Tin mới

Ngoại tình có thể bị phạt đến 3 triệu: Tiền mất, tật có hết?

Thứ tư, 28/01/2015, 10:25 (GMT+7)

Dự thảo lần 4 Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 110/2013 của Chính phủ, trong đó xử phạt 1-3 triệu đồng với hành vi ngoại tình đang là chủ đề "nóng" trong dư luận.

Dự thảo lần 4 Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 110/2013 của Chính phủ, trong đó xử phạt 1-3 triệu đồng với hành vi ngoại tình đang là chủ đề "nóng" trong dư luận.


Hành vi ngoại tình có thể bị xử phạt theo dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân, gia đình.

Cụ thể, mức phạt từ 1 - 3 triệu đồng được đề xuất đối với một loạt hành vi ngoại tình - vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng theo pháp luật Việt Nam. Trong đó, đáng chú ý là hành vi chung sống như vợ chồng với người khác khi đã có vợ/chồng.

Ngay sau khi dự thảo được đưa ra, nhiều ý kiến cho rằng việc xử phạt hành vi ngoại tình là cần thiết. Dự thảo cũng gây ra không ít tranh cãi, nhất là đối với người trong cuộc.

Mức phạt ngoại tình còn nhẹ

Anh Hải, nhân viên một công ty in ấn ở Từ Liêm (Hà Nội) cho rằng: “Quan hệ bất chính bị phạt tiền là hợp lý vì đây là hành vi vi phạm luật hôn nhân gia đình. Tuy nhiên, mức phạt 1-3 triệu đồng là hơi nhẹ, chưa đủ khiến những người vi phạm giật mình thức tỉnh hay những người có ý định "tòm tem" phải cân nhắc kỹ hơn trước khi hành động”.

"Tôi cho rằng nên phạt cao gấp ít nhất 10 lần", anh Hải nêu ý kiến.

Cùng ý kiến này, chị Xuân (Mỹ Đình, Hà Nội) cho biết, có người quen của chị từng tậu cả nhà, xe cho bồ nhí chỉ để một tuần qua tá túc vui vẻ vài lần, nên số tiền vài triệu với họ chẳng có ý nghĩa gì. "Ngoại tình ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảm xúc của bạn đời, có thể còn phá nát gia đình, tổn thương con cái... mà phạt vậy thì quá nhẹ", chị Xuân bày tỏ.

Hình minh họa

Theo chị, nếu chồng mình đã ngang nhiên chung sống với người khác như vợ chồng thì chị sẵn sàng ly hôn ngay chứ không cần nhờ đến pháp luật xử phạt.

Chị Ái Phương (32 tuổi, Hà Nội) nhận xét: "Mức phạt này là quá ít, mấy ông cặp bồ toàn người giàu có, tiền mỗi tháng kiếm ra có khi tới cả trăm triệu đồng". Theo chị, với những người ngoại tình, bên cạnh phạt hành chính, cần thông báo rộng rãi về nơi làm việc, chính quyền địa phương để răn đe, kiểm điểm. Phần lớn những người ngoại tình đều rất sợ bị công khai danh tính, phần vì sợ mất danh dự, ảnh hưởng sự nghiệp, phần vì cũng chỉ muốn tìm cảm giác mới lạ chứ chưa có ý định ly hôn.

Một nickname Bach Mieu tỏ ý nên đưa ra khung hình phạt rõ ràng hơn: "Phạt 3 triệu không ngăn chặn được hành vi của những kẻ ngoại tình, phải có biện pháp mạnh hơn, có thể lần đầu nhắc nhở thông qua văn bản của địa phương, tái phạm lần 2 phạt tù 1-3 tháng, lần 3 thì phạt tù 6 tháng đến 1 năm, cứ thế tăng dần lên may ra hạn chế được tình trạng này"....

Liệu có thể ngăn ngoại tình?

Khi nói về vấn đề phạt ngoại tình, hầu như bản thân những "người trong cuộc" cũng cho rằng, phạt tiền không thể ngăn ngoại tình. Bởi lẽ, họ cho rằng ngoại tình thuộc về vấn đề tình cảm. Nếu giải quyết bằng mức phạt này thì không thể ngăn người ta bỏ ý định ngoại tình!

Điển hình là trường hợp của anh Quang (Ba Đình, Hà Nội). Anh thừa nhận đang có bồ, nhưng anh cho rằng vấn đề nên lo là ai bắt gặp mình ngoại tình, bằng chứng chứng minh và quá trình xử lý chứ số tiền phạt thì không đáng lo.

"1-3 triệu đồng quá đơn giản, có khi không đủ để đưa người tình đi nhà hàng hay mua sắm một lần. Nhưng phạt thì phải ra chính quyền, trong khi cái mà cánh đàn ông 'ăn phở' ngại nhất là chuyện bại lộ rồi mất vợ, mất con.", anh Quang giãi bày.

Video tham khảo :Vợ lồng lên như hổ dữ khi bắt quả tang chồng ngoại tình tại khách sạn:

Anh Quang cho biết thêm, với những trường hợp ngoại tình kiểu công khai, thách thức dư luận thì mức phạt 1-3 triệu càng "không nhằm nhò" gì. "Nếu đã liên quan đến tình cảm thì rất khó ngăn cản nếu họ đã muốn tiến tới. Còn nếu muốn giảm số lượng các vụ ngoại tình thì phải tăng mức hình phạt lên", anh nói.

Bản thân cũng có chồng trăng hoa, chị Thanh (Hà Đông, Hà Nội) vẫn phải nín nhịn cho qua vì các con. Chị cho rằng, việc ngoại tình là phạm trù tình cảm nên phải giải quyết bằng tình cảm, hoặc nếu đã dùng đến pháp luật thì phải phạt thật nặng mới có thể khiến người ta sợ mà bỏ ý định xấu.

"Lần đầu lão có bồ, mình khóc lóc vật vã, chồng thề thốt này kia. Lần sau nước mắt ít hơn nhưng mức độ khinh bỉ tăng lên... Mình không muốn làm to chuyện vì xấu chàng hổ ai, lại sợ các con biết sẽ không còn kính trọng bố chúng", bà mẹ hai con thổ lộ.

Theo các chuyên gia pháp lý, dấu hiệu điển hình của tội danh "vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng" là ngoại tình "chung sống với nhau như vợ chồng". Tuy nhiên, việc sống với nhau "như vợ chồng" thì rất khó đánh giá. Trên thực tế, người ngoại tình có thể chỉ sống với nhau vài ngày, vài tháng, hoặc họ không có tài sản chung nên khó xác định hành vi để áp dụng chế tài xử phạt.

Hơn nữa, một khi đã ngoại tình, mức phạt 1-3 triệu đồng dành cho người các hành vi này là quá dễ dàng với nhiều người. Thực tế, những người đã dám ngoại tình đều có thể chịu mức phạt này, thậm chí họ dựa vào việc đó để tái diễn hành động của mình.

Vậy nên, việc xử lý theo quy định của Pháp luật về hành vi ngoại tình là rất cần thiết. Nhưng mức phạt có đủ sức răn đe hay không, có triệt để hay không, có thể ngăn ngoại tình hay không chỉ có những người trong cuộc mới có thể nói được. Bản thân họ mới có thể nhận ra mức nghiêm trọng của việc ngoại tình và cái giá phải trả của nó.

Theo D. Hoàng

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news