Đa số những người phụ nữ đồng tình và vui mừng khi những người ngoại tình sẽ bị phạt tù tùy theo mức độ vi phạm tuy nhiên chính bản thân họ lại không biết lấy đâu ra chứng cứ Ngoại tình để nhờ pháp luật can thiệp.
Một vấn nạn lớn trong xã hội chúng ta ngày nay là vấn nạn “ngoại tình”, vì việc ngoại tình mà gây bất ổn cho rất nhiều gia đình và làm cho gia đình ly tán.
Theo nội dung được quy định tại Điều 182 Bộ luật hình sự 2015, có hiệu lực từ ngày 01/7/2016, thì việc ngoại tình có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm tù tùy vào mức độ vi phạm.
Từ khi thông tin có điều luật sửa đối đã có rất nhiều tranh cãi quanh vấn đề này, đa số thì đồng tình, ủng hộ và mong điều luật sẽ sớm đi vào thực hiện. Tuy nhiên cũng có rất nhiều ý kiến trái chiều cho rằng khó xử lý vì không có bằng chứng cụ thể trong khi bản thân những người trong cuộc vẫn phải sống trong cảnh nghi ngờ, không cảm thấy hạnh phúc.
Đa số người cho rằng không biết lấy đâu ra bằng chứng ngoại tình để nhờ pháp luật can thiệp. Ảnh Internet |
Chị Phạm Minh Ngọc (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cảm thấy rất bất ngờ vì điều luật mới này, trước đó luật pháp cũng quy định về tội ngoại tình nhưng hầu hết các trường hợp vi phạm chỉ bị xử lý hành chính chứ chị chưa từng chứng kiến cảnh phải đi tù vì ngoại tình bao giờ.
Chị Ngọc hoàn toàn ủng hộ việc phạt tù người ngoại tình và mong rằng với những đổi mới nàu sẽ hạn chế việc đi ngoại tình, góp phần giữ gìn hạnh phúc gia đình.
Tuy nhiên, chị Ngọc cũng cho biết, bản thân chị từng chứng kiến bạn bè, những người xung quanh mình đau khổ, sống không hạnh phúc vì việc ngoại tình của các ông chồng. Đa số những người phụ nữ chỉ cảm nhận, hay nghi ngờ chứ không tài nào tìm được bằng chứng chồng mình đi ngoại tình.
Từ những nghi ngờ đó hằng ngày họ không sao sống vui vẻ được, trong đầu hiện lên vô số hình ảnh về chồng mình với nhân tình và cái suy nghí đó cứ quẩn quanh trong đầu những người phụ nữ khiến cho mâu thuẫn gia đình tăng cao, vợ chồng mâu thuẫn, con cái chịu nhiều thiệt thòi. Như vậy điều luật mới ra sẽ có tác dụng gì trong những trường hợp này? Chị Ngọc nói.
Cùng chung quan điểm với chị Ngọc, chị Nguyễn Mai Hương ở Cầu Giấy, Hà Nội cũng đồng tình việc phạt nặng những người ngoại tình. Chị Hương nói: “Hậu quả của việc ngoại tình là rất lớn, nhiều người biết điểm dừng thì không sao chứ tôi thấy có người đàn ông đi ngoại tình về còn hành hạ, đánh đập vợ con. Đến khi ốm đau, bệnh tật, hay gặp khó khăn về kinh tế, nhân tình không đeo bám nữa mới quay về với vợ con và lúc đó cũng quá muôn. Trái tim người phụ nữ tổn thương không bao giờ lành lại”.
Vì thế nên chị Hương mong là với những thay đổi này sẽ làm cho những người có ý định ngoại tình phần nào e dè hơn, suy nghĩ kỹ hơn trước khi quyết định bạn đời của mình.
Khác với ý kiến của đa số chị em phụ nữ, anh Nguyễn Tùng (Bạch Mai, Hà Nội) cho rằng: “Đôi khi trong cuộc sống tôi cũng bị “say nắng”. Tuy nhiên mức độ say đến đâu thì do bản thân mình có tỉnh táo hay không. Bản thân tôi không bao giờ muốn tan nát gia đình nên làm việc gì cũng phải suy nghĩ thật kỹ”.
Theo anh Tùng gần đây khi đọc được quy định mới sẽ áp dụng vào tháng 7/2016n thì bản thân anh thấy việc ngoại tình sẽ có những chế tài xử phạt nặng hơn, rõ ràng hơn và khiến cho những người đi ngoại tình phần nào e dè, cẩn trọng hơn.
Anh cũng đưa ra quan điểm rất thẳng thắn nếu ngoại tình gây hậu quả nghiêm trọng và bị phạt tù thì chính bản thân người trong cuộc sẽ càng cẩn thận hơn, bí mật hơn để bảo vệ cho chính bản thân mình chũng như các mối quan hệ của mình.
Bên cạnh những ý kiến tán thành, rất nhiều người khi được hỏi bày tỏ sự băn khoăn xung quanh việc phát hiện, xử lý thực tế các hành vi ngoại tình.
Chị Cẩm Nhung (Linh Đàm, Hà Nội) cho rằng từ trước đến nay chị chưa thấy pháp luật xử phạt hành chính những người ngoại tình bao giờ nên việc phạt tù chắc chắn sẽ rất khó khăn.
“Trước cũng đã có luật về việc phạt ngoại tình rồi nhưng em thấy đã xử ai bao giờ đâu. Cái này em nghĩ khó. Việc ngoại tình nó thuộc vấn đề nhạy cảm. Làm thế nào để mà xác định được hành vi ngoại tình, mức độ ngoại tình thế nào là nghiêm trọng để bị xử lý hình sự.
Để mà có chứng cớ ngoại tình thì sẽ phải tiến hành theo dõi đối phương, nếu mình làm quá có khi lại dẫn đến xô xát, đánh nhau. Mà có thể xâm phạm quyền tự do cá nhân của mỗi con người nữa. Nên đưa ra quy định phải hết sức thận trọng, không thể vội vàng, ồ ạt mà xử lý được”, chị Nhung chia sẻ.
Trong khi đó, anh Luận (Đống Đa, Hà Nội) khẳng định không thể xử phạt tù ngoại tình trong thực tế được.
Anh phân tích: “Đây là vấn đề tế nhị, không ai người ta lùm xùm lên để xã hội dị nghị cả. Không ai “vạch áo cho người xem lưng” cả, nếu không có tình cảm thì người ta sẽ ly dị nhau chứ người ta không kiện cáo gì cả. Tiếp đến là còn phải thăm nuôi chồng hoặc vợ trong tù nữa vì đã bỏ nhau đâu. Điều này khiến nhiều người có tâm lý e ngại”.
Theo anh Luận khi đã chủ động đi ngoại tình thì không ai công khai sống như vợ chồng, đơn giản họ chỉ muốn thỏa mãn cảm giác mới lạ và nhu cầu tâm sinh lý chứ không ai muốn gắn bó lâu dài nên việc tìm bằng chứng để chứng minh chồng, hoặc vợ đi ngoại tình là khó làm.
Còn đối với trường hợp “chung sống như vợ chồng”, các cơ quan tố tụng phải chứng minh là những người vi phạm có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung, đã được gia đình, cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ ngoài vợ ngoài chồng này. Như vậy, đối với các quan hệ ngoại tình lén lút, không được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng hoặc chưa được gia đình, cơ quan, đoàn thể giáo dục thì đều “thoát” tội này.
Theo thạc sĩ luật chuyên ngành hình sự Nguyễn Thị Hằng, một quy định pháp luật phải có tính áp dụng trong thực tế. Tuy nhiên, với quy định này sẽ khó áp dụng.
Thứ nhất: Ly hôn có thể xuất phát từ vô vàn lý do, trong đó ngoại tình có thể là một lý do nhưng không phải là lý do chính dẫn đến ly hôn thì có xử lý hình sự không? Việc cơ quan điều tra phải chứng minh việc chung sống như vợ chồng với người khác là nguyên nhân dẫn đến vợ chồng ly hôn là rất khó. Bởi lẽ chính người trong cuộc cũng chưa chắc đã xác định được đâu là nguyên nhân vì nó xuất phát từ đời sống tình cảm của con người.
Đó là chưa kể đến việc xác định thế nào là ngoại tình dẫn đến phải ly hôn. Bởi thực tế đây không phải việc định lượng để có thể cân đo, đong đếm được và dễ dàng có căn cứ để cơ quan điều tra, truy tố, xét xử có thể áp dụng được. Và nếu không rõ ràng thì rất có thể việc áp dụng sẽ theo cảm tính, "xử sao cũng được" thì vô hình chung lại rất nguy hiểm.
Hay trong trường hợp một trong hai vợ chồng hoặc cả hai vợ chồng đều ngoại tình và đây là nguyên nhân dẫn đến việc họ ly hôn nhưng khi ra tòa yêu cầu ly hôn họ đưa ra những lý do khác để không bị đi tù thì liệu quy định mới này có mang lại hiệu quả áp dụng.
Thu Trang