Nhiều chuyên gia cho rằng việc áp dụng phạt tù với những người ngoại tình khó có tính khả thi vì những người Ngoại tình thường bí mật, không để lộ bằng chứng.
Liên quan đến vấn đề này bà Nguyễn Thị Kim Thúy – nguyên Phó chủ tịch hội phụ nữ Việt Nam cho biết, vấn đề đặt ra là việc ngoại tình hiện nay như thế nào và mức độ phổ biến ở mức độ nào? Việc thực thi có được hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, không phải nói phạt tù là phạt tù được ngay.
Cũng theo bà Thúy, giữa chuyện ngoại tình và chuyện mua bán dâm liệu rằng có tách bạch được không? Người đi mua dâm đã bao giờ bị phạt tù được hay chưa?. Bởi ngoại tình nhiều khi chỉ là những mối tình nhanh chóng tại nhà nghỉ. Như vậy, nếu bán dâm chưa thể xử phạt được thì xử phạt ngoại tình cũng sẽ rất khó. So sánh hình phạt giữa mua bán dâm và hình phạt về ngoại tình chúng ta sẽ thấy sự liên quan.
Nhiều chuyên gia cho rằng phạt tù người ngoại tình khó xử lý. Ảnh minh họa |
“Để chứng minh vì ngoại tình dẫn đến ly hôn rất khó. Không ai muốn thừa nhận vì ngoại tình dẫn đến ly hôn, người ta sẽ nói đến lý do vì không hợp nhau, không cùng quan điểm… . Lúc này, trong suy nghĩ của họ ngoại tình chỉ là một yếu tố trong chuỗi những nguyên nhân dẫn đến ly hôn”, bà Thúy phân tích.
Ngoài ra, nhiều người quan niệm đơn giản, “ngoại tình là vi phạm pháp luật” chỉ bằng niềm tin của mình, biết được chồng hoặc vợ của mình đang ngoại tình với người khác rồi từ đó kết luận đó là hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Trong khi đó quy định này ngoài xác định hậu quả nghiêm trọng còn là xác định hành vi thế nào là “chung sống như vợ, chồng” chứ không phải là hành vi “ngoại tình”. Do đó, dù hậu quả nghiêm trọng có xảy ra thì người vi phạm cũng tìm cách giải thích rằng, họ chỉ quan hệ... “trên mức tình cảm” chứ không thừa nhận việc họ lên giường thường xuyên với tình nhân hoặc thường xuyên với người bán dâm. Có nhiều trường hợp ngoại tình theo dạng say nắng một lần xong thôi nhưng lại không ly hôn… cho nên rất khó để quy kết.
Cũng theo bà Thúy, tại Việt Nam, ngoại tình dẫn đến ly hôn mà không kèm theo một tội phạm khác (Đánh ghen, đánh đập…) thì chưa thấy trường hợp nào dẫn đến hậu quả nghiêm trọng và phải phạt tù.
Theo thạc sĩ luật chuyên ngành hình sự Nguyễn Thị Hằng, một quy định pháp luật phải có tính áp dụng trong thực tế. Tuy nhiên, với quy định này sẽ khó áp dụng.
Thứ nhất: Ly hôn có thể xuất phát từ vô vàn lý do, trong đó ngoại tình có thể là một lý do nhưng không phải là lý do chính dẫn đến ly hôn thì có xử lý hình sự không? Việc cơ quan điều tra phải chứng minh việc chung sống như vợ chồng với người khác là nguyên nhân dẫn đến vợ chồng ly hôn là rất khó.
Đó là chưa kể đến việc xác định thế nào là ngoại tình dẫn đến phải ly hôn. Bởi thực tế đây không phải việc định lượng để có thể cân đo, đong đếm được và dễ dàng có căn cứ để cơ quan điều tra, truy tố, xét xử có thể áp dụng được.
Đồng quan điểm trên, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp – Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: “Không phải mọi trường hợp ngoại tình đều là xấu. Có những cuộc hôn nhân rạn nứt, hai vợ chồng ly hôn nhưng vì lý do nào đó chưa hoàn tất thủ tục ly hôn thì việc tìm được một người có thể chia sẻ, đồng cảm… trong khi chờ đợi ly hôn thì hiện tượng "ngoại tình" này không đáng lên án, đây là một bước đệm trên con đường tìm tới một hạnh phúc mới. Vì vậy, “nếu mọi hành vi "ngoại tình" đều bị xử lý bằng pháp luật thì e rằng không ổn”, luật sư Cường cho biết.
Cũng theo luật sư Cường, theo quy định của pháp luật hiện hành, chỉ một số hành vi vi phạm luật hôn nhân và gia đình bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự (có chế tài), trong đó có hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Đồng thời, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng cũng chỉ là một dạng biểu hiện của hành vi ngoại tình - Ngoại tình công khai. Còn đối với hành vi ngoại tình "dấm dúi", "thậm thụt" - Không công khai thì không bị xử lý bằng pháp luật, quan hệ ngoại tình này sẽ do đạo đức xã hội điều chỉnh, can thiệp”.
Thu Trang