"Tôi tin rằng khi 90 triệu người đang vui Tết, hình ảnh một người độc hành trên quốc lộ vì mục tiêu giúp hơn 10 triệu học sinh nông thôn có sách đọc sẽ chạm đến trái tim của nhiều người", anh Nguyễn Quang Thạch - "người ăn mày" - cha đẻ của Sách hóa nông thôn Việt Nam chia sẻ trước khi khởi hành chuyến đi bộ xuyên Việt.
Một ngày cuối năm tôi đã có buổi cà phê và trò chuyện với anh Nguyễn Quang Thạch - “người thầy không đứng lớp”, “người ăn mày sách” đã thân quen, gần gũi với nông dân, trẻ em ở nhiều vùng quê nhất là quê lúa Thái Bình. Khi anh đang nói chuyện để tôi hiểu thêm về con người anh cũng như ước mơ xây dựng hàng trăm nghìn tủ sách ở các vùng quê và giúp nông dân Việt Nam nắm tay bình đẳng với nông dân Mỹ thì có một giảng viên trường ĐH Kinh tế Quốc dân cùng bạn là một doanh nhân đến tham khảo, nhờ anh tư vấn để xây dựng tủ sách cho quê hương họ. Nhắc đến sách là anh nói say sưa với đôi mắt sáng niềm đam mê, khao khát đem được ngày càng nhiều tủ sách về các miền quê khiến cả tôi và hai vị khách đều bị hút vào câu chuyện.
- Được biết 18 năm qua anh trăn trở, thậm chí hy sinh hạnh phúc cá nhân, dong duổi trên các con đường để xây dựng tủ sách nông thôn. Vậy có lý do đặc biệt nào thúc đẩy anh làm việc này?
-Từ nhỏ tôi được đọc nhiều sách, sớm hình thành được tính độc lập và đã tự mình quyết được nhiều việc trong cuộc sống. Trong đời sống, tôi gặp nhiều tiêu cực, những người tạo ra tiêu cực hầu hết là những người không được đọc nhiều sách tử tế. Chính vì trải nghiệm bản thân và hiểu được những lợi ích bản thân được hưởng từ đọc sách nên tôi cũng mong mang được lợi ích đó cho nhiều người khác, mong người dân nông thôn đặc biệt là tất cả học sinh được đọc sách như tôi, như người dân các thành phố và như học sinh Tây Âu. Sâu sa hơn, tôi mong nông dân Việt Nam nắm tay bình đẳng với nông dân Mỹ và Nhật Bản. Khi nắm tay bình đẳng thì phải có tri thức bình đẳng, sản phẩm bình đẳng. Ở mọi thời đại, sự bình đẳng quốc gia đều phải dựa trên nền tảng tri thức.
Hơn nữa tôi làm việc này cũng là lẽ bình thường vì được sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm công tác xã hội. Em ông nội tôi trước kia bán ruộng đất làm trường cho dân học, ông nội tôi mời thầy Tây học về dạy cho con cháu và họ hàng, bố tôi dạy miễn phí cho con trẻ nông thôn 20 năm nay. Và tôi cũng làm công việc tương tự nhưng sớm hơn và quy mô rộng hơn. Ông nội với bố tôi mới trong phạm vi cấp xã còn tôi thì muốn làm trên phạm vi quốc gia và lan ra toàn cầu.
Anh Nguyễn Quang Thạch - người đàn ông đi bộ xuyên Việt để khuyến đọc
- Sau thời gian thực địa tại các miền quê, anh có thể khái quát bức tranh đọc sách ở nông thôn hiện nay?
Thực địa ở các vùng nông thôn, tôi đã tiếp xúc với các học sinh, sinh viên, thầy cô giáo và cha mẹ học, tôi biết là nhiều phụ huynh, thậm chí giáo viên cản trở việc đọc sách. Chính vì thế, tôi đã đưa ra nhiều mô hình tủ sách cụ thể, trong đó có mô hình tủ sách phụ huynh. Phụ huynh góp tiền để làm tủ sách cho con em mình thì nghiễm nhiên sẽ không phản đối việc đọc sách của con trẻ. Việc đọc sách của con trẻ khiến thầy cô đọc sách nhiều hơn, thậm chí phụ huynh cũng tìm đến sách để đọc để cùng chia sẻ tri thức với con. Khi con trẻ được đọc sách, tri thức tăng lên và được lan truyền trong cộng đồng thì đồng nghĩa với những tiêu cực sẽ giảm đi.
Sau nhiều năm tôi bám trụ nông thôn, phối hợp với các trường học, phòng giáo dục để vận động cha mẹ học sinh cùng làm tủ sách, nhận thức của người dân ở vùng có tủ sách đã có sự thay đổi rõ rệt. Nó được đo bằng số lượng tủ sách được xây dựng, tính đến thời điểm bây giờ là hơn 3.500 tủ, trong đó gần 90% có sự chung tay của phụ huynh, của thầy cô giáo và những người xa quê.
Sau khi hơn hai ngàn tủ sách được xây dựn ở Quỳnh Phụ và Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, tôi đã dành nhiều thời gian thực hiện phỏng vấn ngẫu nhiên học sinh ở nhiều xã và biết rằng một số thầy cô giáo không cho học sinh mượn sách về nhà mặc dù tủ sách đã được đặt trong lớp học vì họ sợ mất sách, liên quan đến trách nhiệm. Chính vì thế, tôi đã đi bộ trao thư khuyến đọc đến 30 trường học để đánh thức lương tâm và trách nhiệm của họ. Kết quả rất tích cực, nhiều thầy cô giáo đã cho học sinh mượn sách về nhà như kỳ vọng của tôi. Đặc biệt, sau ba tuần nhận thư khuyến đọc, cha mẹ học sinh trường tiểu học An Thanh, huyện Quỳnh Phụ đã bổ sung 400 đầu sách cho con em họ.
-Anh đã gặp những khó khăn gì khi đi vận động xây dựng tủ sách ở nông thôn, nhất là về mặt kinh tế, khi ba năm gần đây anh đã nghỉ làm để giành trọn thời gian cho việc này?
- Khó khăn là đương nhiên nhưng với tôi khó khăn chỉ là vài viên sỏi trên đường, phải nỗ lực để vượt qua nó.
Khó khăn lớn nhất là thực trạng giáo viên, thậm chí cả một số ông hiệu trưởng ở nông thôn không quan tâm đến việc đọc của học sinh. Lý do là vì từ nhỏ họ cũng không có cơ hội đọc nhiều sách, không hình thành được thói quen thì người ta cũng không yêu sách, không yêu sách thì người ta cũng không thúc đẩy được việc đọc của học trò. Ngược lại, nếu được đọc sách từ nhỏ họ sẽ yêu sách và truyền lửa cho các thế hệ học trò. Hơn nữa, họ là những người có quyền trong tay, họ có thể thiết lập ra các quy tắc cho trẻ đọc sách, có thể cho học trò đứng trước cờ giới thiệu sách, đó là điều trong tầm tay của họ mà họ không làm.
Còn về kinh tế, quan điểm tôi, thế hệ ông nội tôi giàu có rồi mới chia sẻ cho xã hội, góp tiền làm đường, làm trường dân học, bố tôi nghỉ hưu rồi mới dạy học miễn phí. Còn tôi đi làm ở mức lương cao rồi và chấp nhận 1 mức lương thấp để coi khoảng trống giữa mức lương cao và lương thấp làm cái nền để kêu gọi xã hội. Từ mức lương cứng gần 14 triệu nhưng trong 3 năm vừa rồi chỉ nhận chưa tới 5 triệu/tháng. Với mức lương này, tôi sống thanh đạm ở Hà Nội và Thái Bình nhưng chấp nhận điều đó vì khi một xã hội phần lớn đều theo đuổi vật chất, thì người hoạt động xã hội cần đặt việc tối đa hóa lợi ích xã hội lên những lợi ích của cá nhân. Tôi luôn ý thức rằng mình cần dấn thân để thế hệ của con và cháu mình không phải những tiêu cực và khuyết tật xã hội như mình và vô số người khác đã và đang phải chịu. Khi con người không phải bức xúc bởi những chuyện tiêu cực thì họ sẽ dành nhiều thời gian cho những suy nghĩ tích cực, sáng tạo. Khi phần đông dân số trung thực và sáng tạo, đương nhiên đất nước sẽ mạnh.
-Vậy kế hoạch của anh trong thời gian tới là gì?
Tôi tiếp tục vận động Bộ Giáo dục và Đào tạo có chủ trương nhân rộng Tủ sách phụ huynh đến tất cả lớp học cấp 1,2 và 3 trên toàn quốc. Tôi đang xây dựng chiến lược mới để vận động Bộ Giáo dục đưa tiết đọc sách vào chương trình dạy học nhằm tạo điều kiện cho học sinh khám phá tri thức một cách chủ động và hình thành thói quen đọc sách bền vững để xây dựng văn hóa đọc trên quy mô xã hội. Hơn nữa, chủ động lĩnh hội tri thức sẽ giúp học sinh có tư duy độc và nuôi dưỡng năng lực sáng tạo. Chúng tôi sẽ đưa bộ sách Tập làm nhà phát minh của Tây Âu đến các trường học để lập ra các câu lạc bộ khoa học nhằm giúp học sinh học và hành qua tự làm đồ chơi để nuôi dưỡng và kích thích sáng tạo, hình thành Kỹ năng sống và giá trị sống trong quá trình lao động chân tay và trí óc. Song song với việc vận động Bộ Giáo dục, tôi tiếp tục vận động Bộ Quốc phòng, Hội khuyến học, Giáo hội Công giáo và các thành viên xã hội tham gia nhân rộng các tủ sách mà chúng tôi đã áp dụng thành công.
Tôi cũng sẽ tăng cường khuyến đọc ở hai huyện Quỳnh phụ, Thái Thuỵ (Thái Bình) để làm mẫu cho các tỉnh khác trên toàn quốc.
Để các đầu việc trên thành công, Tết âm lịch 2015, tôi đi bộ xuyên Việt từ Hà Nội vào Sài Gòn.
-Anh có thể nói thêm về mục đích, hành trình của chuyến đi bộ xuyên việt từ Hà nội vào Sài Gòn sắp tới?
Chuyến đi bộ xuyên Việt là để: vận động chính sách để các cơ quan nhà nước ra chủ trương nhân rộng các tủ sách tôi đã áp dụng thành công; vận động những người xa quê phải đưa sách về chính quê của họ; và kêu gọi 500.000 người Việt trong và ngoài nước góp 240.000 đồng=12 cuốn sách/năm cho CT Sách hóa nông thôn Việt Nam để đến năm 2017, hơn 10 triệu trẻ em nông thôn có sách đọc bằng trẻ thành phố và các nước Tây Âu.
Trên chặng đường đi tôi thường xuyên truyền thông qua facbook, tặng sách cho một số con trẻ dọc đường. Tôi sẽ đến các sở giáo dục để đưa tài liệu về tủ sách phụ huynh đã thành công ở Thái Bình. Sau khi hoàn thành chuyến xuyên việt thì tôi sẽ làm việc với các Sở ấy để chọn một huyện điểm để làm tủ sách để từ kết quả một huyện để các tỉnh tự nhân rộng ra. Tôi nghĩ 2015 sẽ là cơ sở để tạo ra hàng trăm nghìn tủ sách ra đời.
Tôi tin nhiều người đã nghĩ đến việc làm cho xã hội mình tốt đẹp hơn và những bức thư của tôi làm hành động của họ nhanh hơn. Hơn nữa, không phải ai cũng chuyên nghiệp ở nhiều lĩnh vực nhưng khi thấy kết quả của người chuyên nghiệp đã làm thì họ sẽ có những quyết định nhất định để nhân rộng việc những người chuyên nghiệp đã làm.
- Chặng đường từ Hà Nội vào Sài Gòn rất dài, vậy tại sao anh lại chọn phương thức đi bộ cũng như lịch xuất phát vào đúng ngày mùng 1 Tết?
Tôi bị hỏng một mắt nên việc đi lại cũng gặp nhiều khó khăn. Lần trước, khi đi xe máy từ Hà Nội vào Đà Nẵng, trời lạnh, khói bụi làm mờ kính khiến tôi mấy lần xuýt đâm xe vào ô tô. Lần này, đi bộ cũng là một khó khăn, vì chịu lực gió cản táp vào mặt, vào người, đường đi lại dài nên sẽ mất nhiều sức. Tuy nhiên, vẫn sử dụng bước chân của mình, mà tôi hay gọi là năng lượng bước chân để đánh thức trái tim của người khác. Tôi tin với sự tận tâm của tôi, nhiều người sẽ hành động đưa sách về dòng họ, xứ đạo, trường cũ…của họ để nuôi dưỡng nhân văn và sáng tạo trong hàng triệu trẻ em, nhưng công dân tương lai của đất nước.
Tôi tin rằng khi 90 triệu người đang vui Tết, hình ảnh một người độc hành trên quốc lộ vì mục tiêu giúp hơn 10 triệu học sinh nông thôn có sách đọc sẽ chạm đến trái tim của nhiều người. Tôi nghĩ rằng nhiều thành viên xã hội nhân thức rõ rằng để xây dựng và nuôi dưỡng sự tiến bộ và văn minh cho Việt Nam, không cần sự hy sinh hạnh phúc cá nhân của nhiều người, mà cần rất nhiều cá nhân chung tay hành động vì sự tiến bộ và văn minh của đất nước trong khả năng, trách nhiệm và như là niềm hạnh phúc của chính mình. Bởi thế, tôi muốn mọi người phải nắm tay cùng làm chứ không phải chỉ ngồi tán dương một cá nhân. Khi mọi người phải có chung suy nghĩ muốn xã hội tốt đẹp thì phải coi xã hội là ngôi nhà của mình và phải coi những cái xấu là rác của xã hội. Từ suy nghĩ đó, mình không làm việc xấu và phải chung tay dọn rác chứ không chỉ ngồi tán dương cổ vũ người dọn rác còn mình thì không làm gì.
-Được biết, anh tự nhận mình là ăn mày sách? Tại sao vậy?
Tôi tự nhận mình là ăn mày để đưa thông điệp đến các tổ chức, cá nhân đang xin tài trợ biết rằng họ cũng đang đi ăn mày đấy. Mà đã là ăn mày thì phải biết chi tiêu đúng mục đích, chi tiêu tiết kiệm để nhiều người yếu thế được hưởng lợi hơn. Đừng nhân danh người nghèo, các nhóm yếu thế , nhân danh bảo vệ môi trường…để vẽ ra nhiều dự án làm căng túi các ông bà giám đốc nhưng xã hội chẳng được là bao.
Xin cám ơn anh, chúc chuyến xuyên việt của anh lần này đạt được kết quả như mong muốn!
H.Minh