Tin mới

Người dân Nam Sơn vẫn đang căng lều bạt ngăn chặn xe vào bãi rác: 12 quận Hà Nội khó cầm cự tiếp

Thứ hai, 14/01/2019, 17:14 (GMT+7)

Sáng nay (14/1), lãnh đạo huyện Sóc Sơn cho biết người dân đã dỡ lều lán và kỳ vọng trong ngày sẽ thông xe vào bãi rác. Tuy nhiên, đến trưa nay, người dân đã căng lều bạt trở lại thay nhau túc trực, chặn các xe chở rác vào bãi tập kết khiến 12 quận của TP bị ảnh hưởng.

Sáng nay (14/1), lãnh đạo huyện Sóc Sơn cho biết người dân đã dỡ lều lán và kỳ vọng trong ngày sẽ thông xe vào bãi rác. Tuy nhiên, đến trưa nay, người dân đã căng lều bạt trở lại thay nhau túc trực, chặn các xe chở rác vào bãi tập kết khiến 12 quận của TP bị ảnh hưởng.

Người dân thay phiên nhau canh không cho xe chở rác vào bãi tập kết tại bãi rác Nam Sơn. Ảnh: VN+

Theo tin tức trên Người lao động, tại hội nghị giao ban trực tuyến của UBND TP Hà Nội sáng 14/1, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết việc một số người dân gần bãi rác Nam Sơn chặn các lối vào Khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội hôm nay đã bước sang ngày thứ tư.

Ảnh: NLĐ

"Lãnh đạo TP, huyện và các đơn vị liên quan đã đối thoại với người dân 3 lần nhưng bãi rác vẫn bị phong tỏa lối vào. Vấn đề chủ yếu là vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Về cơ bản các bên đã tìm được tiếng nói chung", ông Dục nói và cho biết hiện 12 quận trên địa bàn TP đang gặp khó khăn do tình trạng ùn ứ rác. Chúng ta cầm cự được 3, 4 ngày thôi, sang đến ngày sau sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Khu vực bãi rác Nam Sơn. Ảnh: NLĐ

Theo ghi nhận của PV Vietnam+, cho đến 15 giờ chiều nay, tại điểm “chốt chặn”- ngã tư liên thôn Hạ Lộc - Liên Xuân (xã Nam Sơn) vẫn còn tập trung khoảng 40 người dân là đại diện cho các hộ bị ảnh hưởng thuộc diện di dời ở khu vực bán kính 500m quanh bãi rác Nam Sơn.

Người dân nơi đây cho biết, lý do họ tập trung cùng nhau chặn xe chở rác vào bãi rác là vì mất kiên nhẫn trước việc dự án di dời bị chậm tiến độ quá lâu, khiến họ đang ngày ngày phải “sống chung” với ô nhiễm.

Trả lời câu hỏi của về kết quả cuộc đối thoại với cơ quan chức năng vào chiều 13/1, các hộ dân tại đây cho biết, về cơ bản người dân thống nhất với các nội dung đối thoại, nhưng vẫn còn số vấn đề cần có câu trả lời dứt điểm.

Trước tiên là người dân muốn di chuyển đồng loạt cả mấy trăm hộ trong vùng ảnh hưởng, chứ không đền bù lẻ tẻ và di dời dần.

Cùng với đó, người dân muốn chốt lại thời gian cuối cùng họ nhận được tiền đền bù và đề nghị lãnh đạo thành phố phải cho thấy động thái quyết liệt và cam kết trách nhiệm.

Theo ý kiến của người dân, UBND TP Hà Nội mới đưa ra chỉ đạo ngày 15/3 phải chốt phương án đền bù để thực hiện việc chi trả cho người dân trong quý 2/2019, tuy nhiên, chưa có thời điểm cuối cùng hoàn tất việc chi trả.

Ngoài ra, buổi đối thoại hôm qua chỉ có đại diện chính quyền xã, huyện và người dân chứ không có lãnh đạo thành phố. Còn lý do nữa là, đến nay vẫn chưa có bảng giá đền bù, nên đề nghị đưa bảng giá về để người dân thảo luận, xem xét trước.

Trước những lo lắng trên, người dân bày tỏ mong muốn được đối thoại trực tiếp với Bí thư Thành ủy Hà Nội, bởi theo người dân, trước đây (năm 2016), Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã tuyên bố là hết quý 4/2018 sẽ giải quyết xong việc di dời, giải phóng mặt bằng, nhưng đến nay vẫn chưa có động thái gì.

"Năm 2016, khi đó người dân cũng bức xúc nên chặn xe chở rác như hiện nay, khi đó ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch TP Hà Nội, đã về tận nơi để đối thoại với người dân và hứa trước người dân sẽ đền bù, di dời những hộ dân trong điều kiện ra khỏi khu vực bị ô nhiễm. Tuy nhiên, đến nay đã hết hạn nhưng người dân vẫn phải sống trong cảnh ô nhiễm cực kỳ nghiêm trọng", báo Người lao động dẫn lời bà Trần Thị Dung, nhà ở cách bãi rác Nam Sơn vài chục mét, chia sẻ.

Về việc dỡ lều lán như lãnh đạo huyện Sóc Sơn sáng nay báo cáo với Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội, người dân khẳng định là do chính quyền xã nói căng lều khiến xe bê tông không thể qua đường, và cũng không cho người dân cắm xuống ruộng, nên người dân dỡ lán.

Tuy nhiên, cho đến trưa, do trời mưa, người dân đã căng lều bạt trở lại. Tại hiện trường có một bếp lửa cùng với các vật dụng sinh hoạt để đun nước pha trà và pha mì tôm ăn tạm trong thời gian canh gác “chốt chặn” ngăn xe chở rác vào bãi rác.


Đức Hoà (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news