Tin mới

"Người bệnh cứ uống toàn thuốc bã thì làm sao khỏi được bệnh"

Thứ sáu, 25/03/2016, 14:47 (GMT+7)

“Người bệnh cứ uống toàn thuốc bã thì làm sao khỏi được bệnh. Nếu cứ tiếp tục sử dụng nguồn dược liệu nhập này thì ngành y học cổ truyền của chúng ta sẽ dần dần bị triệt tiêu”, đại biểu Nguyễn Văn Tiên (đoàn ĐB Tiền Giang) nói.

“Người bệnh cứ uống toàn thuốc bã thì làm sao khỏi được bệnh. Nếu cứ tiếp tục sử dụng nguồn dược liệu nhập này thì ngành y học cổ truyền của chúng ta sẽ dần dần bị triệt tiêu”, đại biểu Nguyễn Văn Tiên (đoàn ĐB Tiền Giang) nói.

Theo tin tức từ VOV, Tuổi trẻ, Người lao động và một số báo khác đưa, sáng ngày 25/3 Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Dược (sửa đổi).

Tại buổi hội thảo, đề cập đến vấn đề dược liệu, đại biểu Nguyễn Văn Tiên (đoàn đại biểu Tiền Giang) cho rằng, đa số dược liệu ở Việt Nam nhập của nước ngoài. Luật trong nước đã quy định các tiêu chuẩn về chất lương thế nhưng trình độ của chúng ta lại không có khả năng kiểm soát nguồn nguyên liệu này có tiêu chuẩn chất lượng đến đâu. 

Theo đại biểu Tiên, đa số dược liệu nhập chủ yếu là các loại dược liệu đã chiết xuất hoạt chất thành các chất dược liệu tốt bán ở nước bạn, sau đó chiết xuất lần 2, lần 3 để đưa sang Việt Nam với giá rất rẻ, chỉ bằng 1/3, 1/4 giá dược liệu trong nước.

Đại biểu Nguyễn Văn Tiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội (đoàn đại biểu Tiền Giang). Ảnh Tuổi trẻ

Người bệnh cứ uống toàn thuốc bã thì làm sao khỏi được bệnh. Nếu cứ tiếp tục sử dụng nguồn dược liệu nhập này thì ngành y học cổ truyền của chúng ta sẽ dần dần bị triệt tiêu”, Dân trí trích lời ông Tiên nói.

Trong khi thực trạng ở các vùng trồng dược liệu, nhân dân và doanh nghiệp đều sẵn sàng, nhưng dược liệu đấu thầu giá rẻ nên trong nước không cạnh tranh được, bán không ai mua. Vì thế đại biểu Tiên đề nghị giải pháp chỉ định thầu với việc cung ứng dược liệu trong nước, mở ra cho doanh nghiệp liên kết với nông dân trồng dược liệu để tăng tính cạnh tranh.

Về quản lý giá thuốc, nhiều đại biểu cho rằng một số mặt hàng thuốc giá còn cao đó là độc quyền nâng giá, qua nhiều tâng lớp trung gian cho nên khi đến người tiêu dùng thì giá đã bị đội lên cao.

Đại biểu Khánh Phong Lan (đoàn đại biểu TP. HCM) bày tỏ: "Nếu hạn chế được trung gian, góp phần sắp xếp lại mạng lưới lưu thông phân phối thuốc đang quá thừa với gần 2.000 công ty phân phối. Nếu từ lúc nhập khẩu, sản xuất ra, đến tay người bệnh, phải trải qua quá nhiều tầng lớp trung gian, chắc chắn chi phí sẽ đội lên", Người lao động dẫn lời đại biểu Lan nói.

Theo đại biểu Lan cần phải tách riêng thuốc giả trong các hành vi bị nghiêm cấm để thấy mức độ nghiêm trọng và xử lý thật nghiêm.

Về những hành vi bị nghiêm cấm, tôi đề nghị phải tách riêng thuốc giả gây ảnh hưởng mức độ nghiêm trọng và xử lý thật nghiêm, trong đó phải có cả quy định về bồi thường cho người bệnh như thế nào khi sử dụng phải thuốc giả”, VOV trích lời bà Lan nói.

Cùng quan điểm về việc giá thuốc bị đẩy lên cao do nhiều tầng lớp trung gian, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn đại biểu Ninh Thuận) đề nghị phải rà soát và quy định như thế nào để không tạo ra kẽ hở trong việc hạn chế nhập khẩu thuốc dẫn đến khan hiếm và nâng giá thuốc.

Ông Cương lấy ví dụ về thuốc điều trị viêm gan C, giá nhập khẩu ở các nhà thuốc lớn chỉ khoảng 200 USD/hộp (tương đương khoảng hơn 4,5 triệu đồng), trong khi đó, người dân đang phải mua với giá 14 triệu đồng/hộp.

Thật là vô lý khi dân ta còn nghèo mà phải mua với giá thuốc cao như vậy! Tôi đề nghị phải rà soát như thế nào đó trong quy định để không có kẽ hở trong độc quyền nhập khẩu thuốc dẫn đến khan hiếm thuốc và đẩy giá thuốc”, Dân trí dẫn lời đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nói.

K. Duy (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news