Tin mới

Ngược dòng, Hà Nội có "lội" được không?

Thứ sáu, 01/08/2014, 16:28 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) Mặc dù có tới trên 80\% ý kiến không hài lòng với hành chính công, Hà Nội vẫn đặt chỉ tiêu phải đạt được con số này ở tiêu chí ngược lại và thời gian thực hiện chỉ trong vòng 1 năm.

(Tinmoi.vn)  Mặc dù có tới trên 80% ý kiến không hài lòng với hành chính công, Hà Nội vẫn đặt chỉ tiêu phải đạt được con số này ở tiêu chí ngược lại và thời gian thực hiện chỉ trong vòng 1 năm.  

 

Theo kế hoạch vừa được Phó Chủ tịch TP Hà Nội Lê Hồng Sơn ký duyệt thì sắp tới, Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội sẽ chủ trì phối hợp với các sở, quận khảo sát sự hài lòng của người dân ở các dịch vụ: Cấp giấy chứng nhận nhà ở, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy CMTND, cấp giấy khai sinh, chứng thực và đăng ký kết hôn.

Theo nội dung kế hoạch, mục đích của lập kế hoạch điều tra, khảo sát hài lòng với dịch vụ công là để lấy ý kiến của người dân và tổ chức về sự phục của cơ quan hành chính và chất lượng cung ứng một số dịch vụ hành chính công (HCC) của các cơ quan đơn vị.

Về mặt Chính sách, đây là chủ trương rất đáng hoan nghênh, vì lần đầu tiên, dân chúng Thủ đô được dự phần vào công cuộc giám sát công tác cải cách hành chính với mục đích cao cả là giúp chính quyền “tìm ra nguyên nhân của những yếu kém, thiếu sót, bất cập trong việc cung ứng Hành chính công và đề ra giải pháp cải thiện”. Điều đáng nói, những yếu kém và bất cập ấy tồn tại ngay trong nội bộ của các cơ quan hành chính nhưng tại sao lại phải cần ý kiến của những người “ngoại đạo” là dân chúng thủ đô thì mới có thể được chỉ ra. 

Với các loại thủ tục hành chính nhiêu khê, phiền toái, cộng với thái độ “dân cần nhưng quan không vội” ở các cơ quan hành chính của thủ đô hiện nay thì với những nhận định mang tính chất chung chung như rất hài lòng, hài lòng, không hài lòng… thì kết quả thu được hoàn toàn không giúp ích nhiều cho cải thiện chất lượng phục vụ. Vì thực tế, chỉ khi nào việc chấm điểm công chức của người dân trở thành điều khoản bắt buộc trong đánh giá các công chức hành chính, khi đó mới bảo đảm thái độ phục vụ tận tụy và sự phản ứng nhanh nhạy của đội ngũ công chức hành chính trước các yêu cầu của người dân.

Hà Nội phấn đấu đến năm 2015 sẽ đạt được 80% sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính. Tuy nhiên, kết quả một nghiên cứu được thực hiện vào đầu năm 2014 do Khoa Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Sở VH-TT&DL Hà Nội tiến hành (với mục đích cung cấp thực trạng văn hóa ứng xử tại các cơ quan hành chính, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, nơi công cộng và khu dân cư ở Thủ đô Hà Nội) đã chỉ ra, tỷ lệ hài lòng của người dân với bộ máy hành chính không cao. Đại đa số câu trả lời cho rằng, tại các cơ quan hành chính hiện nay, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức đều có các hành vi ứng xử không phù hợp khi dân đến liên hệ làm việc. Cụ thể, có tới 88,1% người được hỏi cho rằng cán bộ lãnh đạo có hành vi ứng xử không phù hợp; con số đánh giá đối với đội ngũ công chức, viên chức là 94,7% .

Những yếu kém được chỉ ra tường tận trong nghiên cứu trên, cùng với những bức xúc, phàn nàn, than phiền không mệt mỏi của người dân mỗi khi phải nhờ đến “cửa công” hình như vẫn chưa đủ để cán bộ trong các cơ quan hành chính thủ đô nhận ra những “thiếu sót” của bản thân mình và sự bất cập trong quy cách làm việc của cả một hệ thống. Hoặc cũng có thể những thiếu sót vẫn được “điểm”  hàng ngày nhưng vì “súng bắn ra không có đầu đạn” nên tất cả lại giống như đá ném ao bèo. Cái khó là trong điều kiện đòi hỏi phải đổi mới mạnh mẽ để vượt qua được thách thức hiện nay thì rõ ràng cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu.

Và khi các cơ quan hành chính còn tồn tại những vấn đề dĩ hòa vi quý, bớt xén thời gian làm việc (đi muộn về sớm); tâm lý sợ đấu tranh; ghen ghét, đố kỵ với người hơn mình; nịnh trên, nạt dưới; bè phái cục bộ; dối trá, bệnh thành tích; nói không đi đôi với làm; đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; ích kỷ, vụ lợi cá nhân chủ nghĩa...thì dân biết đặt “sự hài lòng” ở đâu.

Vũ Đậu

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news