Trung Quốc tập trung lực lượng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng đảo nhân tạo quanh đảo đá Gạc Ma - hòn đảo mà Trung Quốc đã chiếm của Việt Nam từ năm 1988.
GĐ Sở NNPTNT tỉnh Khánh Hòa Lê Tấn Bản cho biết: “Xưa nay, vùng biển đảo Trường Sa là ngư trường truyền thống của ngư dân tỉnh Khánh Hòa, miền Trung. Theo phản ánh của bà con, gần đây, 2 chiếc tàu quân sự có trang bị vũ khí tên lửa của Trung Quốc thường xuyên túc trực quanh đảo Gạc Ma để hỗ trợ tàu vận tải chuyên chở xi-măng, sắt thép và các phương tiện hút cát mở rộng mặt bằng, xây cầu cảng, sân bay trên đảo.
Theo dõi thông tin trên báo chí, gần đây Trung Quốc đã loan tin sẽ xây dựng đảo nhân tạo gần đảo Gạc Ma trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong chuyến công tác đến quần đảo Trường Sa hồi giữa tháng 5/2014, khi đi qua vùng biển tam giác Gạc Ma - Len Đao - Cô Lin, chúng tôi cũng đã nhìn thấy công trường trên đảo Gạc Ma”.
Trung Quốc mở rộng căn cứ trên đảo Gạc Ma.
Bày tỏ thái độ phản đối Trung Quốc, sáng 11/6, khoảng 30 chủ tàu “đánh bắt xa bờ”, chuyên khai thác ở vùng biển Trường Sa đã tập trung đến cảng cá Nam Trung Bộ (Hòn Rớ, Phước Đồng, Nha Trang), giương cao Quốc kỳ và biểu ngữ, yêu cầu Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển đặc quyền kinh tế của nước ta.
Ông Võ Thiên Lăng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Khánh Hòa xác nhận: “Đây là phản ứng tự phát của một bộ phận ngư dân chuyên làm nghề khai thác thủy sản ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Bà con rất bức xúc, bởi vì trong lúc hành nghề trên biển, nhiều người đã bị tàu Trung Quốc tấn công, xua đuổi, lấy hết tài sản, kể cả bắt giữ thuyền viên; hơn nữa gần đây Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa, gây khó khăn cản trở đối với công việc mưu sinh của ngư dân nước ta”.
Tại cảng cá Hòn Rớ sáng 11/6, những chủ tàu có mặt trong đội hình phản đối Trung Quốc khẳng định rằng, họ hành động để tự cứu mình và mong muốn cộng đồng quốc tế ủng hộ Việt Nam. Hiện, Trung Quốc đã “cắm chốt” ở Hoàng Sa và đang thực hiện kế hoạch bành trướng ở Trường Sa.
“Bây giờ, nếu Việt Nam không bày tỏ thái độ ngăn chặn, e rằng sau khi xây xong căn cứ quân sự trên đảo Gạc Ma, Trung Quốc sẽ kéo nhiều giàn khoan đến vùng biển đặc quyền kinh tế của chúng ta ở Trường Sa. Ngư dân mất ngư trường cũng giống như nông dân mất đất; biết lấy gì làm ăn?” – một ngư dân tên Hùng, nhà ở khu phố Hòn Rớ, nói.
Tàu công tác của tỉnh Khánh Hòa đi qua vùng biển tam giác Gạc Ma-Len Đao-Cô Lin.
Diễn biến tình hình tại ngư trường Trường Sa, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa Nguyễn Viết Thuân khẳng định: “Tàu đánh cá của ngư dân Khánh Hòa và các tỉnh miền Trung vẫn tấp nập đến Trường Sa. Hằng ngày, bà con thường xuyên cho thuyền vào căn cứ hậu cần trên đảo Song Tử Tây, Đá Tây… tiếp thêm nguyên liệu, nước ngọt. Mọi sinh hoạt của cộng đồng dân cư và các đơn vị bộ đội hải quân trên các đảo nổi, đảo chìm vẫn diễn ra bình thường. Không ai có thể xâm phạm chủ quyền Trường Sa của Việt Nam. Nhân dân cả nước hãy bình tĩnh, đừng để kẻ xấu lợi dụng”.
Trong những diễn biến khác, liên quan đến sự kiện này, nhiều chuyên gia quốc tế đã phân tích và nhận định rằng, hòn đảo nhân tạo ở Trường Sa sẽ giúp tàu chiến của Trung Quốc phản ứng nhanh, nếu có xung đột trong khu vực. Chiến lược của Trung Quốc là chuẩn bị tuyên bố vùng nhận dạng phòng không bao trùm trên hết Biển Đông, sau khi đã tuyên bố vùng tương tự tại biển Hoa Đông; nhằm tiến tới thực hiện âm mưu giành quyền kiểm soát không chính thức các vùng biển lân cận ở tây Thái Bình Dương.