Tin mới

Người cựu binh Úc và nỗi ám ảnh về chiến tranh Việt Nam

Thứ hai, 27/07/2015, 19:33 (GMT+7)

40 năm đã qua bỏ lại sau lưng sự tàn khốc của cuộc chiến nhưng những nỗi buồn chiến tranh vẫn còn đó, day dứt và thúc đẩy trách nhiệm của những người còn sống...

40 năm đã qua bỏ lại sau lưng sự tàn khốc của cuộc chiến nhưng những nỗi buồn chiến tranh vẫn còn đó, day dứt và thúc đẩy trách nhiệm của những người còn sống...

Brian J Cleaver vốn là một cựu binh Úc đã từng tham chiến tại chiến trường miền Nam Việt Nam. Kết thúc một trận đánh giáp lá cà năm 1968, tự tay Brian và các đồng đội của ông có nhiệm vụ chôn cất thi thể của 42 người lính Việt Nam. Về nước sau chiến tranh, Brian lấy vợ nhưng không dám sinh con vì lo sợ bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam dioxin như một số đồng đội của mình. Ông mắc phải hội chứng khủng hoảng tâm thần (PTSD - post traumatic stress disorder) và không nguôi nỗi ám ảnh về quang cảnh kinh hoàng mà mình đã chứng kiến trong chiến tranh Việt Nam.

Dưới đây là cuộc phỏng vấn nhanh của PV Người Đưa Tin với Brian J Cleaver nhân những ngày ông vẫn đang ở Việt Nam.

Ông có thể cho biết, tới nay, ông đã trở lại Việt Nam - nơi ông đã từng tham chiến bao nhiêu lần?

Chuyến đi trở lại Việt Nam đầu tiên của tôi là vào năm 2002. Tôi đã đến thăm khu vực của trận chiến năm xưa, xã Bàu Trâm (Long Khánh, Đồng Nai), đó là một địa danh nằm cách xã Bình Mỹ (Tân Uyên, Bình Dương) một vài cây số.

Trong một trận đánh khốc liệt ngày 26/05/1968 giữa Tiểu đoàn của tôi và quân đội của các bạn đã có rất nhiều người lính ngã xuống, cả lính Úc và Việt Nam. Tôi trở lại nơi đây để tỏ lòng kính trọng của mình với những người lính đã nằm xuống tại mảnh đất này. Kể từ chuyến thăm đầu tiên của mình vào năm 2002, tôi đã quay trở lại Việt Nam thêm 11 lần nữa.

Lý do nào đã thôi thúc ông thực hiện các chuyến đi đó?

Cá nhân tôi nghĩ rằng, sự trở lại của tôi vào năm 2002 là một nỗ lực để hàn gắn vết thương tâm lý mà tôi đã trải qua. Tôi đã được chẩn đoán là bị rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý mãn tính vào năm 1996.

Ông có thể chia sẻ những cảm xúc của mình khi lần đầu tiên quay lại Việt Nam sau cuộc chiến?

Lúc đầu, tôi đã thực sự rất sợ hãi. Tôi không biết những gì sẽ chờ đợi tôi phía trước và đặc biệt là con người bên kia chiến tuyến sau chừng ấy năm. Nhưng nỗi e sợ của tôi đã sớm bị xua tan bởi sự ấm áp và thân thiện của người dân đất nước các bạn.

Từ khi trở lại Việt Nam thường xuyên kể từ năm 2002, trong quá trình tìm kiếm hài cốt của những người lính năm xưa thì tôi đã bị sốc khi biết rằng hàng trăm ngàn hài cốt liệt sỹ vẫn chưa được quy tập và xác định danh tính. Do vậy, tôi nghĩ rằng mình nên đóng góp hơn nữa một phần trách nhiệm nào đó trong việc thực hiện những công việc cần thiết để đưa hài cốt liệt sĩ trở về với những người thân yêu của họ.

Brian bên dưới một hố đào trong khu vực tìm kiếm hài cốt của 42 liệt sỹ Việt Nam được chôn cất sau một trận đánh vào tháng 05/1968 (Ảnh: NVCC)

Được biết, ông đang có mong muốn tìm kiếm hài cốt của 42 chiến sỹ Việt Nam đã hy sinh trong trận chiến với Tiểu đoàn của ông tại Bàu Hang, xã Bình Mỹ (Tân Uyên, Bình Dương), kết quả cuộc tìm kiếm này thế nào rồi, thưa ông?

Tôi nghĩ đó là kết quả từ một kế hoạch tìm kiếm rộng lớn. Chúng tôi đã triển khai một số trang thiết bị hiện đại như ra đa dò tìm mặt đất và một máy điện từ cộng hưởng, cộng với rất nhiều những nỗ lực từ máy đào cơ khí và cả những lúc phải tiến hành đào bằng tay.
Nhưng đến nay chỉ có một kết quả duy nhất, đó là một sự tìm kiếm "không đem lại kết quả cuối cùng". Khi đào bới và tìm kiếm ở phía bên phải của khu vực đã định vị trước đó, chúng tôi đã tìm thấy một bộ hài cốt. Bộ hài cốt trên đã được xác nhận bởi một cựu chiến binh Úc – người đã đặt thi thể người lính này dưới hố bom nơi vị trí hài cốt được tìm thấy. Chúng tôi ghi nhận anh ấy là một liệt sỹ vô danh của trận chiến năm xưa.

Với vị trí của bộ hài cốt trên và sự kiện đã diễn ra trong quá khứ, đó là bằng chứng chứng minh khu vực chúng tôi tìm kiếm là chính xác. Nhưng phần còn lại là hài cốt của hơn 40 người lính Việt Nam dũng cảm vẫn còn đang ở đó, tôi nghĩ có thể họ không muốn được tìm thấy.

Họ được đào tạo cùng nhau, họ hành quân cùng nhau, họ chiến đấu cùng nhau, họ hy sinh cùng nhau, và họ đã được chôn cất cùng nhau. Có thể họ không muốn được tìm thấy, tôi nghĩ có lẽ họ muốn yên nghỉ bên cạnh những người đồng đội của mình mãi mãi.

Điều gì ấn tượng nhất với ông trong hành trình tìm kiếm những ngôi mộ liệt sỹ trong thời gian qua?

Điều mà gây ấn tượng nhiều nhất với tôi là ngày nay khu vực này thật bình yên và khác xa với quá khứ của nó. Giờ đây, đó là nơi người ta trồng lên những rừng cây cao su.

Dự định tiếp theo của ông tại Việt Nam là gì, thưa ông?

Kế hoạch của tôi là tiếp tục làm việc với MARIN (Trung tâm tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sỹ). Tôi đã chứng kiến và nhìn thấy những nụ cười trên khuôn mặt của người dân khi họ có niềm tin rằng các phần mộ và hài cốt liệt sỹ - những người thân của họ vẫn đang trong quá trình được tìm kiếm. Có lẽ, tôi sẽ vẫn phải tiếp tục hành trình tìm kiếm như tôi vẫn đang làm.

 

Câu chuyện của Brian J Cleaver, chuyện của 1 người lính sống sót sau một cuộc chiến. Dù ở phía bên kia chiến tuyến, họ - những người còn sống vẫn luôn ám ảnh về thân phận con người trong chiến tranh.

Họ day dứt về nỗi đau đã gây ra đối với gia đình, cha mẹ, vợ con, anh em của những người lính đã nằm xuống. Nhưng dằn vặt họ hơn cả là đã bao năm tháng trôi qua, vẫn có những gia đình chẳng thể biết người thân của mình nằm đã xuống nơi đâu, không một lần được chính thức cúi đầu thắp nén tâm hương tưởng niệm trước chút di cốt còn lại người thân…

Câu chuyện về cuộc tìm kiếm hài cốt tử sỹ của một trong số những người sống sót sau chiến tranh Việt Nam chỉ mới bắt đầu và chưa thể có hồi kết...

   

Phạm Hạnh - Quảng Định

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news