Tin mới

Người đàn bà 20 năm bỏ nhà sống ở... bụi tre vì ám ảnh bị “cõi âm dọa giết”

Chủ nhật, 09/03/2014, 09:15 (GMT+7)

Mặc dù có nhà có cửa đàng hoàng nhưng chưa một lần, chị Lâm Thị Sâm (Bình Phước) dám bước vào nhà. Chị bảo, mỗi khi bước vào nhà thì bị “vong hồn cõi âm” đẩy bật ra khỏi cánh cửa. Chính vì điều đó nên gần 20 năm qua, dù trời nắng hay mưa, chị Lâm sợ hãi đến mức phải bám trụ bên cạnh gốc tre sau nhà để làm nơi trú ngụ.

Mặc dù có nhà có cửa đàng hoàng nhưng chưa một lần, chị Lâm Thị Sâm (Bình Phước) dám bước vào nhà. Chị bảo, mỗi khi bước vào nhà thì bị “vong hồn cõi âm” đẩy bật ra khỏi cánh cửa. Chính vì điều đó nên gần 20 năm qua, dù trời nắng hay mưa, chị Lâm sợ hãi đến mức phải bám trụ bên cạnh gốc tre sau nhà để làm nơi trú ngụ.

Kỳ lạ hơn nữa khi có người thương tình, dựng tạm cho mái chòi ở bụi tre, thì ngay hôm sau, chị lại phá bỏ với lý do “cô bác ở cõi âm không ưng như vậy”. 

Người đàn bà 20 năm bỏ nhà sống ở... bụi tre vì ám ảnh bị cõi âm dọa

Người đàn bà bị “trời hành”. Ảnh TG


 Chồng, con lần lượt ra đi

Sinh ra trong gia đình đông anh chị em, thuở bé, chị Lâm Thị Sâm (SN 1969) ngụ xóm người Tà Mun, khu phố Ninh Đức, phường Ninh Thạnh (TP. Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) cũng được cha mẹ cho học hành đàng hoàng. Chị lớn lên như bao đứa trẻ bình thường khác trong xóm. Khi tròn 7 tuổi, chẳng hiểu lý do gì, mọi người ngạc nhiên khi thấy chị đi lơ ngơ ngoài đường, thỉnh thoảng lại cười, nói vu vơ. Nhà vốn đông người, cha mẹ lại là người dân tộc thiểu số nên con cái lớn lên như cây như cỏ, tất cả chỉ trông vào trời đất. Ngày Sâm có triệu chứng ấy, gia đình chị, mỗi người một việc, chẳng ai còn quan tâm đến những hành động ngu ngơ của đứa trẻ 7 tuổi nữa.

Đúng một năm sau, ngày cô bé Sâm vừa tròn 8 tuổi bỗng dưng bỏ đi khiến cả nhà nháo nhác đi tìm. Xóm làng hò nhau, họ trèo đèo, lội suối, vào tận rừng sâu, núi thẳm, gọi mãi tên Sâm mà chẳng thấy ai trả lời. Triền miên từ ngày này qua tháng khác, tin tức về Sâm đã bặt vô âm tín. Nhớ thương, ân hận vì đã để mất con gái, người cha già Lê Văn Xem (cha Sâm- PV) tiều tụy đi trông thấy. Từ một thợ săn thiện nghệ, ông trở nên ũ rũ, khuôn mặt lúc nào cũng buồn rười rượi, đi đâu ông cũng hỏi thăm về đứa con gái nhỏ của mình nhưng ông nhận được toàn những cái lắc đầu.

Cuối cùng, trời cũng chẳng phụ người, 16 năm sau, ông Xem nhận được tin từ một người quen ở TP.HCM báo về rằng đã gặp cô bé Sâm ở Chợ Lớn (Q.5, TP. HCM). Mừng mừng tủi tủi, ông đón xe ngược xuống Thành phố đón con về. Ngày ra đi vẫn còn là một đứa trẻ, đến khi trở về đã thành một thiếu nữ xinh đẹp ở độ tuổi 24. Dân làng nghe tin Sâm về thì mừng lắm, ngày hôm đó, cả buôn làng giết gà, heo để ăn mừng, chung vui với gia đình ông Xem.

Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, con gái vừa trở về chưa kịp báo hiếu cha thì một năm sau, ông Xem đã đột ngột qua đời. Nhớ lại ngày đưa tang ông, nhiều người trong buôn làng kể rằng, hôm ấy trời mưa tầm tã, thối đất thối cát, buồn não nề. Điều lạ kỳ hơn nữa, đó là thiếu nữ Sâm lúc ấy, cô không khóc tiễn đưa cha mà cứ “tru” lên từng hồi dài như tiếng sói gọi bạn dưới đêm trăng khiến những người yếu bóng vía phải khiếp sợ.

Cha mất, những tưởng cuộc sống như vậy là đã quá bất hạnh đối với những con người nhỏ bé trong ngôi nhà này. Nhưng chuỗi dài bi kịch chưa chịu dừng lại mà vẫn tiếp nối. Chồng mất, một mình bà Lâm Thị Cà Tế (SN 1937- mẹ Sâm) phải gồng gánh để nuôi 12 đứa con thơ dại. Đau đớn thay khi lần lượt từng đứa, tất thảy 7 người con của bà cứ lần lượt ra đi khi tuổi đời vẫn còn khá trẻ. Nỗi ám ảnh về cái chết của chồng vẫn chưa nguôi ngoai, nay các con mất một cách bất đắc kỳ tử như vậy khiến bà Tế trở nên sầu thảm tột độ. Một đồn mười, mười đồn trăm, cả buôn làng xôn xao lên về những cái chết trong nhà bà Tế. Họ mời thầy mo (pháp sư- PV) giỏi nhất của làng bên đến yểm bùa, để bắt đi “con ma” trừ tà cho gia đình. Ông thầy này sau hồi múa may quay cuồng, lấy máu chó rắc đầy nhà rồi phán rằng “Nhà này bị người Trời hành rồi, phải chịu thôi”.

 Hai mươi năm ngủ ngồi dưới… gốc tre

Người đàn bà 20 năm bỏ nhà sống ở... bụi tre vì ám ảnh bị cõi âm dọa

Căn nhà rách nát của gia đình bất hạnh. Ảnh TG


Dù chẳng có căn cứ nào những nhiều người vẫn tin tuyệt đối vào lời thầy bói. Chính vì thế, đã 20 năm rồi, kể từ khi làm một chuyến “du lịch” ngót ngét 16 năm ở thành phố, người con gái thứ 8 (tức chị Sâm- PV) từ bỏ nhà cửa ra bụi tre để ngủ không mấy khó lý giải, vì đối với tất cả dân làng, ai cũng tin rằng “Chị Sâm đang bị trời đày nhưng may mắn hơn những người anh, người chị của mình đó là không bị con ma bắt đi”.

Nhà chị Sâm hay nói đúng hơn là một cái chòi lá, đơn sơ chẳng có gì ngoài chiếc giường tre mà bà con lối xóm thương tình san sẻ. Nghèo là thế nhưng ít ra, những ngày mưa nắng bão bùng cũng có chỗ trú để yên ổn tấm thân. Ở đời có những người nghèo chỉ mong có lấy ngôi nhà che mưa che gió nhưng chị Sâm lại rất “khác người”. Trời Tây Ninh nắng như thiêu như đốt, gặp hôm mưa xối xả như trút nước, chị vẫn vậy, ngồi đó, dưới bụi tre, im lặng “chịu trận” rồi lại “nhăn răng” ra cười “hề hề” mỗi khi thấy ai đó xót xa cho cái sự gọi là “có nhà nhưng không chịu ở” của người đàn bà “kỳ dị” này.

Nói về người đàn bà này, chị Lâm Thị Ngọc ái ngại: “Sâm toàn ở vậy. Người ta có làm chòi lá cho nó nhưng được một hôm thì nó phá tan tành. Cô xem, chúng tôi mới mang cho nó cái võng để treo lên mà nằm thì nó cũng gỡ xuống, toàn ngủ ngồi không thôi. 20 năm rồi, cứ ngồi vậy đó, nhiều lúc thì đứng, cúi mặt xuống đất mà ngủ. Người ta bảo cả dòng họ nhà Sâm bị trời hành nên phải chịu vậy thôi. May mà, 20 năm nay không thấy Sâm bị bệnh gì hết, dù là cảm cúm cũng không có”.

12h trưa, thời tiết nắng đến rát da thịt, tôi lặng lẽ theo chị Ngọc ra bụi tre thăm chị Sâm. Mò mẫm trong vườn tre um tùm, cuối cùng chúng tôi cũng đến được “ngôi nhà” của chị. “Nhà” là một bụi tre trơ gốc, vàng cháy và khô khốc trơ trọi. Thấy người lạ, chị Sâm cười tươi mà không hề tỏ ra sợ hãi hay bỏ chạy. Trò chuyện cùng chị, điều khiến tôi khá ngạc nhiên đó là cách trả lời của chị hết sức trôi chảy. Hỏi gì chị nói nấy và không hề đi lạc vấn đề như những gì tôi tưởng tượng.

Ngồi dưới nền đất dơ, bộ quần áo dường như đã quá lâu rồi không thay khiến chị trông khá dị hợm. Khủng khiếp hơn nữa khi thân hình người đàn bà nhỏ thó nhưng được nhét cả đống bọc nilon dày cộm. Hễ thấy bọc nilon của ai đó vứt đi hay bay đến chỗ mình ngủ, chị lại lượm về “nhà” mình. Cái nào còn nguyên vẹn chị đem phơi nắng rồi cất đi, còn những cái nào quá rách, chị nhét hết vào bộ quần áo đang mặc trên người. Giải thích lý do nhồi bọc nilon như vậy, chị cười móm mém: “Con ở ngoài bụi tre nên kiến cắn, muỗi chích nhiều lắm. Con nhồi vào cho nó có cắn thì cũng không bị sao”.

Theo như chị Ngọc, hàng xóm chị Sâm tiết lộ thì họa hoằn lắm mới “dụ” được chị Sâm đi tắm. Nhiều lúc muốn tắm cho người đàn bà “kỳ dị” này, dân làng phải kéo đến cho tiền rồi năn nỉ ỉ ổi, chị Sâm mới ngại ngùng “chịu khó” rời khỏi “ngôi nhà bụi tre” của mình. “Nó mà tắm ra nhìn trắng trẻo, dễ thương lắm nghen, ấy vậy mà lại bị trời hành, tội nghiệp quá. Cuộc nói chuyện của chúng tôi đang vui vẻ, bỗng nhiên khi hỏi về nguyên nhân nào khiến chị ngủ ngồi ở bụi trẻ suốt 20 năm, ánh mắt chị Sâm bỗng long lên sòng sọc khiến chúng tôi sợ hãi. Rồi bỗng nhiên chị co mình lại, khóc tức tưởi: “Mấy cô đừng có nhắc đến ngôi nhà đó nữa, con mà vào nhà là cô bác không cho đâu, họ đẩy con ra, con ở ngoài này sướng hơn. Ở ngoài này, có cô bác cùng ăn cơm, nói chuyện với con. Vô nhà là cô bác chửi rồi rượt ra đó”.

Đoán chừng, chúng tôi vẫn chưa hiểu ra câu chuyện mà chị Sâm đang nói, ngồi kế bên, chị Ngọc quay sang phân trần: “Mấy cô không gặp nó đúng ngày đấy. Lúc nào cũng vậy, như đã thành thông lệ rồi, cứ tuần chay mỗi tháng nó đều hú hét, rồi rầm rầm nói chuyện với cô bác trong đêm khuya, có hôm thì chửi bới ai đó. Hồi đó, người ta không tin nên có lần nhiều người trong làng kéo nhau đi rình xem nó nói chuyện với ai. Chúng tôi chẳng thấy ai nhưng nó cứ gọi các cô, các bác, rồi thỉnh thoảng lại phá lên cười. Đến bữa ăn thì không chịu ăn một mình đâu, cứ vừa dùng tay bốc từng vốc thức ăn cho vào miệng rồi lại bốc vốc khác rải xuống nền đất. Nó bảo: “Có cô bác ăn cùng nên phải làm vậy”?.    

Sự thật về người đàn bà “trời hành”

Đằng sau câu chuyện “trời hành” các thế hệ trong gia đình “kỳ bí” ấy là một sự thật trần trụi. Cái đói, cái nghèo và sự dơ bẩn bủa vây. Chiếc nồi đen nhẻm móp méo được đặt trên ba hòn đá xù xì, bên trong là một mớ hỗn tạp mì tôm đã bốc mùi hôi nồng nặc và những nấm mốc xanh đen. Tất cả những thứ ấy là “tài sản” quý giá nhất của người phụ nữ sống cuộc đời thầm lặng dưới bụi tre. Đêm cũng như ngày, áo quần rách rưới, bẩn thỉu, không tiền, không thức ăn, không tình thương, chị câm lặng… một mình.

 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news