rồi. Nếu hành vi vi phạm này mà "gây hậu quả nghiêm trọng" như hướng dẫn ở trên thì sẽ là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Đến khi quy định này có hiệu lực pháp luật thì có lẽ sẽ nhiều vụ án hình sự về tội danh này được phát hiện và xử lý. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng những cặp vợ chồng sống ly thân, vợ hoặc chồng bỏ đi khỏi nhà (sau 2 năm) mà người còn lại không làm thủ tục tuyên bố mất tích, tuyên bố chết để thực hiện thủ tục ly hôn đơn phương, thủ tục ly hôn chưa được thực hiện mà lại làm đám cưới, chung sống với người khác thì hành vi này sẽ bị xử lý hình sự về tội vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng như đã nêu ở trên.

Thực tế, xã hội hiện nay thì những trường hợp "ngoại tình" bất đắc dĩ này diễn ra tương đối nhiều và nguy cơ "tù tội" cho những người bất hạnh đó đang hiển hiện trước mắt khi quy định pháp luật mới có hiệu lực (từ ngày 01/7/2016).

Vì vậy, những trường hợp tình trạng hôn nhân trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được, họ đã sống ly thân, thậm chí một bên bỏ đi mất tích thì người còn lại cần phải làm thủ tục ly hôn dứt điểm trước khi bắt đầu một cuộc hôn nhân mới.

Pháp luật nước ta đã thừa nhận hôn nhân (kết hôn) thực tế nhưng chưa thừa nhận "ly hôn thực tế". Vì vậy, nếu các trường hợp vợ, chồng đã sống ly thân thời gian dài mà không thực hiện thủ tục ly hôn thì tuyệt đối không được thực hiện việc làm đám cưới, chung sống như vợ chồng với người khác, nếu có hành vi này thì sẽ bị xử lý hình sự.

Bộ luật hình sự năm 2015 là sửa đổi bổ sung một số quy định của Bộ luật hình sự năm 1999, trong đó có một số quy định, điều luật được thay đổi, loại bỏ, bổ sung so với nội dung của Bộ luật trước đây.

Thu Trang

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news